Đây được cho là bước đầu trong giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với đại dự án này.
Sau các kết luận liên quan đến sai phạm tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO) mới đây, câu hỏi công trình này còn nằm đắp chiếu chờ đến bao giờ được dư luận đặt ra cấp thiết.
Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Ngô Trí Long bày tỏ sự nghi ngại nếu tiếp tục rót vốn vào dự án. Theo ông Long, quan trọng nhất là việc rót vốn liệu có đảm bảo hiệu quả hay không. “Dự án đã từng được rót vốn và kết quả cho thấy là kém hiệu quả. Trong bối cảnh bị đắp chiếu thời gian dài thì việc tiếp tục rót vốn vào dự án là không nên. Chúng ta cần có những tính toán hiệu quả trước khi đầu tư để tránh lãng phí, thất thoát nối tiếp thất thoát. Nhà nước muốn sử dụng đầu tư cũng cần phải cân nhắc, tính toán, đánh giá kỹ càng”, ông Long nói.
Khẳng định dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã trở thành “ung nhọt”, theo tiến sĩ Long, Nhà nước cần mạnh dạn cắt bỏ. Cùng với đó, việc thoái vốn cần nhanh chóng thực hiện để “vớt vát” phần vốn bỏ ra ban đầu. “Trong tình trạng dự án đã xuống cấp như hiện nay, việc sớm thoái vốn để thu hồi được bao nhiêu sẽ càng tốt bấy nhiêu. Chúng ta không thể "cố đấm ăn xôi” được. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng từng nói rồi, không thể đưa vốn đến nơi không có hiệu quả, làm thất thoát tiền của dân”, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo ông Long, đề xuất thoái vốn tại dự án TISCO của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp là đúng nhưng cũng cần cân nhắc việc định giá, thẩm giá.
Nhận định về thực trạng của dự án TISCO II, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, những tồn tại của dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã được ông phản ánh tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra.
“Ở kỳ họp đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng phát biểu về vấn đề này, đồng thời đề nghị Nhà nước cổ phần hóa nhanh và thoái vốn tại dự án. Phải thoái vốn lúc đó, Nhà nước mới thu hồi vốn được chứ để đến lúc xập xệ thì chẳng còn gì. Tuy nhiên, việc này đã bị chậm lại do ảnh hưởng từ công tác điều tra, thanh tra kéo dài”, ông Nhưỡng nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, việc thoái vốn là một hướng mở ra hy vọng để tái khởi động dự án. Ông Nhưỡng phân tích, đây là đề xuất hoàn toàn thực tế, vì hiện tại tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của TISCO vẫn đạt gần 8.900 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 57 tỷ đồng. Nếu dự án trên được gỡ nút thắt, chắc chắn hiệu quả kinh doanh và tác động xã hội sẽ lớn hơn.
ĐBQH khóa XIV nhấn mạnh: "Trên cơ sở đó mình đấu giá định giá thế nào cho hợp lý, giao cho những người đủ tâm huyết để làm, vừa mang lại lợi ích cho họ đồng thời mang lợi ích cho đất nước, tránh tình trạng Nhà nước ôm nợ rồi lại bơm tiền vào". Mặc dù vậy, ông Nhưỡng khẳng định đây là bài học về hợp tác đầu tư, quản lý Nhà nước, tư duy kinh tế và công tác cán bộ.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên được khởi động từ năm 2005 do TISCO làm chủ đầu tư.
Dự án có Tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được chia thành 2 gói thầu, trong đó gói thầu chính là EPC dây chuyền công nghệ luyện kim có giá trị 160,9 triệu USD, được thực hiện bởi nhà thầu là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). Đây là hợp đồng thực hiện theo phương thức EPC (E là tư vấn thiết kế, P là thiết bị và C là xây lắp). Hợp đồng có hiệu lực từ tháng 9/2007, thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng.
Tuy nhiên sau khi ký hợp đồng, do bối cảnh chung là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng quá cao dẫn đến nếu duy trì hợp đồng như cũ thì không khả thi nên nhà thầu MCC đề nghị tách phần C (phần xây lắp) để cho bên Việt Nam đảm nhiệm. Năm 2009, Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) được chọn đảm nhiệm phần việc này.
Đến tháng 5/2013, VNS và TISCO nâng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng với thời gian thực hiện đến hết năm 2014. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên nguồn vốn chưa thể bố trí dẫn đến việc đình trệ dự án từ đó đến nay.
Tình trạng hiện tại của dự án là cả 3 hợp phần đều còn dang dở, dẫn đến hậu quả nhiều thiết bị xuống cấp, gây lãng phí, còn tổng thể nhà máy thì chưa biết đến khi nào hoạt động được.
Với TISCO, việc để dự án đắp chiếu là một trong những lý do chính khiến doanh nghiệp này không thể bứt phá. Vấn đề đặt ra ở đây là dự án không phải ở trong tình trạng không thể tận dụng, trái lại cơ hội để chấm dứt sự lãng phí kéo dài luôn luôn có nhưng nắm bắt cơ hội nào thì lại nằm ngoài khả năng của ban lãnh đạo TISCO.
Bình luận