• Zalo

Chuyện kể của người anh hùng hạ 31 tên địch

Thời sựThứ Bảy, 02/05/2015 05:59:00 +07:00Google News

Trong người ông vẫn còn 15 mảnh đạn, 13 mảnh nhỏ li ti và hai mảnh to như hạt lạc nằm trên đầu và bên đùi chân trái.

Giờ trong người ông vẫn còn 15 mảnh đạn, 13 mảnh nhỏ li ti và hai mảnh to như hạt lạc nằm trên đầu và bên đùi chân trái.

Ông là Phạm Văn Lái (SN 1952), quê ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Người anh hùng mưa trí, dũng cảm tiêu diệt 31 tên địch trong trận “cánh của thép” Xuân Lộc, mở màn cho chiến thắng Hồ Chí Minh lịch sử.

Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa 25 tuổi.

Một mình tiêu diệt 31 tên địch

Khi vừa tròn đôi mươi, chứng kiến cảnh đất nước chìm trong bom đạn, chàng thanh niên Phạm Văn Lái đã có lòng căm thù giặc sâu sắc và ý thức được việc cầm súng đứng lên bảo vệ đất nước.

Tháng 5/1972, ông đã viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ ở đơn vị C3D3 Công binh phà Gianh (Quảng Bình).

Sau một thời gian thử thách, đến tháng 10/1973, ông được chuyển qua làm chiến sĩ liên lạc ở đơn vị bộ binh C9D9- E266, Sư đoàn 341 (Sư đoàn Sông Lam) thuộc Quân đoàn 4.
 Ông Phạm Văn Lái
“Chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt, tôi và đồng đội đã được quán triệt: “Đi lâu, đi sâu, đi xa, đi đến ngày đất nước thắng lợi mới về”. Sau một tháng hành quân ròng rã, đơn vị chúng tôi đã vào đến khu D để chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài”, ông kể.

Là nơi “tử thủ” của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ nên Xuân Lộc (Đồng Nai) được địch chốt chặn bởi những phương tiện kĩ thuật, vũ khí hiện đại và lực lượng hùng mạnh nhất gồm Sư đoàn 18 và một số tiểu đoàn bảo an, cảnh sát phòng ngự…

Để mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, lực lượng của ta phải tạo quả đấm mạnh mẽ, mở toang “cánh cửa thép” kiên cố này. Trong trận này, mỗi chiến sỹ được cấp 4 bơ gạo rang (gạo ngâm nước rồi rang), 1 gói lương khô cùng vũ khí...

Là chiến sĩ liên lạc nên ngay từ 16h chiều 9/4, ông đã đi trước để nắm tình hình, 3h sáng ngày 10 ông trở về đơn vị báo cáo.

4h sáng ngày 10, các mũi của quân ta bắt đầu tiến công với nhiệm vụ đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng, Tổng Nha cảnh sát địch.

“Sáng ngày 10/4, tôi cùng Đại đội phó Đặng Xuân Dần và 3 chiến sỹ Trúc, Toại, Hà hình thành một mũi đánh vào một đoạn chiến hào của địch. Đánh đến trưa, lúc hai bên giáp lá cà, giành nhau từng căn nhà, tấc đất… Tôi đã đề nghị bí mật đánh úp sau lưng địch.
Ngôi nhà nhỏ của người anh hùng 
Bị đánh bất ngờ, bọn địch bỏ chạy nhưng khoảng 1 tiếng sau, ngụy tăng thêm quân viện trợ tập kích rồi huy động bom, pháo đánh trả. Đang lúc ầm ầm tiếng súng, tiếng bom và sức ép, tôi không nghe thấy ta có lệnh tạm rút lui để tránh thiệt hại nên vẫn tiếp tục bám chốt”, ông nhớ lại.

Còn một mình với khẩu AK hết đạn, ông xác định: “Còn một mình cũng đánh, tìm súng địch mà đánh”. Dù bị một viên đạn AR15 của địch bắn sướt ngang qua trán, máu chảy đầm đìa nhưng ông không hề cảm thấy đau.

Đến cuối ngày, một tổ trinh sát của ta mới phát hiện được ông đang bị thương nhưng vẫn không rời vị trí chiến đấu.

“Lúc đó, đại úy Nguyễn Hồng Đàn, trinhh sát pháo binh nhanh chóng băng vết thương cho tôi rồi kéo 4 khẩu pháo 37 vào, tôi nhanh chóng hạ nòng bắn ngay chết thêm mấy tên địch”, ông kể.

Trong trận đó, ông đã tiêu diệt 31 tên lính ngụy, góp phần mở bức tường thép Xuân Lộc, tiến vào giải phóng miền Nam.

Hai lần anh hùng

Một năm sau, vào ngày 20/10/1976, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi đất nước đã liền một dải, ông lại tiếp tục sang Cam-Pu-Chia làm nhiệm vụ quốc tế. Sau khi bị thương ở chân, ông được đưa về tuyến sau và phục viên trở lại quê nhà.

Năm 1980, ông lập gia đình với bà Lê Thị Thuyết, hai ông bà có với nhau 5 người con, ngày ngày chăm chỉ làm lụng nuôi các con khôn lớn.

“Cách đây 8 năm, ông ấy đau nặng nên gia đình đưa đi viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư dạ dày. Từ đó đến nay, ông ấy đã phải phẫu thuật cắt bỏ 4/5 dạ dày, 7 lần chuyền hóa chất rồi do biến chứng lại phải cắt luôn túi mật”, bà Thuyết nói.

Mặc dù mang trong mình bệnh tật nhưng ông vẫn rất lạc quan, vui vẻ. Trò chuyện với chúng tôi ông cười xòa, 'mình đánh trận không chết thì bệnh tật là cái chi, nên cứ vui mà sống thôi'.

“Lúc trước, bác sĩ bảo tôi chỉ có thể sống chừng 6 tháng đến một năm nhưng cũng có thể nhờ tinh thần lạc quan mà tôi đã vượt qua tất cả. Giờ đây, hằng ngày tôi ăn từ 6 đến 10 bữa cháo mỗi ngày, mỗi bữa khoảng một muôi nhỏ”, ông chia sẻ.

Không chỉ là anh hùng trong kháng chiến, giờ đây ông còn là anh hùng khi 'chiến thắng' được căn bệnh hiểm nghèo. Con cái đứa đã thành gia thất, đứa đã có nghề nghiệp, riêng đứa con trai út học xong đại học vẫn chưa xin được việc làm ông canh cánh.

Nguồn: Hải Sâm(Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn