Video: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo không để các dự án đã được cấp phép ở Sơn Trà triển khai ồ ạt
Ngày 2/6/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ban hành văn bản yêu cầu xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh (Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng). Văn bản ghi rõ: "Tại tọa đàm Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà, ông Huỳnh Tấn Vinh được mời tham dự và trình bày các ý kiến kiến nghị liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Mặc dù đã được chủ trị tọa đàm nhắc nhở về việc cân nhắc kỹ nội dung phát ngôn, đảm bảo chuẩn xác nhưng ông Huỳnh Tấn Vinh vẫn cố tình phát biểu tại tọa đàm những nội dung thiếu chính xác".
Văn bản kết luận: "Việc phát ngôn như trên của ông Huỳnh Tấn Vinh là chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề”.
Trên cơ sở đó, Bộ VH-TT&DL đề nghị Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng có biện pháp xử lý, yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ VH-TT&DL trước ngày 15/6 để Bộ báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Văn bản trên do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái ký.
Tuy nhiên, chưa đầy 48 tiếng sau, ông Huỳnh Vĩnh Ái lại ký công văn thu hồi văn bản do chính mình ký ban hành.
Chiều 5/6, ông Huỳnh Vĩnh Ái nhận trách nhiệm về những sơ suất tại công văn yêu cầu xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái nói: "Tôi nhận trách nhiệm trước Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tôi cũng đã xin lỗi Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng và cá nhân anh Huỳnh Tấn Vinh. Tôi mong nhận được sự chia sẻ và thông cảm của nhân dân về sự cố đáng tiếc này".
Trước đó, vào ngày 22/3/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn (đơn vị thuộc Bộ VH-TT&DL) ban hành quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát được sáng tác trước năm 1975 gồm: Cánh thiệp đầu xuân, Con đường xưa em đi, Rừng xưa, Cánh thiệp đầu xuân, Chuyện buồn ngày xuân và Đừng gọi anh bằng chú.
Chỉ ít ngày sau đó, chính Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đăng Chương đã ký văn bản thu hồi quyết định tạm dừng 5 ca khúc lưu hành trên, kèm lời xin lỗi: "Với cương vị Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, tôi thay mặt tập thể lãnh đạo Cục, cá nhân tôi xin nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm trước lãnh đạo Bộ VH-TT&DL xin lỗi độc giả vì phương pháp làm việc của chúng tôi đã gây nên sự hiểu nhầm và bức xúc trong bạn đọc”.
Việc ban hành văn bản rồi ngay sau đó lại ra quyết định thu hồi, xin lỗi, dường như là việc...không còn lạ ở Bộ VH-TT&DL. Đặc biệt hơn, trách nhiệm sau đó bị quy về cho các cá nhân, quy trình tham mưu cho lãnh đạo ban hành văn bản.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao các vị lãnh đạo thuộc Bộ lại có thể dễ dàng đưa ra những văn bản "kỳ lạ" tới như thế? Đành rằng, bộ phận tham mưu cũng có trách nhiệm không nhỏ nhưng với tư cách người đứng đầu, các lãnh đạo phải nắm rõ tình hình và phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng.
Khi ban hành một quyết định nào đó, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng chính trị, danh dự, quyền lợi của một tổ chức, cá nhân. Vì thế, phải thận trọng chứ không thể hôm trước ban hành, hôm sau lại ra công văn thu hồi. Với một xã hội thượng tôn pháp luật, hành động đó giống như một trò đùa.
Không những thế, khi trao đổi với báo chí bên hành lang quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng việc Thứ trưởng ra văn bản để yêu cầu kiểm điểm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là không đúng thẩm quyền vì lãnh đạo Bộ là người thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực chứ không lãnh đạo Hiệp hội. "Chỉ đạo xử lý người ta như thế là không đúng thẩm quyền", đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Ông Vân nêu quan điểm: "Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng là người theo dõi từ đầu, chủ trì các hội thảo, các cuộc họp về vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà, tại sao với cương vị phụ trách lĩnh vực, ông không phản biện, tranh luận lại các quan điểm đưa ra lại hội thảo, tại cuộc họp mà lại dùng quyền lực để yêu cầu kiểm điểm người phát biểu tại hội thảo? Như vậy là không thoả đáng".
Theo ông Vân, hiệp hội là một tổ chức nghề nghiệp, thành lập trên cơ sở pháp luật và người ta nói lên quan điểm của mình. Quan điểm không vi phạm, không gây nguy hiểm với xã hội, với mục đích chung là bảo vệ cảnh quan, môi trường và thậm chí cả an ninh quốc gia tại Sơn Trà.
"Khi người này lên tiếng, nếu cần, đại diện cơ quan quản lý nhà nước phải phản biện ngay để thấy cái đúng, cái sai trong quan điểm chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt buộc kiểm điểm, giải trình, xử lý người ta được", đại biểu Vân nói.
Trong khi đó, khi trao đổi với báo chí ông Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nêu quan điểm, trách nhiệm trước hết phải thuộc về người ký văn bản trực tiếp.
Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, vấn đề liên quan đến Sơn Trà được Phó Thủ tướng chỉ đạo phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến đa chiều. Với tư cách hiệp hội tham gia tọa đàm, người ta có quyền nói lên tiếng nói của họ.
Việc chỉ trong một thời gian ngắn, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và cơ quan thuộc bộ liên tiếp ra văn bản rồi lại ra quyết định thu hồi theo khiến dư luận cảm thấy khó hiểu.
Theo ông Lê Hồng Sơn những vụ việc trên cho thấy cả quá trình xem xét việc ban hành văn bản xác lập cơ chế quản lý của Bộ này rất nhiều vấn đề. Sự việc ở Cục Nghệ thuật Biểu diễn đến mức Thủ tướng phải gọi điện cho thôi chức, đương sự không từ chức. Do đó, Bộ cũng cần xem lại toàn bộ cơ chế, phương thức, nhân sự ở đây cho đáp ứng nhu cầu.
Bình luận