• Zalo

Chuyên gia 'bắt mạch' kinh tế Việt Nam 2018

Kinh tếThứ Năm, 15/02/2018 12:28:00 +07:00 Google News

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2018 kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều thuận lợi; tuy nhiên, việc thúc đẩy cải cách, thay đổi cơ cấu kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu... sẽ là nhiệm vụ cấp bách nếu muốn duy trì tăng trưởng cao trong trung hạn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Ðình Cung: Phải thay đổi cơ cấu kinh tế vĩ mô

Chúng ta phải thay đổi cơ cấu kinh tế vĩ mô, tập trung nhiều hơn vào khu vực kinh tế trong nước, trọng tâm là khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản và có thể mở rộng cả dịch vụ, du lịch để tăng ngoại tệ cho nền kinh tế. Đây là một trong những cách để tránh những rủi ro cho nền kinh tế.

Để đón nhận những triển vọng kinh tế tốt trong năm 2018, Việt Nam phải tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh một cách mạnh mẽ. Từ đó nâng cao mức độ và quy mô cạnh tranh của thị trường và tự đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và bình đẳng của tất cả thành phần kinh tế.

Chúng ta phải tập trung tháo bỏ những rào cản như bỏ một nửa điều kiện kinh doanh; giảm một nửa số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; tập trung mạnh mẽ vào việc giảm chi phí cho doanh nghiệp đặc biệt những chi phí liên quan đến dịch vụ hậu cần và tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.

mr_cung_yojk

Ông Nguyễn Ðình Cung. 

Đồng thời, Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu ngành dịch vụ. Tái cơ cấu ngành ngân hàng, trong đó phải xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém; tiếp tục giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Việt Nam cũng phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, phải tạo ra một áp lực mạnh hơn trong nội bộ từng doanh nghiệp và trong toàn bộ khu vực để họ phải nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, năm 2018, chúng ta vừa cải cách doanh nghiệp nhà nước vừa nhấn mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân như một động lực. Bởi 2 khu vực kinh tế này không tách rời với nhau. Cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra động lực tốt hơn cho phát triển kinh tế tư nhân.

Khi khu vực kinh tế tư nhân phát triển sẽ lại tạo ra một áp lực cạnh tranh, thúc đẩy cạnh tranh buộc các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động một cách có hiệu quả hơn. Tôi tin rằng tiềm năng  khu vực kinh tế tư nhân còn rất lớn, nhất là những sáng tạo, sáng kiến và nguồn lực mà lâu nay chưa được sử dụng hiệu quả. Với những cải cách trên, Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng kinh tế trên 7% vào năm 2018.

PGS TS Ngô Trí Long: Tập trung gỡ từng nút thắt cho doanh nghiệp

Trong năm 2017, Chính phủ đã chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ. Thủ tướng đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng DN để lắng nghe ý kiến các DN. Các vấn đề nóng cũng được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo xử lý. Thủ tướng đã tái lập các tổ tư vấn cho mình, chỉ đạo bãi bỏ nhiều rào cản từ các điều kiện kinh doanh, nên xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục tăng hạng. Đó là điều đáng ghi nhận.

Từ chủ trương của Đảng, Chính phủ đã coi trọng hơn kinh tế tư nhân, xem đó là động lực quan trọng của nền kinh tế. Đó là đột phá, tạo tiền đề cho Chính phủ thực thi kiến tạo, đồng hành cùng DN. Doanh nghiệp tư nhân không còn bị “ghẻ lạnh” và đã được ghi nhận vai trò quan trọng hơn. Nhưng đó là về lý thuyết, thực tế còn nhiều vấn đề cần Chính phủ giải quyết, như tình trạng trên nóng dưới lạnh.

Cấp trung ương quyết liệt, Thủ tướng quyết liệt, nhưng các bộ ngành, địa phương còn chần chừ, đặc biệt ở cơ sở. Thực tế cấp dưới chưa đồng hành với cấp trên, điều đó rất đáng báo động. Lợi ích nhóm vẫn tồn tại; nhiều điều kiện kinh doanh đã được dỡ bỏ, nhưng có không ít thủ tục mới phát sinh.

ts_ngo_tri_long_vpyr

TS Ngô Trí Long. 

