Chẳng ai khờ khạo và cạn nghĩ như hắn. Chỉ vì những lời nặng nhẹ của mẹ vợ, từ một thanh niên hiền lành, Nguyễn Văn Thành (SN 1987, ngụ Củ Chi) đã biến mình thành quỷ dữ.
Nghèo không lối thoát
Chằm chằm nhìn cậu con trai đang đứng trước vành móng ngựa, bà La Thị Liêng (SN 1949, mẹ của Thành) không khỏi ngậm ngùi nhớ đến những ngày còn có mẹ, có con. Bà vốn là người Hoa theo cha mẹ sang Việt Nam từ ngày còn bé. Lớn tuổi, bà kết hôn rồi sinh cho chồng ba cậu con trai. Cuộc sống vợ chồng chỉ hạnh phúc được mấy năm thì chồng bà đòi ly dị rồi bặt vô âm tín từ ngày đó.
Một mình nuôi ba đứa con thơ dại, bà phải vất vả nắng mưa với xe hủ tiếu nhưng chỉ đủ để sống qua ngày, đoạn tháng. Rồi khi hai cậu con trai lớn lấy vợ, chẳng có của để dành cho con, bà đành bán ngôi nhà nhỏ để chia cho chúng chút đỉnh.
Không học thức, cũng chẳng có nghề, hàng ngày Thành chỉ biết đi ra đi vào giúp mẹ bưng bê hủ tiếu. Bữa nào có ai thuê làm việc thì Thành mới có thêm tiền phụ mẹ.
Mấy năm trước, Thành đi uống cà phê và quen với cô tiếp viên tên Ái. Tuy nhỏ tuổi nhưng cô gái lại nhanh miệng nên được lòng mẹ chồng. Sau một thời gian chung sống với Thành thì gia đình Ái phát hiện và không đồng ý khi con rể không việc làm, không nhà cửa. Dù Thành và Ái hết lời năn nỉ nhưng bà mẹ vợ dứt khoát không chịu.
Chỉ đến khi Ái bảo đã có thai 2 tháng thì mẹ cô mới dịu lại. Gần đến ngày Ái sinh nở, mẹ cô lên thành phố bắt con gái về quê để tiện chăm sóc. Thành những tưởng mẹ vợ đã bỏ qua cho mình nên vui vẻ đưa vợ về nhà. Nào ngờ, khi đã giữ được con gái và cháu ngoại bên cạnh, mẹ vợ Thành liền tìm cách đẩy đuổi con rể ra khỏi nhà.
Không mắng cũng chẳng chửi, nhưng bà suốt ngày bảo Thành phải kiếm tiền mang về để bà nuôi dùm vợ con chứ bà không đủ sức ôm hai cái tàu há mồm. Mỗi khi nói chuyện với hàng xóm bà lại than thở về việc mình “vô phúc” khi có thằng con rể nghèo rớt mùng tơi.
Thành buồn ứa nước mắt nhưng chẳng biết phải làm sao. Sau mấy đêm suy nghĩ, dằn lòng lắm Thành xin phép mẹ vợ trở lại TP.HCM để kiếm tiền nuôi vợ. Đó là lần cuối Thành được ôm con, hôn vợ.
Không phụ mẹ bưng bê hủ tiếu nữa, Thành đến làm việc tại một công ty ở vùng ven. Tuy nhiên đồng lương ít ỏi chẳng giúp Thành trang trải cuộc sống. Thành mệt mỏi khi nhớ đến những lời nói của mẹ vợ. Trong lúc buồn bã, Thành nghĩ “đi cướp mới có tiền để đưa mẹ vợ”.
Chiều ngày 7/1l/2011, Thành mang theo hung khí và đến quán cà phê “Chợt Nhớ” tại huyện Hóc Môn (TP.HCM). Tại đây, trong lúc uống cà phê, Thành thấy nhân viên của quán tên Lương Thị L. có đeo nhiều trang sức nên quyết định thực hiện ý định cướp tài sản.
Khi chị L. đến bàn của Thành ngồi nói chuyện, gã liền tán tỉnh rồi đề nghị người phụ nữ đi nhà nghỉ với mình. Tuy không hành nghề mại dâm nhưng sau một hồi nói chuyện, chị L. có cảm tình với vị khách dễ mến nên đồng ý.
Tối hôm đó, chị L. cùng Thành đến thuê nhà nghỉ “Lê Quang” ở huyện Hóc Môn. Khi vào phòng, tranh thủ lúc chị L. đi tắm Thành lấy dao và dây nylon mang theo giấu sẵn dưới gối. Sau khi mây mưa, Thành lấy dao kề vào cổ của chị L. và bắt người phụ nữ nằm im. Chị L. hốt hoảng la lớn và dùng tay gạt mạnh con dao khiến lưỡi dao cắt vào tay Thành chảy máu.
