Bày bán tràn lan
Hiệp hội tin dùng sản phẩm dịch vụ của bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (SPRING) đã phát hiện nồng độ chất dẻo phthalates trong loại thú nhún này cao gấp nhiều lần so với quy định quốc gia về chất lượng và an toàn hàng hóa.
Loại thú nhún hình hươu, nai, bò... được bán tại chuỗi bán lẻ Aura Roboclean của Singapore và còn được sử dụng làm quà tặng miễn phí khi mua hàng cho trẻ em. Đây là loại thú nhún được sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc.
SPRING đã gửi mẫu thú nhún bằng nhựa dẻo đi thử nghiệm sau khi nhận được nhiều đơn khiếu nại của người tiêu dùng về loại đồ chơi này làm con trẻ bị dị ứng da, rộp lưỡi, thậm chí là tiêu chảy do tiếp xúc với thú nhún và dùng tay cầm nắm thức ăn.
Kết quả kiểm nghiệm khiến SPRING đã yêu cầu các nhà bán lẻ ngay lập tức ngừng phân phối sản phẩm và thu hồi toàn bộ sản phẩm đã bán hoặc phát miễn phí.
Các loại thú nhún được bày bán tràn lan tại các cửa hàng đồ chơi ở Hà Nội |
Theo khảo sát của PV VTC News, tại nhiều phố ở Hà Nội như: Lương Văn Can, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở,…các loại thú nhún với đủ loại màu sắc xanh, đỏ, vàng,…vẫn được bày bán tràn lan trong các cửa hàng.
“Thông thường mỗi ngày cửa hàng tôi thường bán được 3 – 5 con thú nhún, vào những ngày gần trung thu hay Tết thiếu nhi thì có khi bán được cả chục con”, chị Phương cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên VTC News, giá của các con thú nhún này khá mềm, dao động từ 100 – 200 nghìn đồng/con.
“Đây là loại đồ chơi bình dân, lại có thể chơi nhiều lần, nên hầu như gia đình nào có con nhỏ cũng đều có thể mua được”, chị Phương cho biết thêm.
Cũng theo chị Phương, loại thú nhún này ở trong nước không sản xuất, nên tất cả đều là hàng từ Trung Quốc nhập về. “Hàng Trung Quốc rẻ, mẫu mã lại đẹp, màu sắc bắt mắt, nên trẻ con rất thích. Loại hàng này bán rất chạy, nên cửa hàng nào hầu như cũng có cả”, chị Phương nói.
Về thông tin thú nhún Trung Quốc có chứa chất dẻo gây dị ứng da đối với trẻ con, chị Phương cho biết: “Tôi chưa nghe thông tin này. Nhưng chuyện người ta nói hàng Trung Quốc nay chứa chất này, mai chứa chất kia nhiều lắm, nhưng chị (PV) nhìn xem, ở cả con phố này, 2/3 là hàng Trung Quốc và bán chạy hơn rất nhiều so với hàng Việt Nam”.
Phụ huynh: Lo lắng nhưng vẫn mua vì “con đòi”
Nhiều bậc phụ huynh mặc dù đã nghe thông tin chơi thú nhún có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của con, nhưng vẫn phải mua vì “con đòi”.
“Bé nhà tôi năm nay 3 tuổi. Bé rất thích chơi thú nhún. Hôm đầu mua về, tôi thấy thú nhún có mùi rất khó chịu, cho bé chơi cả 1 tuần liền cũng không hết. Tay cháu luôn có mùi hơi khét khét như mùi cao su. Tôi cũng lo lắng, đi hỏi các mẹ khác thì họ bảo đồ chơi mới, chưa hết mùi nhựa, chơi mấy hôm nữa là hết, nên tôi cũng không mấy lo lắng”, chị Nga nói.
Còn chị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho rằng, dù chị đã biết thông tin thú nhún Trung Quốc bị thu hồi ở Singapore do có chất độc. Nhưng theo chị, thú nhún thì các bé chỉ ngồi lên cưỡi, nên cũng không cấm con mình không được chơi.
