Tối nay 1/9, việc cấm đường đã được thực hiện tại các điểm giao với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận gồm: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (từ Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng), Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa đường phía Hồ Hoàn Kiếm đoạn từ Hàng Trốn đến Hàng Khay), Lò Sũ (từ Hàng Dầu đến Đinh Tiên Hoàng), Hàng Dầu (đoạn ngã tư Lò Sũ – Hàng Dầu đến Đinh Tiên Hoàng), khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), phố hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Bảo Khánh (đoạn từ ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).
Phố đi bộ sẽ được thực hiện từ 19h- 24h ngày thứ 6 tới ngày Chủ nhật hàng tuần và sẽ thí điểm từ 1/9 đến hết năm 2016.
Đưa con đi dạo trên đường Đinh Tiên Hoàng, anh Linh, nhà ở phố Hàng Bông, Hà Nội cho hay, trước đây cho con đi dạo quanh Hồ Gươm thì phải đi trên vỉa hè khá chật chội nhưng tối nay, cha con anh đã được thênh thang đi dạo dưới lòng đường rộng lớn.
“Con tôi mới được gần 1 tuổi nhà ngay gần Hồ Gươm, đưa cháu ra đây mà cứ ngó nghiêng nhìn ánh đèn điện mãi thôi” – anh Linh cười nói và mong rằng đường phố cứ thênh thang như thế này để gia đình được dạo mát.
Cũng như gia đình anh Linh, nhiều bạn trẻ, người lớn tuổi khác tới khu vực Hồ Gươm để dạo mát, vui chơi. Nhiều em bé được thỏa thích chạy nhảy, trượt patin trên đường phố, chụp ảnh...
Quan sát trên các tuyến phố đi bộ, các thùng rác đã được đặt mới nhiều hơn, các nhóm thanh niên tình nguyện cũng tuyên truyền để người dân không xả rác ra đường phố. Các máy bán đồ uống tự động cũng được dựng lên phục vụ nhu cầu của người dân. Các điểm trông giữ xe được tăng cường, wifi được phát miễn phí, nhà vệ sinh công cộng được chuẩn bị chu đáo...
Với nhiều người dân, tổ chức tuyến phố đi bộ cũng là cơ hội để kinh doanh. Ông Lộc, người Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định chạy xe ôm ngay tại ngã tư Hai Bà Trưng – Hàng Bài cho biết, cá nhân ông không lo ngại chuyện cấm đường bởi cũng có thể, sẽ có thêm các cuốc xe thuê chở tới các điểm phố cấm khác nhau cho người đi bộ. Được biết, mỗi tháng, ông Lộc kiếm được khoảng 5 triệu đồng nhờ chạy xe ôm. Cấm đường, ông hy vọng kiếm được nhiều hơn nữa.
"Chúng ta tin tưởng rằng, với những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Thăng Long cùng sự hội tụ và những biến tấu văn hóa - ẩm thực phù hợp với nhịp sống đương đại sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí lành mạnh của người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước", Chủ tịch UBND TP chia sẻ.
Chủ tịch Hà Nội cũng mong mỏi, nhân dân và du khách sẽ tích cực, tự giác thực hiện các quy định của Phố đi bộ và không gian sinh hoạt cộng đồng xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Đặc biệt các chủ nhà hàng, quán bar cần tổ chức phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách, có phương án phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của quận, TP để đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, đảm bảo môi trường tốt nhất cho du khách đến Thủ đô...
Tại các địa điểm trông giữ xe, giá trông xe đạp điện, xe máy điện là 2.000 đồng/lượt (ban ngày), 3.000 đồng/lượt (ban đêm); Giá trông xe máy 3.000 đồng/lượt (ban ngày), 5.000 đồng/lượt (ban đêm); Giá trông giữ xe ôtô dưới 9 chỗ là 30.000 đồng/lượt, trên 10 chỗ là 40.000 đồng/lượt (mỗi lượt 120 phút). Tại các điểm trông giữ xe đều công khai số điện thoại của Thanh tra Giao thông và Công an thành phố Hà Nội để người dân phản ánh nếu xảy ra tình trạng thu phí chặt chém.
Đồng thời, trong quá trình triển khai thí điểm các đơn vị cần thường xuyên khảo sát, lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của người dân và du khách để tham mưu kịp thời cho TP tổ chức rút kinh nghiệm, hoàn thiện không gian đi bộ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân và du khách.
Bình luận