Clip: Ca sĩ Giang Hồng Ngọc hát "Tình bơ vơ" của nhạc sĩ Lam Phương
Trong một lần về Việt Nam năm 2014, nữ danh ca Bạch Yến kể cho người viết nghe về tình yêu đơn phương của một chàng nhạc sỹ với chị để rồi từ mối tình vô vọng đó, chàng gửi nỗi lòng mình vào âm nhạc và viết lên những giai điệu tuyệt vời của những Kiếp tha hương, Tình bơ vơ, Em đi rồi, Biết đến bao giờ, Chờ người, Cho em thêm tuổi ngọc… Chàng nhạc sỹ đó là Lam Phương.
Vào đầu những năm 1960, nữ ca sỹ trẻ Bạch Yến là ngôi sao ca nhạc hàng đầu tại Sài Gòn. Có nhan sắc, được học thanh nhạc chuyên nghiệp tại Pháp lại có thêm sở thích tìm tòi sáng tạo với âm nhạc nên Bạch Yến luôn được mời gọi tham gia các chương trình lớn. Cũng chính vì thế đã có nhiều chàng trai yêu mến Bạch Yến, trong đó có nhạc sỹ trẻ đang nổi Lam Phương.
Tuy nhiên khi vừa chớm yêu thì Bạch Yến đã đi qua Pháp du học, bỏ lại chàng nhạc sỹ ôm nỗi sầu khắt khoải. Lam Phương đã cho ra ca khúc Chờ người với khát khao mong chờ nàng thơ trở về.
Ít lâu sau Bạch Yến đã trở về, nhưng là con người của âm nhạc, Bạch Yến lại mơ đến những chân trời xa hơn, rộng lớn hơn. Theo như bao chí ngày đó tường thuật thì Lam Phương đã sang nhà xin hỏi cưới Bạch Yến nhưng không nhận được cái gật đầu của người đẹp. Và ít lâu sau, Bạch Yến lại ra đi lần thứ hai, không phải theo tiếng gọi con tim mà là đi theo lời mời của BTC Ed Sullivan Show (Mỹ).
Đây là chương trình truyền hình giải trí ăn khách nhất của Mỹ thời đó với mỗi lần truyền hình thu hút trên 40 triệu khách xem và trước Bạch Yến, năm 1964 nhóm nhạc huyền thoạiBeatles lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ cũng trên Ed Sullivan Show. Chương trình của Beatles đã thu hút trên 70 triệu lượt người xem, trở thành một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất thời đại. Vì thế, được Ed Sullivan Show mời là vinh dự cho bất cứ ca sỹ nào trên thế giới và Bạch Yến là người Việt Nam đầu tiên được xuất hiện trên show này.
Ra đi với ánh hào quang nghệ thuật, Bạch Yến đã để lại sau lưng tất cả, trong đó có cả nỗi buồn vô vọng của chàng nhạc sỹ tài năng. Và chàng chỉ biết gửi nỗi niềm u uất, não nề qua những Thu sầu, Trăm nhớ ngàn thương, Tiễn người đi, Tình chết theo mùa đông, Tình bơ vơ… Trong đó Tình bơ vơ với những câu hát thống thiết bi ai: “Ngày mình yêu- Anh đâu hay tình ta gian dối- Để bước phong trần tha hương- Em khóc cho đời viễn xứ-Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi- Gom góp yêu thương quê nhà- Dâng hết cho người tình xa…”
Người tình xa mà Lam Phương trách ấy là người tình nghệ thuật. Chuyến đi tới Mỹ tham dự Ed Sullivan Show của Bạch Yến đã trở thành chuyến đi định mệnh bởi sau khi tham gia show diễn, Bạch Yến đã được mời đi lưu diễn khắp nước Mỹ. 2 tuần sang Mỹ theo kế hoạch đã trở thành chuyến đi dài tới mấy chục năm. Và hành trình của nữ ca sỹ trẻ đẹp đã gắn liền với những chuyến đi, những chương trình ca nhạc nối tiếp năm nọ qua năm kia.
Tại Việt Nam, sau những chờ đợi vô vọng và sầu đau, Lam Phương đã lập gia đình với nữ ca sỹ Tuý Hồng. Tuy nhiên sau này khi gặp Bạch Yến, Tuý Hồng đã thừa nhận dù đã có vợ nhưng trong lòng Lam Phương vẫn hướng về người cũ và hàng trăm sáng tác sau này của Lam Phương vẫn mang hình bóng của Bạch Yến ngày nào.
Mãi tới năm 1984, nhạc sỹ Lam Phương mới gặp lại danh ca Bạch Yến trên đất Pháp. Khi đó, nàng thơ một thời của Lam Phương đã “yên bề gia thất” cùng với nhạc sỹ Trần Quang Hải (Con trai GS-TS Trần Văn Khê). Gặp lại người tình cũ một thời, những cảm xúc lại trỗi dậy và Lam Phương đã viết ca khúc Cho em quên tuổi ngọc, như một lời nhắn gửi người cũ những kỷ niệm của ngày xưa, kỷ niệm của mối tình vô vọng đã khiến trái tim của chàng nhạc sỹ rỉ máu, viết lên những giai điệu âm nhạc tuyệt vời cho nhân thế.
Bình luận