Về tinh giản bộ máy, dù được nói hàng chục năm qua, nhưng vẫn trì trệ. Sờ đâu trong bộ máy cũng thấy người thân quen, lãnh đạo đưa người nhà vào nên không tinh giản được. Dù nói cải cách bộ máy hành chính, nhưng thực tế lại đẻ thêm và hoạt động không hiệu quả, khiến chi tiêu ngân sách tăng cao. Tinh giản bộ máy không chỉ với chính quyền, còn phải tiến hành đồng thời cả với các đoàn thể chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp. Việc này làm không đơn giản, nhưng qua đó sẽ thể hiện quyết tâm của Chính phủ.

Bước sang năm 2018, quan trọng nhất cần vượt qua trì trệ, yếu kém, thua kém trong hội nhập. Chính phủ phải biết và gỡ từng nút thắt. Những nút thắt cản trở tăng trưởng đã được chỉ ra, nhưng tháo gỡ còn rất hạn chế. Thủ tướng đưa ra khẩu hiệu Chính phủ hành động, nên lời nói phải đi đôi với việc làm, gỡ các nút thắt và có các chế tài, biện pháp thưởng phạt nghiêm minh cho từng nhiệm vụ. Những rào cản với tự do kinh doanh của DN phải được tháo gỡ ngay lập tức.

anh_ss__fntk 3

Theo các chuyên gia, năm 2018 kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc nhưng sẽ gặp nhiều vấn đề cần sớm giải quyết. Ảnh: Như Ý. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Ðẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng

2017 là năm các ngân hàng có lợi nhuận cao, thanh khoản và tăng trưởng tín dụng tốt. Tuy nhiên, những vấn đề tồn đọng của ngành ngân hàng vẫn còn. Vấn đề nợ xấu chưa có sự tiến triển mạnh mẽ dù đã có Nghị quyết 42 của Quốc hội. Hy vọng sang năm nay, việc xử lý nợ xấu sẽ được khai thông.

Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu dựa rất nhiều vào việc các bên liên quan có hợp tác với nhau hay không? Từ  khách hàng cho đến ngân hàng, VAMC, tòa án cho đến các cơ quan chức năng cần có sự hợp tác thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Nhìn chung tình hình kinh tế năm 2018 khá khả quan. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lạc quan trong sự thận trọng, không nên cường điệu quá những thành quả của năm 2017 mà quên đi những giới hạn của nền kinh tế. Như với lĩnh vực tài chính, ngân hàng cần có sự thận trọng hơn. Việc cơ cấu lại các ngân hàng cần tiếp tục thực hiện.

ong_hieu_ezeq 4

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. 

Năm 2018, lạm phát sẽ là vấn đề cần quan tâm do năm 2017 chúng ta đã đẩy tín dụng lên khá cao, gần 19%. Điều này sẽ tạo ra rủi ro lạm phát trong năm khi nay cung tiền đẩy ra thị trường nhiều. Trong năm nay những vấn đề khác tồn đọng trong ngành ngân hàng như sở hữu chéo, đầu tư vượt quy định vẫn còn tồn tại.

Đặc biệt, những vụ án được đưa ra xét xử liên quan đến ngành ngân hàng cho thấy lợi ích nhóm trong ngành này rất lớn. Việc xử lý đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng, sử dụng ngân hàng như đòn bẩy, sân sau để rút tiền, trục lợi cần được mạnh tay xử lý hơn nữa. Ngành ngân hàng dù đã có thay đổi về mặt quản trị nhưng vẫn chưa theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Một vấn đề cần chú ý trong năm 2018 là đẩy mạnh sắp xếp lại hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước thông qua việc cổ phần hóa, rút vốn khỏi những lĩnh vực hoạt động không hiệu quả hoặc nhà nước không cần nắm giữ. Việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước là con đường duy nhất mà Việt Nam phải đi. Việc cởi trói cho các doanh nghiệp, bãi bỏ những thủ tục hành chính, giấy phép con không cần thiết sẽ là vấn đề cần tiếp tục thực hiện trong năm nay.

