Đại án Phạm Công Danh: Làm rõ 4.500 tỷ đồng Ngân hàng Xây Dựng tăng vốn bất thành
Theo điều tra, Phạm Công Danh dùng chiêu đem tiền của Ngân hàng Xây Dựng gửi qua BIDV để cầm cố cho các công ty của Danh vay tiền BIDV, sau đó dùng tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng trả nợ cho BIDV. Với chiêu này, thông qua 12 công ty “ma”, Phạm Công Danh vay của BIDV 4.700 tỷ đồng, Ngân hàng Xây Dựng đã trả thay cho Danh tổng số tiền hơn 2.500 tỷ đồng.
Tổng số tiền Danh “bật tường” qua các ngân hàng khác sau đó Ngân hàng Xây Dựng phải trả thay cho Danh là hơn 6.100 tỷ đồng.
Đổ tại cho Ngân hàng Nhà nước
Từ giai đoạn 1 của vụ án, Phạm Công Danh luôn khai phạm tội để có tiền trả nợ cho Hứa Thị Phấn, trả nợ cho Trần Ngọc Bích nhằm đáng lạc hướng, che dấu sự thật toàn bộ số tiền rút ra Phạm Công Danh dùng trả nợ đã vay ngân hàng trước đó, mua cổ phần cho chính mình và gia đình, trả lương cho nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh, thậm chí mua rượu.
Cho đến phiên tòa này, Phạm Công Danh lại đổ tại Ngân hàng Nhà nước ép Ngân hàng Xây Dựng tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng nên Phạm Công Danh đã phải rút tiền tăng vốn. Theo các luật sư, nếu không trở lại nguồn gốc vụ án, sẽ không thể thấy được các “chiêu trò” đánh lạc hướng của Phạm Công Danh.
Theo điều tra, năng lực tài chính yếu kém, đã từng có tiền án về tội chiếm đoạt tài sản, Phạm Công Danh vẫn dự định xin thành lập ngân hàng chuyên về lĩnh vực xây dựng nhưng không thành. Qua Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh đã mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín của nhóm Hứa Thị Phấn.
Khi mua, Phạm Công Danh, Phan Thành Mai biết rõ Ngân hàng Đại Tín thua lỗ, không còn vốn điều lệ. Để được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Phạm Công Danh, Phan Thành Mai lập đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín với nội dung cam kết nâng vốn Ngân hàng từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng.
Đề án được chấp thuận, Phạm Công Danh, Phan Thành Mai tiếp quản Ngân hàng và dùng chiêu để rút 4.700 tỷ đồng từ BIDV nhằm tăng vốn điều lệ theo Đề án. Do bị Ngân hàng Nhà nước giám sát, các giao dịch trên 5 tỷ đồng của Ngân hàng Xây Dựng phải xin ý kiến của Tổ giám sát.
Khi gửi 3.070 tỷ đồng sang BIDV mặc dù mục đích thật là để bảo đảm cho các khoản vay của các công ty của Phạm Công Danh, nhưng Phan Thành Mai, Phạm Công Danh đã gian dối, báo cáo tổ giám sát là để bảo đảm khả năng thanh toán nhanh của Ngân hàng Xây Dựng.
Thực tế, chính Danh và Mai dùng số tiền gửi này trả nợ cho các khoản vay của Phạm Công Danh, không những không đảm bảo khả năng thanh thanh toán, mà Danh, Mai đã đẩy Ngân hàng Xây Dựng đến tình trạng suy yếu khả năng thanh toán.Đề án tái cơ cấu do Danh, Mai lập.
Danh, Mai gian dối để gửi tiền của Ngân hàng Xây Dựng sang BIDV. Danh rút tiền BIDV mua cổ phần nhằm kiểm soát Ngân hàng Xây Dựng cho mục đích cá nhân. Theo các luật sư, đây là kế hoạch từ trước của Phạm Công Danh, không hề có chuyện Ngân hàng Nhà nước thúc ép để Danh rút tiền trái phép.
Video: Phạm Công Danh xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho các giám đốc 'bù nhìn'
Ai sai, ai đúng, ai thiệt hại
Không chỉ gian dối để gửi tiền sang BIDV, Phạm Công Danh, Phan Thành Mai tạo lập các biên bản họp Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây Dựng để dùng số tiền gửi này bảo lãnh cho khoản vay của 12 công ty “ma” của Phạm Công Danh tại BIDV mà không hề có hồ sơ cấp tín dụng bằng hình thức bảo lãnh.
Theo giám định của Ngân hàng Nhà nước, BIDV đã vi phạm quy định về cấp tín dụng, các công ty vay vốn không có phương án kinh doanh, không có nguồn trả nợ khả thi. BIDV không thực hiện đúng quy định về kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay.
Các công ty này không hoạt động, phương án vay vốn khống, giám đốc công ty toàn là lái xe, bảo vệ, rửa xe … Phạm Duy Thanh, Phó Trưởng phòng KHDN4 của BIDV Sở Giao dịch 2 khai “Tôi chỉ thẩm định trên dựa trên giấy tờ, không đi thẩm định thực tế”.
Đặng Bảo Khoa, nhân viên Phòng KHDN1 BIDV Nam Sài Gòn khai “Báo cáo đề xuất tín dụng tôi lập là đánh giá chủ quan của tôi do tôi không trực tiếp gặp gỡ, không tiến hành thẩm định khách hàng, thẩm định hồ sơ vay vốn mà tin tưởng vào các thông tin tại hồ sơ, tin tưởng là Hội sở đã thẩm định đầy đủ…”.
Việc ký Hợp đồng bảo lãnh giữa BIDV, Ngân hàng Xây Dựng và các công ty vay vốn cũng không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, thiếu chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh, thiếu chữ ký của người thẩm định khoản bảo lãnh của Ngân hàng Xây Dựng. Như vậy, liệu Hợp đồng bảo lãnh này có vô hiệu?
Về việc gửi tiền của Ngân hàng Xây Dựng sang BIDV, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng chỉ được gửi tiền, nhận tiền gửi với ngân hàng khác với kỳ hạn tối đa 3 tháng. Ngân hàng Xây Dựng và BIDV ký hợp đồng tiền gửi với kỳ hạn 7 ngày, nhưng thực tế các bên đã ký phụ lục hợp đồng duy trì tiền gửi này trong thời gian 7 tháng, đồng thời dùng để bảo đảm cho khoản vay của các công ty có kỳ hạn tới 6 tháng.
Các chuyên gia pháp lý đặt câu hỏi phải chăng cả hai ngân hàng đều không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và liệu Hợp đồng gửi tiền này có giá trị pháp lý không?
Bình luận