Đây là một tổn thất nặng nề của ngành y tế và nếu báo chí thực hiện tốt vai trò giám sát của mình, thì hậu quả của vụ án đã không nặng đến thế.
Sau nửa năm kể từ ngày Phan Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á bị khởi tố vì vụ án nâng giá kit test COVID-19, hàng trăm cán bộ, nhân viên ngành y tế đã rơi vào vòng lao lý vì liên quan với vai trò đồng phạm.
Con số những người liên quan vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, khi vụ việc khép lại, có lẽ không còn cơ quan kiểm soát dịch bệnh CDC nào không có người dính tội.
Ở khía cạnh luật pháp, tội đến đâu xử đến đó, đây là câu chuyện của các cá nhân riêng biệt và lòng tham của mỗi người. Song, ở khía cạnh xã hội, việc cơ quan điều tra sờ đến đâu thấy tội phạm ở đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Bởi, đó là tiền đề để người dân nhận ra việc tham nhũng, hối lộ trong hệ thống công là điều bình thường, và dường như bất cứ ai trong hệ thống cũng không tránh khỏi vướng phải những tội danh tham nhũng, hối lộ.
Vụ án kit test Việt Á là một câu chuyện đặc biệt. Bởi nó có độ phủ rộng toàn quốc, các bị can xuất hiện ở mọi địa phương với mức độ khác nhau, phần lớn trong số họ là những cán bộ, nhân viên y tế, những người được đào tạo về đạo đức, tri thức ở mức độ cao hơn phần lớn dân chúng.
Nên không khó hình dung câu chuyện này có khả năng tàn phá niềm tin của xã hội sẽ lớn đến mức nào. Đặc biệt là khi bất cứ ai ở vào vị trí của họ, cũng có thể trở thành phạm nhân.
Bỏ tù hàng trăm cán bộ nhân viên ngành y có liên quan là điều không hề khó khăn ở khía cạnh tố tụng. Song, làm thế nào để các cán bộ nhân viên ngành y không trở thành tù nhân dự bị mới là điều cần thiết phải đặt ra.
Câu chuyện đau lòng này có thể đã không phải xảy ra nếu như việc sản xuất, mua bán vật tư y tế được diễn ra với một cơ chế giám sát chặt chẽ và minh bạch. Cơ chế giám sát nội bộ ở các CDC đã tê liệt trong vụ Việt Á.
Báo chí hoàn toàn không thực hiện vai trò giám sát đối với câu chuyện này trong suốt hơn một năm nó được diễn ra, trước khi vụ việc được khởi tố.
Hơn một năm trời, khi mà kit test Việt Á được sử dụng rộng rãi khắp cả nước, chưa một cơ quan báo chí nào tìm hiểu nó được sản xuất ở đâu, như thế nào. Bởi các nhà báo mặc định tin tưởng sản phẩm được các cá nhân, tổ chức chuyên môn đánh giá cao.
Niềm tin dễ dãi của báo chí gián tiếp tạo điều kiện cho hành vi trục lợi lặng lẽ lan tỏa trong không gian cả nước, trong một thời gian đủ dài khiến hàng trăm người liên quan.
Niềm tin dễ dãi của các cơ quan báo chí đã gián tiếp làm đổ vỡ niềm tin của xã hội đối với sự liêm chính của hệ thống công.
Vụ án Việt Á vẫn chưa khép lại, sẽ còn có những kẻ tham lam, liều mạng khác tiếp tục bị phát hiện. Nó là một lời nhắc nhở đối với nhiều người về ý niệm tôn trọng luật pháp. Đồng thời, nó cũng nên được nhìn nhận là một lời nhắc nhở về vai trò giám sát của báo chí.
Khi các nhà báo chỉ tập trung theo đuổi xu hướng tin tức hàng ngày, họ đã không nhớ đến vai trò giám sát của mình, quên mất việc tìm kiếm câu trả lời cho những mối quan tâm của bạn đọc, hoặc chủ động đặt những câu hỏi vì lợi ích của bạn đọc.
Vụ án Việt Á có thể không gây hậu quả nghiêm trọng như đã xảy ra, hàng chục cán bộ, nhân viên y tế đã có thể thoát vòng lao lý, niềm tin của người dân đối với sự liêm chính của đội ngũ cán bộ ngành y tế có lẽ vẫn còn nguyên.
Nếu như, tất nhiên là nếu như, khi Việt Á được vinh danh, thay vì chỉ cùng nhau đưa tin bằng cách dẫn lời sự khen ngợi, các nhà báo bỏ công tìm hiểu một cách cẩn trọng và nghiêm túc về hiện tượng Việt Á.
Tất nhiên, mọi việc tồi tệ đã xảy ra mà không có nếu như nào. Chỉ có những bài học, bài học về sự tham lam, về sự coi thường pháp luật, và bài học về sự thờ ơ của những người làm báo.
Bình luận