Năm 1923, phong trào đờn ca tài tử nổi lên khắp nơi ở Mỹ Tho. Bé Phụng Hảo sáng đi bán trái cây, chiều đi học thêm, tối xin phép mẹ đi nghe đờn ca tài tử...
>> Chuyện đời như tiểu thuyết của NSND Phùng Há (Kỳ 1: Tuổi thơ)Nghệ sĩ Phùng Há và Ba Vân trong vở Khi người điên biết yêu - Ảnh tư liệu gia đình
12 tuổi, Hảo thích thú khi được nhìn những nghệ sĩ, nhạc sĩ mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng, bốn người ngồi bốn góc hình chữ bát, người ca ngồi ngay chính giữa trên bộ ván gõ; nhạc thì gồm: kìm, tranh, gáo và cò. Năm Phụng Hảo 13 tuổi, công việc bán trái cây hết sức cực khổ nhưng gia đình cũng không đủ sống, hai mẹ con xin vào in gạch cho lò gạch của ông Bang Hoạch.
Có những trưa hè oi ả, tiếng hát thánh thót của bé Hảo đã giúp cuộc sống của công nhân lò gạch thêm vui. Có những đêm mưa rả rích, người ta nghe văng vẳng tiếng hát phát ra từ căn nhà lá của bà già mù ở xóm Chợ Giồng.
Tài hoa lộ diện
Có phải những đau thương ngang trái của cuộc đời mà tuổi thơ đã nếm trải khiến bé Hảo dù không biết nhịp của bài hát là gì, bài hát điệu gì, nhưng khi cô bé cất lên tiếng hát thì ai bi não ruột. Tiếng đồn bay xa, ông Hai Cu - chủ ban hát Tái Đồng Ban - tìm đến nhà xin được nghe bé Hảo hát.
Thật lạ lùng! Bé Hảo hát một số bài trong ba Nam sáu Bắc rất đúng điệu. Giọng hát lời ca trong trẻo ngọt ngào, có lúc lại hùng hồn, có khi lại bi ai thống thiết. Đoán được tương lai rực rỡ của cô bé, ông đề nghị ký bản hợp đồng với số tiền 20 đồng trong ba năm (một số tiền rất lớn đối với người nghèo vào thời đó).
Vậy là Phụng Hảo về ban hát Tái Đồng Ban, bà Mai được theo con ăn ở khỏi tốn tiền.
Qua nhiều tháng luyện tập ca cho đúng nhịp, hát cho đúng điệu, Phụng Hảo được nghệ sĩ Tư Chơi vừa dạy đàn, vừa dạy ca. Còn về diễn xuất do nghệ sĩ Năm Châu hướng dẫn. Đến năm 14 tuổi, Phụng Hảo đã có tên trên bảng quảng cáo với nghệ danh Phùng Há. Tên Phùng Há do bà Mai đặt từ âm hưởng Phụng Hảo mà ra.
Vai hát đầu tiên của Phùng Há trên sân khấu Tái Đồng Ban là vai Giả Thị - vợ của Hoàng Phi Hổ (trong tuồng Hoàng Phi Hổ quy châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh). Khán giả Mỹ Tho đã đổ xô đến xem ban hát Tái Đồng Ban diễn tại nhà lồng chợ Mỹ Tho, chứng kiến cô bé nghèo ở lò gạch ngày nào hát trên sân khấu. Bà Mai nghẹn ngào xúc động nhìn con gái y quang rực rỡ, mỗi khi cất lên tiếng hát mọi người đều chắc lưỡi hít hà.
Năm 1926 khi Phùng Há được 16 tuổi, đã vững vàng trên sân khấu, để đền ơn đáp nghĩa người đã có công luyện tập giúp đỡ rất nhiều cho Phùng Há nên danh, bà Mai đã đứng ra gả cô cho nghệ sĩ Tư Chơi.
Vào chốn đoạn trường
Nghệ sĩ Tư Chơi là một nghệ sĩ tài năng, đẹp trai, hát hay, đàn giỏi. Ngoài Việt văn, Pháp văn ông còn giỏi Hán văn. Sau này ông sáng tác nhiều vở cải lương rất nổi tiếng với bút danh Huỳnh Thủ Trung - tên thật của ông.
Nhưng cuộc đời có mấy ai biết được chữ ngờ. Đôi trai tài gái sắc chỉ chung sống với nhau trên đôi năm, có được một bé gái bụ bẫm đặt tên là Bửu Chánh thì gia đình xảy ra những bất hòa, tranh cãi quyết liệt và cuối cùng là chia tay mỗi người mỗi ngả.
Cô Phùng Há về đầu quân cho ban hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, kép Tư Chơi ở lại ban hát Tái Đồng Ban. Cô Phùng Há được đón tiếp nồng hậu, hợp đồng tốt, lãnh lương cao và là đào chánh đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu.
