(VTC News)- Nhìn từ xa, ngọn Hải đăng Long Châu sừng sững, hiên ngang giữa biển khơi phát tín hiệu chỉ đường cho hàng ngàn con tàu vào ra cảng biển.
Sau hơn 4h xuất phát từ Cảng Hải Phòng, đoàn công tác của các phóng viên thường trú một số cơ quan báo chí Trung ương tại Hải Phòng đã tới đảo Long Châu trên con tàu An Bang – Tàu phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải thuộc Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc, khu vực Đông Bắc Bộ.
Từ xa, ngọn Hải đăng Long Châu dần hiện ra, sừng sững hiên ngang giữa biển khơi, đêm đêm phát tín hiệu hàng hải chỉ đường cho những con tàu ra vào khu vực Cảng Hải Phòng.
Đèn biển Long Châu - Gần 120 tuổi - Ảnh Minh Khang |
Quần đảo Long Châu gồm khoảng 30 đảo đá tai mèo lớn nhỏ, đèn biển Long Châu Nằm trên đỉnh Đông Bắc đảo Long Châu thuộc quần đảo Long Châu TP Hải Phòng, trên độ cao hơn 100m so với mặt nước biển.
Đèn được người Pháp xây dựng từ năm 1894, nhiệm vụ chính là phát ra tín hiệu chỉ dẫn giao thông cho những con tàu khi qua vùng biển Vịnh Bắc Bộ.
Mùa đông đèn, chiếu sáng từ 17h30 đến 6h sáng hôm sau, mùa hè từ 18h30 – 5h sáng hôm sau, báo hiệu cho tàu thuyền ở cự ly xa nhất là 27 hải lý.Đèn biển Long Châu là một trong những ngọn Hải đăng lâu đời nhất Việt Nam và thuộc đèn biển cấp 1.
Tuy nhiên, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) cùng với lực lượng bộ đội đã anh dũng chiến đấu chống trả và bảo vệ vững chắc quần đảo và ngọn Hải đăng này.
Năm 1972, Đảo đèn Long Châu đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có liệt sỹ Cao Quang Viên đã anh dũng hy sinh trên đảo.
Hàng năm, vào mùa mưa bão là vất vả, gian khổ nhất. Trong đó phải kể đến mỗi khi có báo bão, giông tố, lốc, kèm theo đó là phải hứng chịu những trận “viếng thăm” của “thần sét”. Thường thì “thần sét” nhằm trúng cột đèn.
Hậu quả của những trận sét đánh là cháy toàn bộ hệ thống đèn chính và các thiết bị điện, điện tử phục vụ cho đèn hoạt động. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của ngọn Hải đăng này nên chỉ sau khoảng 5 phút xảy ra sét đánh, các CBCNV ở đây phải kịp thời xử lý vận hành hệ thống đèn báo hiệu phụ để hoạt động.
Chân đèn bị trúng đạn rốc két của giặc Mỹ oanh kích năm 1972 - Ảnh Minh Khang |
Đến nay, Trạm đèn biển đã được trang bị hệ thống điện gồm máy phát điện, điện năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Anh Hoàng Quốc Thắng, 42 tuổi, là công nhân Trạm đèn cho biết, tất cả anh em ở đây đều đã lập gia đình nên mỗi khi nhớ nhà hay cha mẹ, vợ con ốm đau, các anh lại lo lắng nhiều hơn. Tuy nhiên, do xác định được tâm lý ngay từ khi ra đảo nên anh em phải khắc phục mọi khó khăn, tư tưởng luôn vững vàng để vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người gác đèn biển Long Châu.
Tuy là đảo đá, song anh em cũng khắc phục bằng cách chở đất ra đào trồng được mấy luống rau xanh. Thiếu thốn lớn nhất là tình cảm và nước ngọt. Thông thường, mỗi tháng tàu của Tổng Công ty lại ra tiếp tế cho Trạm đèn 1 lần, gồm xăng dầu, nước ngọt, các trang thiết bị, máy móc phục vụ đèn hoạt động và phục vụ đời sống sinh hoạt của anh em trên đảo.
Đường lên Hải đăng Long Châu - Ảnh Minh Khang |
Giữa biển khơi mênh mông ngày đêm sóng vỗ, chỉ có nắng và gió, bão tố, thiếu thốn, khó khăn, gian khổ, thậm chí là cả sự hy sinh. Song những người gác đèn biển nơi đây vẫn ngày đêm âm thầm, lặng lẽ với công việc thường nhật.
Ai cũng quyết tâm để đảm bảo cho ngọn Hải đăng – Mắt ngọc Long Châu luôn chiếu sáng, soi đường chỉ lối cho hàng nghìn lượt tàu thuyền ra vào khu vực vịnh Bắc Bộ và Cảng Hải Phòng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội và phối hợp giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bình luận