Năm 2018 chúng ta cũng cần làm sao để nền kinh tế vận hành theo đúng cơ chế thị trường mà ở đó vai trò của các doanh nghiệp nhà nước được giảm thiểu. Chính phủ phải thúc đẩy hơn nữa kinh tế tư nhân đồng thời rút về vai trò quản lý.

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển - Bộ KH&ÐT, TS Lưu Bích Hồ: Ðẩy mạnh tinh giản bộ máy

Năm qua, hệ thống luật pháp đã được xây dựng và ban hành đầy đủ hơn, đó là nền tảng của thể chế kiến tạo. Các chỉ đạo của Chính phủ với giảm thiểu điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN, qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thành quả rõ nhất là tăng trưởng, số DN thành lập mới tăng mạnh, xếp hạng cạnh tranh quốc gia tiếp tục tăng, quan hệ giữa Chính phủ với DN có bước tiến mới.

Năm 2018 phải thực hiện xử lý căn bệnh trầm kha của hệ thống là tinh giản bộ máy. Với các nước hiện đại, bộ máy được phân định rạch ròi vị trí công việc của từng người làm gì, trách nhiệm ra sao, giải trình thế nào. Còn ta không làm được, thậm chí bộ máy cứ phình mãi ra, vì ai cũng muốn có quyền lực, vị trí để chia ghế, chia lợi ích.

ts_luu_bich_ho_jglx 5

 

Đến nay, tinh giản bộ máy còn chịu thách thức lớn hơn cả chống tham nhũng. Vì chống tham nhũng là đánh vào tội phạm, tội đã bị lên án, có khung luật pháp nên được mọi người đồng tình. Nhưng bộ máy là lợi ích, quyền lực, vị trí của rất đông người, từ lãnh đạo tới nhân viên, ai cũng bị đụng chạm, khó ai có thể tự lấy đá ghè chân mình.

Nếu không có biện pháp quyết liệt từ trên xuống, từ trong ra ngoài sẽ không làm được. Với tư nhân, nếu anh không làm việc hiệu quả sẽ bị cho nghỉ ngay vì ảnh hưởng cả đơn vị, nhưng nhà nước thì tập thể chịu, ngân sách chịu nên chẳng ai chịu. Như thời tôi còn làm Viện trưởng, năm nào cũng đặt mục tiêu tinh giản biên chế. Có một số người không có tác dụng với công việc, thậm chí còn cản trở công việc, cản trở người khác, muốn bỏ đi mà không tài nào làm được. Sau đó, tôi nghĩ ra cách cho họ đi học.

Video: Phú Quốc sẵn sàng trở thành một đặc khu kinh tế

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione: Xây dựng “nguồn vốn” con người

Phải ghi nhận năm 2017, kinh tế Việt Nam thực sự có một năm thành công khi đây là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện được toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội do Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, cao hơn dự báo của các tổ chức quốc tế, giới chuyên gia và cả của Chính phủ Việt Nam.

Đặc biệt, tăng trưởng nhanh còn đi kèm với sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì trong 6 năm liên tiếp, với mức lạm phát duy trì dưới 4%, tỉ giá được duy trì tương đối ổn định và vị thế quốc tế được nâng cao.

Tuy vậy, chúng ta không thể tự thỏa mãn với những thành quả phát triển tích cực này. Vì vẫn còn những nguy cơ cả trong nước lẫn quốc tế có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng cả trong năm nay lẫn trong trung hạn. Bối cảnh trong nước vẫn còn nhiều yếu tố đang lo ngại, như mức nợ công cao và tỉ lệ nợ xấu đáng kể của hệ thống ngân hàng, cũng như một loạt các yếu tố khó đoán định trên thế giới.

Vì vậy, những kết quả tích cực hiện nay là một cơ hội để tiếp tục tăng trưởng và thúc đẩy cải cách nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tiềm năng tăng trưởng sau này của Việt Nam.

