Nhân sự việc nhiều tài xế xe buýt tập trung đình công để đòi hai tháng tiền lương từ HTX 19/5 tại bến ĐH Quốc gia mới đây, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động xe buýt hiện nay còn biểu hiện nhiều mặt hạn chế. Do đó, để tránh những tình trạng tương tự, TP.HCM cần phải tập trung khắc phục những mặt hạn chế này.
Nhiều nguyên nhân người dân bỏ xe buýt
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, cho rằng hiện nay xe buýt còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí và trợ giá xe buýt. Sở GTVT mong muốn mạng lưới xe buýt TP được trải rộng ra đáp ứng được mọi nơi, mọi đối tượng. Để làm được những điều này thì đòi hỏi TP phải có khoản kinh phí nhất định.
Nói về nguyên nhân hành khách đi xe buýt sụt giảm, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết việc trợ giá xe buýt đã giảm dần từ năm 2012 đến nay. Lý do là hạ tầng giao thông chưa đảm bảo và cấu trúc không gian đô thị đường nhỏ, người dân ở phân tán nhiều nơi nên xe buýt không đáp ứng kịp.
Theo ông Lâm, nguyên nhân chính dẫn đến người dân không lựa chọn đi xe buýt là do thời gian xe buýt di chuyển chưa đáp ứng nhu cầu đi lại hằng ngày của họ. Ngoài ra, tần suất một số xe buýt bị cắt giảm nên không tiếp cận được với người dân.
“Nguyên nhân sâu xa, cấu trúc mạng lưới xe buýt chưa tiếp cận được người dân, hành trình thời gian không cạnh trạnh với phương thức đi lại của xe hai bánh” - ông Lâm nhận định.
Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Giao thông công cộng TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM, chia sẻ: Khó khăn về chi phí trợ giá xe buýt thấp, kinh doanh lỗ dẫn đến không đủ kinh phí để duy trì. Đồng thời, việc khoán hành khách trên tuyến cao lên đối với các doanh nghiệp đầu tư, trong khi đó doanh nghiệp không đảm bảo doanh thu trên tuyến nên việc thực hiện khá khó khăn. Đó là những nguyên nhân dẫn đến kinh doanh lỗ, các doanh nghiệp xin giảm chuyến trong thời gian qua.
Hỗ trợ trực tiếp cho người dân
Trước thực trạng khó khăn của hoạt động xe buýt như hiện nay, TS Phạm Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía nam, đánh giá thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin bất cập về xe buýt như họ bỏ vé, quay đầu không đúng tuyến trung tâm... Vậy tại sao Nhà nước phải hỗ trợ giá, trong khi cơ chế thị trường tự điều tiết sản lượng cho xe buýt?
Nếu trường hợp Nhà nước ép buộc HTX chỉ được kinh doanh những tuyến không có khách thì Nhà nước phải hỗ trợ xe buýt và có đường link vận chuyển ở đó đảm bảo thu hút hành khách. Xe buýt cũng cần có sự hấp dẫn riêng, tuy nhiên hệ thống vận chuyển giá rẻ, nhanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân thì TP chưa có nên Nhà nước phải bù khoản đó.
Theo đánh giá của TS Hùng, khi tốc độ công nghiệp hóa khiến con người không có thời gian để “thở” mà hành khách đi mấy kilomet mới có vị trí đón, một chuyến xe mất 2 tiếng đồng hồ mới đến địa điểm. Trong khi xe ôm công nghệ chỉ cần 30 phút là đến, loại hình xe ôm này cũng là một dạng xe buýt ít chỗ. Đó là nguyên nhân xe buýt không thu hút hành khách.
