• Zalo

Chàng trai bán trâu làm đường lên núi

Thời sựThứ Sáu, 27/01/2012 06:45:00 +07:00Google News

(VTC News)– "Nhính bán 4 con trâu, Nhính vay ngân hàng, Nhính bị vợ mắng là ”điên”… nhưng Nhính làm được con đường lên núi.

(VTC News) – "Nhính bán 4 con trâu, Nhính dồn tất cả số tiền có được nhờ bán lúa, bán ngô khoai, bán chè, Nhính vay ngân hàng, Nhính bị vợ mắng là “điên”… nhưng Nhính làm được con đường lên đỉnh núi cho bà con thuận tiện làm ăn".


Phải mất hơn 3 giờ đồng hồ, chúng tôi mới lên tới bản người Mông ở Na Sàng (Phú Đô, Phú Lương, Thái Nguyên), dù đoạn đường từ TP Thái Nguyên đến Na Sàng chỉ khoảng 50km.


Chúng tôi lên bản người Mông Na Sàng để gặp anh trưởng bản trẻ tuổi nhưng đã dám bỏ tiền của gia đình, dám bán trâu và vay ngân hàng để làm con đường lên đỉnh núi cho bà con dân bản thuận tiện đi lại, làm ăn sinh sống.


Đường vào bản Na Sàng rất khó đi, nhất là khi trời mưa.

Hôm đó là ngày áp Tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012, trời mưa phùn lâm râm. Mưa trong nhiều ngày nên đường đi lên bản Na Sàng trơn nhẫy, nhầy nhụa đất sét. Cộng thêm trời rét dưới 10 độ nên cô bạn đồng nghiệp ở báo Thái Nguyên vừa lái xe máy vừa run lập cập. Có lúc, xe đổ xuống, người ngã nhoài xuống bùn đất đỏ, phải loay hoay dựng dậy đi tiếp.

Cách bản Na Sàng khoảng hơn 1 km thì chúng tôi phải gửi xe, đi bộ. Đường dốc cao, có đoạn gần như dựng đứng. Chúng tôi bám theo một xe trâu chở dầu vào bản bán cho bà con dùng dịp Tết. Ì ạch hàng tiếng thì xe và người mới đi được quãng đường hơn 1km, ai nấy bùn đất lấm lem đầu tóc, quần áo. Đôi giày dưới chân không còn chút ma sát nào vì đất sét đã bám dày.


Đường vào bản, xe trâu phải bỏ bánh để lao dốc.

Trưởng bản Hoàng Văn Nhính đang dự một tiệc cưới của đôi trai gái trong bản, anh tiếp chúng tôi trên đỉnh núi gió thổi phần phật, nơi có chòi củi mà một người họ hàng của anh dựng lên để nghỉ ngơi khi làm nương, một cái lán che bạt để đốt lửa sưởi.


Hết đường đất sét trơn nhầy, lại leo lên nương chè để vào bản. 

Cả chủ và khách đều rét run lập cập khi trò chuyện. Rất thạo tiếng Kinh, anh Nhính chỉ tay lên đỉnh núi bên cạnh, nơi có con đường đất đỏ mới được đào, chạy vòng vèo nổi bật giữa màu xanh của lá rừng, anh bảo, đó là con đường “mồ hôi nước mắt” mà anh đã bỏ công, bỏ của làm ròng rã hơn 1 năm trời (từ tháng 10/2010 -PV).  Có con đường đó, anh và người dân trong bản không còn phải lên núi hái củi, trồng ngô khoai, trồng rừng bằng con đường của trâu, men theo sườn núi nữa.

“Thằng Nhính được đấy!”

Anh Nhính làm trưởng bản từ năm 26 tuổi, đến nay được 8 năm. Mới chỉ học hết lớp 5 nhưng anh có cái nhìn và cách nói chuyện thông minh, dí dỏm của người trẻ ham học hỏi, ham hiểu biết.


Nhính lấy vợ từ khi hơn 16 tuổi, con lớn của anh nay đã học đến lớp 10 ở trường huyện, con nhỏ học lớp 8. Anh bảo: “Chỉ đẻ thế thôi để lo cho con được học hành tốt”.


Theo gương trưởng bản, 7 năm nay, Na Sàng không có người sinh con thứ 3. Hỏi người dân ở đây, ai cũng lắc đầu quầy quậy: “Cho đẻ cũng không dám đẻ vì trạm xá thì xa, đẻ nhiều, đứa con không nuôi được tốt. Đất đai lại có hạn, bà con tự nhận thức được việc này rồi!”.