Có thể nói, dù nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan trong năm 2017, nhưng vẫn còn một số trở ngại lớn mà Việt Nam cần phải vượt qua  trong năm nay để duy trì thành quả kinh tế và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Để làm được điều này, trước hết, phải tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, xây dựng cơ chế thị trường, cũng như nhà nước phải tạo điều kiện để cho phép kinh tế tư nhân phát triển. Hoàn thiện, hiện đại hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả của các thể chế nhà nước cũng sẽ góp phần giảm nhẹ chi phí trong môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, Việt Nam cần phải có hệ thống hạ tầng chất lượng cao. Tăng trưởng nhanh đang tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng. Nhu cầu về điện năng dự báo sẽ tăng 7-10%/năm. Lưu lượng hàng hóa vận chuyển tăng khoảng 12%/năm. Vì thế, Việt Nam cần tìm giải pháp đáp ứng được những nhu cầu này trong khuôn khổ nguồn tài chính hiện có để tránh rơi vào trường hợp “nút cổ chai” về cơ sở hạ tầng. Cùng đó, cần chú trọng hơn vào nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời tăng cường và khai thác nguồn vốn tư nhân cho phù hợp.

giam_doc_wb_ousmane_pmyu 6

Ông Ousmane Dione. 

Cùng đó cần chú ý vấn đề nâng cao trình độ và xây dựng “nguồn vốn” con người theo kịp thế kỷ 21. Đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị và đối phó với những thách thức mới đi kèm với sự ra đời của các công nghệ mới và “Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng nền tảng vững chắc và xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học, hướng nghiệp chất lượng cao để bảo đảm có được một lực lượng lao động có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu đang có sự chuyển biến nhanh chóng.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Ðăng Doanh: Xóa tình trạng “trên nóng dưới lạnh”

Năm 2017 đánh dấu những chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế với sự vào cuộc của Chính phủ trong việc quyết liệt, thúc giục các bộ, ngành cắt giảm một nửa điều kiện kinh doanh (giấy phép con); thúc đẩy phát triển kinh tế.

Những nỗ lực đó đã được doanh nghiệp ghi nhận, các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đơn cử, Ngân hàng Thế giới đã nâng xếp hạng Môi trường Kinh doanh của Việt Nam lên 14 bậc, xếp thứ 68/190 nền kinh tế, trong đó chỉ số nộp thuế tăng vọt 81 bậc, từ 167 lên 86/190 nền kinh tế; Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã thăng hạng Việt Nam trong xếp hạng Năng lực Cạnh tranh toàn cầu (GCI) lên 5 bậc, xếp thứ 55/137 nền kinh tế...

Tuy vậy, những chuyển biến trên thực tế vẫn chậm hơn nhiều so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tượng "trên nóng dưới lạnh" đã được nhắc đến nhiều lần nhưng chưa khắc phục được. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục than phiền về sự phiền hà, chồng chéo, trùng lắp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra, giám sát, thủ tục xuất - nhập khẩu nhiêu khê, tốn kém thời gian và chi phí, nạn bôi trơn cũng chưa giảm sút.

anh_1_le_dang_doanh_kudw 7

Chuyên gia kinh tế Lê Ðăng Doanh

Năm 2018, bên cạnh những thuận lợi nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, trong nước là tình trạng bộ máy quá nặng nề; chi tiêu ngân sách lãng phí, kém hiệu quả, tiếp tục bội chi ngân sách; nợ công tăng cao; tăng thuế, tăng thu đè nặng lên doanh nghiệp và người dân.

Do đó, đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ngành phải tiếp tục tinh giản bộ máy, cải cách ngân sách, cắt giảm mạnh chi tiêu thường xuyên. Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động kém hiệu quả, nhiều tập đoàn kinh tế nợ rất lớn cần được tái cơ cấu và cải cách, cổ phần hóa.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi bộ máy nhà nước phải linh hoạt, ủng hộ đổi mới, sáng tạo, trọng dụng nhân tài, dùng người tài chứ không bổ nhiệm nâng đỡ người nhà. Hy vọng những chuyển biến bước đầu trong năm 2018 sẽ tạo nên sức bật mới, quyết tâm mới cho năm 2018.

(Nguồn: Tiền Phong)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn