Kết phiên, VN-Index giảm 48,53 điểm, tương đương 3,92% xuống 1.188,07 điểm. Toàn sàn chỉ có 24 mã tăng nhưng có đến 448 mã giảm, 25 mã đứng giá. Việc VN-Index giảm sâu cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang cực kỳ lo ngại về triển vọng của thị trường. Các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, lãi suất tăng và lạm phát cao đang gây áp lực lên thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Phiên giảm mạnh cũng đã thổi bay hơn 198.000 tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD) vốn hóa của HoSE. Tính đến hết ngày 5/8, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn 4,86 triệu tỷ đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 8,85 điểm xuống 222,71 điểm. Toàn sàn có 33 mã tăng, 171 mã giảm và 24 mã đứng giá.
Chỉ số UPCoM-Index giảm 3,16 điểm xuống 90,6 điểm.
Nhóm ngân hàng, vốn được xem là trụ cột của thị trường, hôm nay đã trở thành gánh nặng khi kéo thị trường đi xuống. Các mã lớn như VCB, BID, TCB, CTG, VPB đều giảm mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến chỉ số.
Trong đó, VCB và BID dẫn đầu đà giảm của thị trường khi lấy đi tổng cộng 4,8 điểm. Các mã TCB, CTG, VPB cũng nằm trong top 10 ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và lấy đi tổng cộng 5,2 điểm. Toàn ngành nhuốm trong sắc đỏ, cá biệt EVF giảm kịch sàn về 11.350 đồng/cổ phiếu. Dù vậy vẫn xuất hiện một vài cơn gió ngược như EIB nhích nhẹ 0,28%, SGB tham chiếu và nổi bật TIN tăng kịch trần.
Ngoài ngân hàng, các ngành công nghiệp khác như thép, hóa chất, công nghệ cũng đồng loạt giảm điểm. Nhiều mã trong các ngành này thậm chí còn giảm sàn, cho thấy áp lực bán rất lớn.
Các mã NKG, TLH, SMC, HSV, VCA ở nhóm thép cũng giảm kịch sàn. Dù ông lớn HPG không nằm sàn nhưng cũng lấy đi hơn 2 điểm của thị trường, kết phiên mã này giảm 4,77% xuống 25.950 đồng/cổ phiếu.
Nhóm công nghệ cũng không khá hơn, có 6 mã nằm sàn là CMG, CT8, ITD, UNI, KST, CKV. Ông lớn công nghệ FPT cũng giảm 3,73% xuống 118.600 đồng/cổ phiếu và lấy đi 1,7 điểm của thị trường. Các mã còn lại hầu hết kết phiên trong sắc đỏ.
Mặc dù thị trường giảm điểm mạnh nhưng thanh khoản lại tăng đáng kể. Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên hôm nay ở mức 26.500 tỷ đồng, tăng 29% so với hôm trước, trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 23.782 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 12.819 tỷ đồng.
Khối ngoại đã bán ròng mạnh với giá trị lên tới 731 tỷ đồng, tiếp tục gây áp lực lên thị trường.
Trả lời nhanh về nguyên nhân chứng khoán trong nước lao dốc, nhiều chuyên gia cho rằng do tác động từ thị trường tài chính thế giới. Giới đầu tư cổ phiếu khắp châu Á tháo chạy vì lo ngại nền kinh tế Mỹ có thể đang rơi vào một cuộc suy thoái và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phạm một sai lầm lớn khi đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất...
Chứng khoán Nhật Bản đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống trong phiên giao dịch 5/8, nối tiếp xu hướng bán tháo vào tuần trước bằng cú giảm hơn 12% của hai chỉ số Nikkei 225 và Nasdaq. Lúc đóng cửa, Nikkei giảm 12,4%, còn 31.458,42 điểm. Đây là phiên giảm tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ “ngày thứ Hai đen tối” hồi năm 1987.
Sắc đỏ cũng phủ nhuộm tất cả các thị trường chứng khoán chủ chốt khác của khu vực châu Á trong ngày đầu tuần.
Các thị trường lớn khác của khu vực châu Á đều ghi nhận mức giảm mạnh trong phiên ngày thứ Hai. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 8,1% trước khi giao dịch bị ngưng 20 phút do mức giảm quá lớn khiến cơ chế tự ngắt của sàn giao dịch được kích hoạt. Chỉ số Kosdaq của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ giảm 11,71%.
Chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia đóng cửa với mức giảm 3,7%; Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 2,2%; và Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục sụt hơn 1,4%.
Bình luận