Nhính kể, năm 2002, khi về xây dựng bản Na Sàng thì nơi đây chỉ có 500 ha rừng um tùm, cơ sở hạ tầng không có gì, đường từ xã vào bản cũng không có, chỉ đi bằng đường của trâu đi tìm cỏ. Đời sống bà con rất nghèo, chủ yếu lên núi trồng ngô, khoai để có cái ăn.


“Tôi thấy có rất nhiều rừng và nhiều cây trồng trên núi mà không có đường đi. Bà con muốn vận chuyển củi, đuốc đi lại rất khó khăn. Trong khi, cuộc sống của tôi cũng như bà con đều phụ thuộc nhiều vào rừng núi. Từ năm 2007, tôi đã nghĩ mình phải làm một con đường lên núi để tiện đi lại, chăm sóc, bảo vệ rừng và làm ăn sinh sống” – Nhính kể.


Tác giả và Trưởng bản Na Sàng trò chuyện bên bếp lửa.

Từ 2007 đến cuối năm 2010 là cả quãng thời gian Nhính thuyết phục vợ con và chuẩn bị kinh tế để biến mong muốn của mình thành hiện thực.

Nhính nhớ lại, khi nghe anh nêu ý tưởng bỏ tiền làm đường trên núi, vợ anh thốt lên: “Anh điên à, đưa hàng trăm triệu đồng vào làm đường, mình lấy đâu ra tiền”.

Nhưng Nhính vẫn từ tốn phân tích với vợ về việc chính gia đình anh cũng có tới 30 ha rừng trên núi, rất cần có đường lên để thu hoạch. Anh phân tích việc vợ, chồng anh phải cõng từng cây keo lá chàm lên núi trồng vất vả thế nào rồi đến khi cây lớn cho thu hoạch thì việc đưa cây xuống cũng không hề đơn giản.

Vợ Nhính (chị Lý Thị Lỵ kém Nhính 1 tuổi) cũng băn khoăn: "Gia đình bỏ hết tiền, phải vay mượn rồi “hy sinh” đàn trâu nhưng liệu bà con có khen không?" Anh an ủi vợ: "Cố lên. Khi nào có đường, đời sống sẽ khá lên. Con đường sẽ góp phần cho bà con dân bản đi làm thuận tiện, cho gia đình mình có điềukiện nuôi con cái ăn học, mở mày mở mặt với mọi người".


“Vợ mình nghe xong bảo, em ghi nhận anh nói đúng rồi đồng ý cùng mình làm đường” – Nhính hồ hởi kể.


Không có tiền, trong chuồng có 2 đôi trâu, khi Nhính mang bán, vợ Nhính buồn lắm nhưng Nhính an ủi: "Khi nào có đường, làm ăn tốt sẽ mua lại".


Cùng với tiền bán trâu, Nhính vay thêm tiền chính sách từ ngân hàng để thuê máy về bạt núi làm đường.


Lúc bấy giờ, bà con dân bản, nhiều người thấy “sợ” với việc làm của Nhính. Người thì bảo đào núi làm đường khó lắm, người lại bảo tiền đâu mà làm. Thậm chí có người nói nếu làm được đường thì cũng không đi được vì… dốc lắm!


Nhưng tôi nói: "Sẽ quyết tâm làm, bà con cứ yên tâm. Đoạn nào khó, tôi sẽ cắt cua cắt góc sao cho hợp lý để phải đi được mới thôi".


Đến nay, tôi thì chưa đi thu hoạch gì trên núi nhưng lần đầu tiên đi trên con đường mới hoàn thành, tôi đã thấy lốt xe đầy trên đường rồi. Bà con đã đi lại rất nhiều. Chở ngô khoai, chở củi bằng xe máy và cả ô tô rầm rập, ai cũng hoan hỉ.


Có người nói với tôi: “thằng Nhính được đấy!”. Có người từ ngoài vào bản, thấy con đường cũng bảo “Nhính ơi, sao ông liều thế, sao ông làm được thế? Nghe vậy, tôi thấy tự hào lắm, tự tin lắm, tôi thấy vui lắm!”.


Vẫn còn nhiều “ý đồ” với các ngọn núi


Đoạn đường lên núi của Nhính dài khoảng 2km. Đứng từ ngọn núi này nhìn sang núi có con đường Nhính làm, thấy cũng khá ngoằn ngoèo nhưng Nhính bảo, do anh tự thiết kế hết. Anh chỉ nghĩ, đã xác định làm đường thì xe máy, ô tô phải đi được. Núi có cao hay ngoằn ngoèo thì cũng phải xử lý cho tiện đi lại. Tuy là đường đất đỏ nhưng Nhính cũng biết tìm những chỗ đất an toàn để xe ô tô cũng lên được, không lo sự cố.