“Khi ngồi lên, các cháu còn mặc quần áo nữa, nên tôi nghĩ việc dị ứng với da cũng khó. Con tôi chơi 3 năm nay, chưa thấy biểu hiện gì. Thi thoảng tay chân cháu có mẩn ngứa, nhưng tôi nghĩ là do muỗi đốt hoặc mụn gì đó. Chỉ vài ba ngày là khỏi”, chị Thủy nói.
Tỏ ra lo lắng, nhưng một số bậc phụ huynh lại tỏ ra hoài nghi về kết quả kiểm tra về loại thú nhún này. “Loại đồ chơi này chỉ ngồi lên chơi thôi mà sao lại ảnh hưởng đến tâm thần của trẻ được. Nếu đúng là nó có tác hại như thế thì sợ quá! “, một phụ huynh cho biết.
Ngoài ra, vị phụ huynh này cũng cho rằng, thú nhún là loại đồ chơi thông dụng với nhiều trẻ em, không chỉ ở nhà mà ở cả các trường học. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ tác hại thực sự của loại đồ chơi này để có cách phòng tránh cho các bé.
Có thể bị teo cơ quan sinh dục
Kết quả kiểm nghiệm đồ chơi trên hai mẫu thú nhún Trung Quốc của Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ) cho thấy, hàm lượng phthalate có trong thú nhún bất thường.
Trước đó, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã tiến hành lấy 2 mẫu thú nhún có nguồn gốc Trung Quốc tại phố Lương Văn Can (Hà Nội) và gửi đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 để thử nghiệm chỉ tiêu hợp chất phthalate.
Kết quả cho thấy, các mẫu kiểm tra đồ chơi thú nhún chứa hàm lượng phthalate bất thường. Theo số liệu của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng công bố, trong 16 chỉ tiêu phân tích, 1 mẫu thú nhún màu vàng có tổng 5.016,1mg/kg.
Trong đó, chất phathalic acid - bis butyl ester đạt 142,9mg/kg và phathalic acid - bis ethyl ester là 4.973,2mg/kg. Còn mẫu màu đỏ có tổng các hợp chất phthalates là 9.540,6mg/kg. Trong đó, phathalic acid - bis butyl ester là 9.368,7mg/kg, còn phathalic acid - hexyl 2 ethylhexyl ester là 164,7mg/kg...
Kỹ sư Vũ Tân Cảnh, Chuyên gia nghiên cứu về Polymer, nguyên cán bộ thuộc Viện Khoa học Vật liệu, Viện Khoa học – công nghệ Việt Nam cho rằng, về mặt hoá học các phthalates là những este của acid phthalic. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhóm phthalates sở hữu những tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Theo đó, các hợp chất phthalates có thể làm suy giảm sự phát triển bộ phận sinh dục của bé trai và về lâu dài dễ làm cho cơ quan sinh sản của nam giới bị 'teo' lại.
Sau những nghiên cứu thống kê, người ta thấy có khoảng 25% nam giới gặp phải trục trặc này có liên quan tới hợp chất phthalates.
Ngoài ra, hoạt chất này có thể gây ra ngộ độc cấp tính, khiến người ngộ độc tử vong tại chỗ.
Còn theo TS. Hoàng Thị Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ hóa học TP.HCM, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Phthalate có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của cơ thể. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Một số hóa chất ảnh hưởng đến nội tiết đã được xác định, trong đó có chất hóa dẻo dibutylphtalate (DBP).
Theo nhận định của các chuyên gia, DOP có tác dụng giống như hormon nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và đặc biệt là ở trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em gái có nguy cơ dậy thì quá sớm...
Tại các nước châu Âu, chất này bị cấm sử dụng trong sản xuất đồ dùng trẻ em vì chúng có trong mọi đồ dùng và xâm nhập dần dần vào cơ thể trẻ.
Ngọc Vy
Bình luận