Hôn nhân tan vỡ, năm 1928 nhiều nỗi đau đớn khác còn dồn dập đổ xuống cuộc đời cô đào trẻ: bà ngoại mất do tuổi cao sức yếu và người mẹ thân yêu cũng qua đời tại nhà thương Mỹ Tho. Chơi vơi một mình giữa bao nhiêu chông gai khắc nghiệt của cuộc đời, cô Phùng Há 18 tuổi đành gom góp tiền bạc nhờ người đưa con gái Bửu Chánh về làng Hạt Sơn, Trung Quốc gửi cho các anh chị chăm sóc và lo việc học hành.
Đau đớn như ai cắt từng đoạn ruột khi nhìn người ta bồng bé Bửu Chánh xuống tàu. Nhớ lại ngày nào cô cùng mẹ trải qua cơn thập tử nhất sinh giữa muôn trùng sóng dữ. Giờ đây cô chỉ biết chắp tay cầu xin trời Phật cho con được bình an khỏe mạnh, ăn học giỏi giang. Rồi một ngày không xa, khi cuộc sống được ổn định cô sẽ đón con về quê mẹ thân yêu.
Làm dâu đốc phủ
Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước (tự là Phước George) sinh năm 1901, quê quán Chợ Gạo, Mỹ Tho, con của ông Lê Công Xủng - đốc phủ Mỹ Tho. Ông đốc phủ có hàng ngàn mẫu ruộng cò bay thẳng cánh, hàng trăm tá điền, ghe bầu chở lúa gạo đậu chật cả một khúc sông, có cả một dãy phố mua bán cạnh chợ Mỹ Tho.
Phước George là con trai duy nhất của ông đốc phủ với người vợ trước. Mười mấy tuổi, Phước George đã được cha cho đi du học ở Pháp, gần 30 tuổi mới trở về nước, được ông bà đốc phủ giao cho quản lý gia sản. Công tử Phước George có dáng dấp của một thư sinh mũi cao, trắng đẹp; tính tình phóng khoáng, rộng rãi, bặt thiệp, có thể tung tiền bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào, thường họp mặt bạn bè ở các nơi như nhà hàng, vũ trường, sòng bạc, sòng me..., rất được tình cảm của nữ giới và bạn bè.
Bạch công tử thích nhất là nhảy đầm, xem cải lương, nghe đờn ca tài tử. Ban hát thầy Năm Tú diễn ở đâu, cậu đều có mặt. Bạch công tử rất thích tuồng Mộc Quế Anh dâng cây mà người đóng vai Mộc Quế Anh phải là cô Phùng Há. Cậu thường nói: “Cô Phùng Há ở ngoài hiền hậu, nhu mì nhưng khi bước ra sân khấu cô sáng đẹp lạ lùng, lúc thì uyển chuyển khi uy nghi lẫm liệt như một tướng quân lâm trận”.
Khi ban hát thầy Năm Tú lên Sài Gòn diễn tại rạp hát Moderne gần chợ Bến Thành, ban hát diễn bao nhiêu đêm thì Bạch công tử có mặt bấy nhiêu đêm. Sau khi vãn hát, Bạch công tử thường mời cả đoàn ra nhà hàng ăn uống rồi lại trở về Mỹ Tho, hôm sau lại có mặt. Cứ đều đều như thế, khi cần ở lại đêm thì công tử thường ở khách sạn Continental.
Cách ăn chơi của Bạch công tử khiến ông bà đốc phủ rất lo lắng. Ông bà muốn cậu phải lấy vợ. Ông bà sẽ tìm những cô gái giàu sang quyền quý, môn đăng hộ đối hoặc đẹp nhất trong vùng nhưng Bạch công tử nhất quyết từ chối và xin cho cậu cưới cô đào hát. Ông đốc phủ quyết liệt phản đối, cương quyết không chấp nhận cô đào hát về làm dâu. Không được như ý muốn, Bạch công tử ăn chơi nhiều hơn, có khi nhiều ngày không về nhà, bà đốc phủ phải cho người đi tìm kiếm khắp nơi. Bà khóc lóc van xin ông đốc phủ cho Phước George được toại nguyện cưới cô đào hát.
Vậy là cô bé nghèo khổ ở xóm Chợ Giồng ngày nào nay nghiễm nhiên là dâu của ông bà đốc phủ, là vợ của Bạch công tử giàu sang nhất xứ. Cô đào hát về sống chung với gia đình ông bà đốc phủ, bà đốc phủ rất thương cô bởi tánh tình hiền lành chân thật. Năm 1928, Bạch công tử bàn với gia đình là ông sẽ lập một ban hát. Và năm 1929, sau nhiều tháng tập luyện, ban hát khai trương với bảng hiệu Huỳnh Kỳ tại nhà lồng chợ Mỹ Tho (Mỹ Tho ngày xưa chưa có rạp hát).
Một cuộc sống mới xán lạn mở ra trước mắt cô Phùng Há. Nhưng cũng từ đây, vinh hoa và cay đắng đeo bám cuộc đời cô...
Còn nữa
>> Chuyện đời như tiểu thuyết của NSND Phùng Há (Kỳ 1: Tuổi thơ)
Bài viết của NSƯT NAM HÙNG đăng trên báo Tuổi trẻ
Bình luận