Theo Bulgarian Military, một số chuyên gia và các nhà phân tích quân sự phương Tây thắc mắc, MiG-35 của Nga – chiếc máy bay được quảng cáo là có khả năng chống lại F-35 của Mỹ, hiện đang ở đâu?
Trong hơn 900 ngày xung đột ở Ukraine, thế giới chứng kiến gần như toàn bộ máy bay chiến đấu của Nga từ Su-25, Su-27, Su-30, Su-34, Su-35, MiG-29 cho đến Su-57. Tuy nhiên, loại chiến đấu cơ được phía Nga gọi là “sát thủ F-35”, lại thiếu vắng một cách đáng chú ý.
Chuyên gia phần cứng người Mỹ và là cây bút quốc phòng lão luyện, Peter Suciu cũng nêu lên mối quan ngại tương tự, rằng MiG-35 đang ở đâu? Ông cho rằng, MiG-35 giống một chiêu trò tiếp thị hơn là một đối thủ thực sự của các máy bay chiến đấu phương Tây. Điều này đã làm dấy lên sự hoài nghi về hiệu quả và tương lai của MiG-35.
Khó khăn của MiG-35
Mặc dù phía Nga tuyên bố MiG-35 được trang bị radar tiên tiến và hiệu suất vượt trội, những chiếc máy bay này vẫn chưa được thử nghiệm nhiều, với số lượng sản xuất ít và hạn chế sử dụng trong hoạt động chiến đấu. Suciu kết luận trong bài phân tích của mình: “Nga đang phải vật lộn để tìm kiếm khách hàng và việc đưa MiG-35 vào Ukraine vẫn chưa được xác nhận”.
Không giống như Su-57, ngay trong nước, MiG-35 đã phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi các máy bay chiến đấu khác, đặc biệt là từ máy bay dòng Sukhoi. Su-30, Su-35 và Su-57 được ưa chuộng hơn MiG-35, chủ yếu là do khả năng hoạt động vượt trội và hệ thống hậu cần bảo đảm tốt hơn.
Một khía cạnh thú vị khác là sự thiếu quan tâm từ khách hàng nước ngoài. Một số nhà phân tích có thể chỉ ra các yếu tố khác như xung đột ở Ukraine hoặc “Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt” (CAATSA), nhưng đó không phải là vấn đề cốt lõi. Nga luôn tìm được người mua, bất kể số lượng người mua tăng hay giảm. Không giống như Su-57, được các quốc gia như Ấn Độ, Algeria để mắt tới, MiG-35 không thu hút được sự chú ý, thậm chí ngay cả trong không quân Nga.
MiG-35 đã phải nỗ lực để tìm kiếm các đơn đặt hàng, cả trong nước và quốc tế. Nhưng không quân Nga đã lựa chọn các máy bay khác, chẳng hạn như Su-35 và Su-57, có hiệu suất vượt trội hơn MiG-35 về tầm bay, tải trọng và tính linh hoạt. Việc thiếu nhu cầu này càng làm suy yếu khả năng tồn tại của chương trình MiG-35.
Trong khi đó, Chính phủ Nga đang chịu áp lực tài chính nghiêm trọng, chủ yếu là do các hoạt động quân sự đang diễn ra ở Ukraine. Những áp lực ngân sách này dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng, khiến việc phát triển thêm một nền tảng mà chưa cho thấy lợi thế rõ ràng, so với các lựa chọn hiện tại càng trở nên khó khăn. Do đó, việc sản xuất thêm các đơn vị MiG-35 đã bị cắt giảm đáng kể.
Mặc dù được quảng cáo là máy bay chiến đấu thế hệ “4++” với hệ thống điện tử hàng không và radar tiên tiến, MiG-35 vẫn không đáp ứng được kỳ vọng. Máy bay gặp phải các vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là với radar và động cơ, khiến nó kém cạnh tranh hơn so với các máy bay chiến đấu hiện đại như F-35. Khoảng cách công nghệ này, đặc biệt là về khả năng tàng hình và hiệu suất động cơ, đã làm giảm sức hấp dẫn của MiG-35 ở cả Nga và nước ngoài.