Vừa đau, vừa tức, Thành vung dao đâm 2 nhát vào người chị L. Người phụ nữ vùng dậy chạy về phía cửa phòng nhưng bị Thành kéo lại khiến chị ngã xuống nền nhà. Ngay lập tức Thành ngồi lên người chị L. và dùng dao đâm nhiều nhát vào người nạn nhân.
Nghe tiếng kêu cứu, nhân viên nhà nghỉ chạy lên phá cửa. Bị phát hiện, Thành dùng dao uy hiếp 2 nhân viên nhà nghỉ rồi tẩu thoát. Sau đó Thành đã bị bắt giữ. Chị L. được đưa đi cấp cứu nhưng vì vết thương quá nặng nên đã chết trước lúc nhập viện.
Đớn đau lòng mẹ
Mới đây, tại phiên sơ thẩm xét xử vụ án giết người, cướp tài sản do Nguyễn Văn Thành thực hiện. Cả phòng xử chỉ vỏn vẹn có ba người dự khán là mẹ bị cáo và hai người thân của bị hại. Đứng trước vành móng ngựa là người thanh niên với nước da trắng xanh và khuôn mặt hiền lành. Thành run rẩy khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Thành nhìn mẹ, nụ cười đầy chua chát |
Vì quá nghèo, quá khổ, vợ mới sinh, con còn thơ dại, cùng quẫn quá Thành mới đi cướp để có tiền. “Thực lòng bị cáo chỉ muốn cướp tài sản chứ không có ý giết người. Con dao bị cáo mang theo là để đe doạ nạn nhân. Nào ngờ cô ấy vùng vẫy khiến dao cắt vào tay bị cáo rồi còn bỏ chạy.
Vừa đau, vừa sợ nạn nhân chạy thoát thì bị cáo sẽ bị bắt nên bị cáo mới đâm nạn nhân. Thực lòng bị cáo không có ý giết người, mong HĐXX xem xét cho bị cáo” vừa nói, Thành vừa khóc nức nở.
Với hành vi dã man, côn đồ như trên thì dù bị cáo có viện muôn ngàn lý do thì cũng chẳng thể tha thứ được. Với nhận định như vậy, đại diện Cơ quan Công tố đề nghị mức án tử hình đối với Thành. Nghe thế, bà Liêng như chết lặng. Trên hàng ghế dành riêng cho mình, Thành cũng không ngồi vững.
“Bị cáo muôn lần xin lỗi gia đình bị hại, xin lỗi mẹ vì đã khiến mọi người phải chịu đau khổ. Trong thời gian ở trại, bị cáo luôn dằn vặt, suy nghĩ về tội ác của mình. Chính bản thân bị cáo cũng không thể tha thứ cho tội lỗi ấy. Nhưng chỉ vì bế tắc trong cuộc sống, vì sỹ diện đàn ông mà bị cáo đã làm liều. Bị cáo hối hận lắm, chỉ mong có được con đường sống để về với mẹ già và vợ dại, con thơ. Xin HĐXX và gia đình nạn nhân cho bị cáo được có cơ hội sửa chữa lỗi lầm” - một lần nữa Thành lại khóc. Nước mắt quyện những lời nói đầy ăn năn nhưng tất cả đã quá muộn màng.
Giờ nghị án, trong khi anh trai và con gái nạn nhân thẫn thờ phía ngoài phòng xử thì bà Liêng lại ngồi bẹp ở hành lang. Đôi mắt nhăn nheo của bà cứ mãi về phía cửa phòng lưu phạm mong thấy mặt con.
Người mẹ đau khổ nói về đứa con trai khờ dại của mình: “Tuy tôi nghèo nhưng các con của tôi đều ngoan ngoãn. Thành hiền lành lắm, từ bé đến lớn chưa bao giờ có ai trách mắng gì nó. Đến khi lấy vợ rồi bị gia đình bên đó dè bỉu, nó buồn lắm. Về với tôi, nó bảo nó xấu hổ quá khi không nuôi nổi vợ con rồi xin phép cho đi làm việc khác chứ không phụ mẹ được… Vậy mà, mới xa tôi có 10 ngày nó đã gây nên tội.” - nước mắt lại trào trên khuôn mặt chằng chịt vết chân chim của người phụ nữ.
Xét thấy hành vi của bị cáo rất tàn bạo, chỉ vì muốn có tiền mà cùng lúc đã phạm nhiều tội nên cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất, loại bỏ bị cáo vĩnh viễn khỏi xã hội mới tương xứng với hành vi. HĐXX đã tuyên phạt mức án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Văn Thành cho cả 2 tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Thành chỉ biết cúi gằm mặt, tra tay vào còng. Được nhìn thấy mẹ khi bị dẫn giải ra xe, Thành nói với bà hãy giữ gìn sức khoẻ. Người mẹ già rơm rớm nước mắt chạy theo con dặn dò kháng án nhưng Thành chỉ lắc đầu, miệng cười chua chát…
Theo PLVN
Bình luận