Để phát huy hiệu quả của xe buýt, theo TS Hùng, Nhà nước không nên hỗ trợ giá trực tiếp cho tài xế vì sinh ra gian lận, mà trợ giá bằng cách đưa trực tiếp cho người nghèo, sinh viên và hành khách có nhu cầu. Họ đi nhiều trả nhiều, đi ít trả ít. Địa phương hoặc đơn vị quản lý sẽ là nơi nắm thông tin để biết người nào cần.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng cho rằng giai đoạn 2014-2018 bình quân mỗi năm khách đi xe buýt giảm 6,6%, năm 2019 hành khách đi xe buýt tiếp tục giảm 13% so với năm 2018. Đây là những con số rất đáng báo động về vận tải xe buýt ở TP.HCM.
Ông Mai đặt vấn đề TP phải đáp ứng hai điều kiện quan trọng là tạo ra một hành lang hoạt động cho xe buýt và chạy đúng giờ, đảm bảo thời gian đi lại phù hợp (tốc độ bình quân 30 km/giờ).
Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, cho hay trung tâm có báo cáo bên Sở GTVT, UBND TP về những chính sách đảm bảo kinh phí cho hoạt động xe buýt năm 2020. Qua đó giải quyết những vướng mắc của năm 2019, tạo nên sự ổn định và phát triển thêm được nhiều tuyến xe buýt mới, đảm bảo phục vụ cho người dân. Hai điều kiện này không phụ thuộc vào xe buýt hay đơn vị vận tải, mà phụ thuộc vào vấn đề giao thông. Ở TP, xe buýt không thể chạy đúng giờ, đảm bảo thời gian đi lại phù hợp cho hành khách cũng do nguyên nhân kẹt xe là chính.
Do vậy, theo kinh nghiệm và thông lệ của các nước thì xe buýt phải có làn đường dành riêng hay ưu tiên thì mới đảm bảo được chạy đúng giờ, đảm bảo thời gian đi lại tốt cho hành khách. Vấn đề đặt ra là TP có đủ quỹ đường và năng lực thực thi, pháp lý để làm đường dành riêng hay ưu tiên cho xe buýt hay không.
“Theo tôi, TP phải tổ chức từng bước, ở từng địa bàn thuận lợi cho các tuyến dành riêng hay ưu tiên cho xe buýt để thu hút sự tham gia vào giao thông công cộng của người dân. Sau đó mới mở rộng ra theo từng khu vực” - ông Mai nói.
Bên cạnh đó, theo ông Mai, những vấn đề song song cần được giải quyết như tổ chức lại hệ thống vận tải công cộng theo hình thức PTA (chính quyền giao thông) để có thể huy động nguồn kinh phí xã hội hóa khá lớn cho xe buýt.
Đồng thời, TP cần thay đổi hệ thống dịch vụ của xe buýt nhằm đảm bảo sự hài lòng của người dân. Ngoài ra, phải thay đổi tất cả xe buýt cũ bằng hệ thống xe buýt mới, sàn thấp, tiện nghi, thân thiện môi trường. Đặc biệt, các giải pháp vĩ mô khác về quy hoạch giao thông, quy hoạch TP...
Trước đó, ngày 7/1, khoảng 50 tài xế tập trung đình công tại bến xe buýt ĐH Quốc gia để đòi nợ hai tháng lương từ HTX 19/5.
“Hai tháng không có lương, làm cả năm trời mà không nhận được tiền thưởng nên tài xế đình công. Hiện nay xe buýt đang gặp rất nhiều khó khăn, do vậy nhiều tài xế muốn nghỉ để chuyển đổi công việc” - một tài xế xe buýt cho hay.
Trao đổi với PV, đại điện HTX 19/5 cho hay việc trả lương cho nhân viên được giao cho chủ xe nhưng gần đây nhiều nhà xe gặp một số khó khăn, dẫn tới thanh toán chậm tiền lương cho nhân viên. Hiện HTX ứng tiền chi trả xong phần lương hai tháng cho tài xế và hoạt động bình thường. Ngày 20/1 tới, đơn vị sẽ thanh toán tiền thưởng cho tài xế.
Bình luận