Đôi nét về MiG-35
Trên lý thuyết, MiG-35 rất ấn tượng, ít nhất là theo các kỹ sư và phương tiện truyền thông Nga. Theo số liệu chính thức, MiG-35 dài khoảng 17,3 mét, sải cánh khoảng 12 mét và chiều cao khoảng 4,73 mét. Nó được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt đốt sau Klimov RD-33MK, mỗi động cơ tạo ra lực đẩy 19.800 pound với bộ đốt sau, hứa hẹn tạo ra hiệu suất tốc độ cao và sự nhanh nhẹn.
MiG-35 tự hào có radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) Zhuk-AE, giúp máy bay theo dõi đồng thời tới 30 mục tiêu và tấn công đồng thời tới 6 mục tiêu. Máy bay còn được trang bị hệ thống fly-by-wire, giúp tăng khả năng cơ động và ổn định khi bay. Phi công cũng được hưởng lợi từ bộ thiết bị điện tử hàng không tiên tiến với buồng lái bằng kính, hiển thị thông tin chuyến bay quan trọng thông qua màn hình đa chức năng và màn hình hiển thị thông tin trên kính chắn gió (HUD).
Với nhiều loại cảm biến, bao gồm hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST), MiG-35 vượt trội trong việc phát hiện và theo dõi thụ động các mục tiêu trên không. Bộ tác chiến điện tử (EW) giúp máy bay nâng cao khả năng sống sót nhờ các máy thu cảnh báo radar (RWR), hệ thống cảnh báo tiếp cận tên lửa (MAWS) và máy phân phối biện pháp đối phó.
Hệ thống vũ khí của MiG-35 cực kỳ đa dạng, với chín giá treo có khả năng mang nhiều loại vũ khí. Bao gồm tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, bom dẫn đường, bom không dẫn đường và tên lửa. Đối với các cuộc giao tranh tầm gần, máy bay có thể sử dụng pháo tốc độ cao GSh-30-1 30mm để chiến đấu.
Tầm hoạt động của MiG-35 có thể thay đổi tùy theo nhiệm vụ và tải trọng của nó. Chỉ với nhiên liệu bên trong, MiG-35 có bán kính chiến đấu khoảng 1.000 km. Việc bổ sung thêm bình nhiên liệu ngoài hoặc sử dụng tiếp nhiên liệu trên không có thể mở rộng đáng kể tầm hoạt động, cho phép máy bay thực hiện các nhiệm vụ dài hơn và duy trì sự hiện diện trong không phận có tranh chấp.
Theo các chuyên gia phương Tây, ngay cả khi MiG-35 đáp ứng được mọi kỳ vọng, thì MiG-35 vẫn có một vấn đề lớn, đó là Moskva không thể sản xuất đủ số lượng. Chuyên gia Harrison Kass của tạp chí The National Interest chỉ ra rằng “Chỉ có khoảng nửa tá MiG-35 được chuyển giao cho lực lượng Nga”.
Năm ngoái, Sergei Korotkov, nhà thiết kế chính tại tập đoàn máy bay United Aircraft Corporation (UAC) của Nga, cho biết MiG-35 đã được chuyển đến Ukraine. Tuy nhiên, như Defense blog đưa tin, không có bằng chứng chắc chắn nào về điều này ngoài các tuyên bố của phương tiện truyền thông Nga.
Nga liên tục khoe khoang về vũ khí "tiên tiến" của mình nhưng thường không đưa ra những bằng chứng chắc chắn. Điều này khiến cho MiG-35 chẳng khác gì ngoài một phiên bản MiG-29K nâng cấp và không đủ trình để so sánh với F-35 của Mỹ.
Bình luận