• Zalo

Chiến sự Ukraine sẽ kết thúc vào năm 2025?

Tư liệuChủ Nhật, 15/09/2024 14:42:12 +07:00Google News
(VTC News) -

Các chuyên gia cho rằng có một số lý do tại sao năm tới có thể là năm chiến sự Ukraine kết thúc.

Các chuyên gia tờ National Interest phân tích lý do tại sao năm 2025 có thể là năm kết thúc xung đột tại Ukraine. Một trong những lý do chính liên quan đến các điều khoản của thỏa thuận hòa bình. 

Đầu tiên, động thái quân sự của Ukraine ở khu vực Kursk được cho là đã có tác động rất lớn, có thể trở thành con bài mặc cả trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc chấm dứt chiến tranh.

Các chuyên gia cho rằng có một số lý do tại sao năm tới có thể là năm chiến sự Ukraine kết thúc.

Các chuyên gia cho rằng có một số lý do tại sao năm tới có thể là năm chiến sự Ukraine kết thúc.

Thứ hai, việc Ukraine tiến vào Nga cũng rất mạo hiểm. Khoảng 10.000 quân đã phải rút khỏi nhiệm vụ phòng thủ quan trọng ở miền Đông Ukraine, một cơ hội để Nga tiếp tục tiến quân ở Donetsk. Chiến thuật của Nga đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết, dẫn đến gia tăng thương vong và mất mát cho Ukraine trên cả chiến trường ở miền Đông và những nơi khác. Mục tiêu của Nga dường như là làm tê liệt cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong mùa đông sắp tới. Điều này khiến khả năng cuộc chiến tiếp diễn không được ủng hộ.

Thứ ba, nếu muốn leo thang quân sự, cả Nga và Ukraine đều không có nhiều lựa chọn và những lựa chọn đều mang tính rủi ro cao. Đối với Ukraine, lý tưởng nhất là có một số lượng lớn vũ khí tầm xa để đe dọa nhiều hơn đến Nga hoặc có sự tham gia trực tiếp hơn của NATO hoặc các thành viên NATO vào cuộc xung đột. Tuy nhiên, triển vọng cho cả hai lựa chọn đều không khả quan vì những rủi ro leo thang và xung đột giữa Nga và phương Tây, theo đánh giá của các nhà lãnh đạo phương Tây và Mỹ. 

Trong khi đó, Nga từng đưa ra ý kiến liên quan đến việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân. Các động thái liên quan đến vấn đề hạt nhân đều trở nên nhạy cảm và tiềm ẩn rủi ro trên nhiều mặt trận, khó có thể thực hiện trừ trong những trường hợp cực đoan.

Thứ tư, Mỹ và châu Âu ngày càng mệt mỏi và không ủng hộ việc kéo dài vô thời hạn cuộc chiến. Vai trò của Mỹ được xem là rất quan trọng trong việc hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine, trong khi đó châu Âu là nguồn hỗ trợ quan trọng thứ hai. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử tổng thống, Mỹ có khả năng sẽ giảm dần sự hỗ trợ theo thời gian với Kiev. 

Một Tổng thống Trump sẽ nhanh chóng thúc đẩy một giải pháp ngoại giao, trong khi một Tổng thống Harris cũng khó có thể duy trì mức hỗ trợ hiện tại. Ngoài ra, xu hướng ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức sau cuộc bầu cử gần đây, các nhóm phản đối chiến tranh ở Ukraine đã có phần thể hiện tốt hơn, có khả năng sẽ khiến Berlin điều chỉnh chính sách đáng kể.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tuyên bố quyết tâm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình thông qua một hội nghị hòa bình, một hội nghị có cả sự tham gia của Nga.

Dù kịch bản nào xảy ra, việc đàm phán giải quyết cuộc chiến ở Ukraine nên được xem là mục tiêu bao trùm của các bên, theo các chuyên gia. Để hỗ trợ mục tiêu này, phương Tây có thể muốn tiếp tục duy trì sự ủng hộ dành cho Ukraine, bên cạnh đó cần sự tham gia mạnh mẽ của cả Nga và Ukraine vào quá trình tìm kiếm phương thức đàm phán, dẫn đến các điều khoản hợp lý nhất cuối cùng. 

Phương Anh (Nguồn: National Interest )
Bình luận
vtcnews.vn