Cuộc đối đầu giữa họ chắc chắn sẽ tác động mạnh tới cục diện cuộc đua vô địch. Đó là cuộc chiến giữa kẻ dẫn đầu và người xếp thứ hai trên BXH Premier League, cuộc chiến giữa những kẻ đã giành 10/13 danh hiệu vô địch Anh trong một thập kỷ qua. cũng là cuộc chiến giữa hai CLB vĩ đại nhất nước Anh một thập kỷ qua. Nhưng đó là sự vĩ đại được làm nên từ những con đường hoàn toàn khác biệt.
Chelsea và M.U đã tiến lên theo những con đường hoàn toàn khác biệt - Ảnh: Getty
Thói quen của cả hai CLB trên thị trường chuyển nhượng là hoàn toàn khác nhau. Cả M.U và Chelsea đều dùng những mức lương khủng để lôi kéo các ngôi sao hàng đầu. Bằng cách đó, M.U đã có được van Persie còn Chelsea chiêu mộ thành công Eden Hazard. Nhưng cách họ hoạt động trên thị trường chuyển nhượng là rất khác nhau. Sự khác nhau đó đến từ nền tảng kinh tế của M.U và Chelsea.
Chelsea đã thực chi 228,7 triệu bảng trong vòng 5 năm qua. Với M.U, con số đó là 60,95 triệu bảng. Man City, gã nhà giàu mới nổi của bóng đá Anh, thậm chí còn chi nhiều hơn thế. Với tài sản khổng lồ của các ông chủ Ả Rập, tiềm năng kinh tế của họ là vô hạn.
Forbes từng tiết lộ M.U được định giá 1,43 tỉ bảng trên thị trường. Họ không chỉ là CLB bóng đá có giá trị lớn nhất. M.U cũng chính là CLB thể thao giá trị nhất toàn cầu.
Mùa giải trước là lần hiếm hoi M.U trắng tay trên mọi mặt trận. Các CĐV từng lo ngại về định hướng của CLB dưới triều đại nhà Glazers. Họ tự hỏi đến khi nào Sir Alex có thể chi tiêu thoải mái và liệu M.U có còn đủ sức cạnh tranh trong những điều kiện tài chính eo hẹp.
M.U cũng đã tạm biệt một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong trong lịch sử CLB hồi năm 2009. Bản hợp đồng của Ronaldo mang lại cho United 80 triệu bảng. Đổi lại, họ trắng tay trên mọi mặt trận ở mùa bóng kế tiếp. Cho tới tận bây giờ, M.U vẫn chưa lấy lại được sức mạnh như dưới thời đại Ronaldo.
Chelsea đang trải qua cuộc cách mạng thứ 2 dưới thời Abramovich - Ảnh: Getty
Ở bên kia chiến tuyến, Chelsea đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ 2 dưới vương triều của Roman Abramovich. Chức vô địch Champions League lần đầu tiên trong lịch sử là lý do đủ mạnh để tỉ phú người Nga mở hầu bao. Mùa Hè vừa qua, Chelsea chi gần gấp đôi M.U trên thị trường chuyển nhượng.
Năm ngoái, họ cũng chi hơn M.U tới gần 20 triệu bảng. Cá biệt ở mùa giải 2010/2011, M.U chỉ bỏ đúng 13,5 triệu bảng còn Chelsea chi tới 86,3 triệu. Đó cũng là mùa giải họ lập nên kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá Anh với chữ kí trị giá 50 triệu bảng của Fernando Torres.
Nhưng thời đại của những hợp đồng khổng lồ đó sắp kết thúc. Khi đạo luật công bằng tài chính đang dần có hiệu lực, các CLB hiểu rằng họ sẽ phải sớm hành động để tìm kiếm sự cân bằng.
M.U đã tạo “bom tấn” với van Persie nhưng hãy nhớ rằng họ cũng đã đưa về rất nhiều ngôi sao trẻ. Sir Alex cũng chủ động giới hạn mức lương trần ở CLB đồng thời hạn chế đưa về những cầu thủ trên 25 tuổi. M.U đang sở hữu trong tay một đội hình trẻ trung ở tất cả các vị trí.
Sự khác biệt về chuyển nhượng giữa hai đội - Ảnh: Getty
Ở bên kia chiến tuyến, Chelsea một trong 2 CLB chi thực mạnh nhất trên thị trường chuyển nhượng suốt 5 năm qua. Đội bóng còn lại là Man City. Liverpool là kẻ về thứ ba.
Chưa nói tới khía cạnh chuyên môn, bên ngoài sân, M.U đang tỏ ra vượt trội với Chelsea trong cuộc chiến tài chính. Sự vượt trội đó sẽ càng trở nên rõ rệt với ảnh hưởng của luật công bằng tài chính. Khi đó, liệu Chelsea có còn đủ sức cạnh tranh với M.U?
Theo TTVH
Bình luận