Khi làm đường, Nhính cũng tính chỉ làm khoảng 2km và tiền bỏ ra khoảng 100 triệu đồng vì đất rừng của anh cũng chỉ đến đó. Con đường cũng đi qua đất của 4-5 hộ dân. Khi nghe Nhính giải trình về con đường, về việc người dân chỉ phải bỏ ít đất, không phải bỏ tiền mà lại có đường đi để thu hoạch, ai cũng đồng ý, ủng hộ.


Hoàng Văn Nhính chỉ tay về phía con đường mà anh đã dồn tiền của và tâm sức làm nên.

Đến nay, đường làm xong khoảng 70%, rộng khoảng 4-5m, chỉ còn phần kè mương nhưng Nhính bảo, chắc cả năm 2012 mới xong được vì chưa biết lấy vốn từ đâu nữa (khoảng 50-60 triệu đồng).

Từ khi có đường, bà con dân bản đi lại dễ dàng hơn. Nhưng mong muốn của Nhính cũng như bà con dân bản là các sản phẩm khoai, sắn, củi, đuốc, cây cối trên núi sẽ được mua tận gốc. "Ô tô đã lên được tận nơi rồi, bà con đỡ phải mất công mang về nhà. Trước đây, muốn lên núi làm việc phải đi mất cả buổi. Nay có đường, bà con chỉ đi bộ khoảng 25 phút, đi xe máy, ô tô thì “vèo một cái là đến nơi thôi”, Nhính tự hào khoe.


Nhìn con đường vắt vẻo trên núi, Nhính vui lắm, cười suốt. Nhính thấy bõ công những ngày tháng ăn hang ở hố, kè kè bên máy xúc, hướng dẫn làm những đoạn cắt cua, cắt góc.


“Làm xong, mong bà con đi lại không kêu ca gì là hạnh phúc lắm rồi” – Nhính bảo thế.


Cho đến giờ, chuồng trâu nhà Nhính vẫn khô vì chưa dắt được con trâu nào về “bù” cho vợ như đã hứa. Nhính bảo, có đường rồi sẽ cố chăm chỉ làm ăn, lấy sản phẩm nông nghiệp (lúa, ngô, khoai, chè) và sản phẩm từ rừng trồng (hiện, Nhính có hơn 10ha rừng đến tuổi thu hoạch) để trả những khoản vay mượn trước rồi bù con trâu, con bò vào chuồng sau.


Hoàng Văn Nhính và vợ anh, chị Lý Thị Lỵ cùng bà con dân bản sưởi ấm bên bếp lửa. 

Giữa đỉnh núi gió rét đến cắt da cắt thịt, anh Trưởng bản trẻ tuổi dám nghĩ dám làm bày tỏ mong ước trước thềm năm mới Nhâm Thìn rằng, anh mong năm 2012 sẽ làm xong trọn vẹn con đường lên núi. Sau này, nếu có điều kiện sẽ rải nhựa cho tốt hơn.

Chỉ tay lên dãy núi xung quanh, Nhính cũng mong sẽ cùng bà con dân bản tiếp tục trồng rừng, mang màu xanh mênh mông đến cho rừng. Những bãi ngô, lúa trên núi sẽ đào đất để chuyển sang trồng cây chè vì hiện tại, đất trồng ngô, khoai trên núi chỉ toàn là đá.


Nhính còn mong sẽ có điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng cho bản vì cơ sở hạ tầng hiện nay còn nghèo lắm.


Cũng trên đỉnh núi này có nguồn nước tự nhiên, không qua xử lý mà người dân trong bản đã sử dụng 10 năm nay để ăn uống, sinh hoạt, Nhính bảo, biết dùng nước như vậy mất vệ sinh nhưng không có điều kiện để xử lý thành nước sạch hợp vệ sinh mà dùng.


Chính vì thế, Nhính cũng như dân bản Na Sàng mong sẽ sớm được giúp đỡ, hỗ trợ để xử lý nguồn nước cho sạch, "để không ai phải mắc cái bệnh táo bón, bệnh tiêu chảy, không ai phải ốm đau do nguồn nước nữa".


“Mình mơ thế nhưng mình hiểu là mình chưa có gì nhiều nên mình cần phải phát huy hơn nữa, tìm tòi nhiều hơn nữa để cho gia đình mình và bà con bản mình ngày một khấm khá hơn”, Nhính hấp háy niềm hi vọng trong đôi mắt.


Bài và ảnh: Kiều Minh

 


Bình luận
vtcnews.vn