• Zalo

Chấm thi trắc nghiệm: Những yếu tố có thể biến thí sinh đỗ thành trượt

Giáo dụcThứ Năm, 01/08/2019 12:23:00 +07:00Google News

Việc hàng loạt bài thi trắc nghiệm tại Tây Ninh bị chấm điểm 0 và chỉ phát hiện sai sót khi thí sinh phúc khảo bài thi đang nhận được nhiều sự chú ý.

Về công tác chấm thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trưởng ban chấm thi tại Hội đồng thi tỉnh Đắk Lắk cho rằng, quy trình chấm thi trắc nghiệm năm 2019 rất nghiêm ngặt, có tính bảo mật cao. Tuy nhiên vẫn có những yếu tố có thể dẫn đến sai sót trong kết quả chấm thi.

Thứ nhất, về việc scan bài thi, quy trình sẽ là: Sau khi nhận túi bài thi còn nguyên niêm phong, các cán bộ chấm thi bắt đầu scan, quét hình ảnh bài thi. Khâu này được PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhận định rằng vô cùng quan trọng. Độ chính xác của file ảnh sẽ quyết định tính chính xác của kết quả chấm thi. Việc này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật của người thực hiện cũng như máy móc.

“Nếu như máy cũ, bộ phận cuốn giấy mòn, hư hỏng, có thể kẹt bài thi, scan bị lệch. Hoặc người chấm chủ quan, chỉ cần đặt lệch, nghiêng phiếu trả lời trắc nghiệm, thì file nhận dạng đã không đúng”, PGS. TS Đỗ Văn Dũng nói.

Yếu tố thứ 2 có thể khiến kết quả bài thi trắc nghiệm sai lệch là do phiếu trả lời trắc nghiệm in không đạt chuẩn: “Năm 2019, Bộ không hề quy định các Sở GD-ĐT phải mua phiếu trả lời trắc nghiệm ở cùng một cơ sở in nào. Sự chênh lệch về tờ giấy trả lời trắc nghiệm cũng có khả năng dẫn đến sai sót khi chấm.

Trên phiếu trả lời trắc nghiệm có 2 vệt đen để đánh dấu khung quét. Nếu như in lệch chấm đen đầu tiên, thì câu 1 sẽ biến thành câu 2, bài thi của thí sinh sẽ bị sai toàn bộ. Những năm trước khi chấm thi, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng gặp phải trường hợp như vậy, đến khi phát hiện mới biết lỗi do giấy thi in lệch”.

dovandung

 

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, hiện nay phần mềm chấm thi của Bộ GD-ĐT cung cấp thông minh, cho phép nhận dạng và báo những bài thi tô mờ, hoặc tô sai số báo danh, tô sai mã đề.

Riêng với trường hợp tô sai mã đề, do phần mềm năm nay quét bài thi theo từng phòng thi. Mỗi phòng thi quy định có 24 mã đề, trường hợp thí sinh tô sai mã đề, cán bộ chấm thi hoàn toàn có thể phát hiện để sửa chữa.

Bên cạnh đó, phần mềm của Bộ GD-ĐT cung cấp cũng nhận dạng được các bài thi thí sinh tô quá mờ, những câu không có đáp án, phần mềm khuyến cáo nên mở bài thi để xem có tô mờ đáp án không.

Chỉ cần những khâu này xảy ra sai sót, phần mềm sẽ không thể đọc được dữ liệu trên bài thi của thí sinh.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của con người trong quá trình chấm thi trắc nghiệm. Cán bộ thực hiện công tác chấm thi trắc nghiệm phải là những người được tập huấn kỹ, có kinh nghiệm chấm thi nhiều năm để kịp thời phát hiện và xử lý những tình huống bất ngờ khi xảy ra.

Nói riêng về trường hợp 58 bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi tỉnh Tây Ninh bị điểm 0, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, nguyên nhân có thể đến từ vấn đề máy móc, giấy thi hoặc cán bộ coi thi.

“Nếu đặt giả thiết do hệ thống chấm thi thì sự cố đã xảy ra đồng loạt trên 63 tỉnh thành”, PGS Dũng nói.

Kỳ thi THPT quốc gia 2020 cần thay đổi thế nào?

Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, sau những sự cố về chấm thi trắc nghiệm tại một số địa phương trong kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm cho công tác tổ chức thi năm sau.

“Tôi cho rằng, cần bố trí các trường công lập, có nhiều năm chấm thi ở các tỉnh để làm công tác này. Hơn nữa, nên có sự thống nhất, đồng bộ về phiếu trả lời trắc nghiệm do một công ty phụ trách in sao để hạn chế những sai sót có thể xảy ra. Ngoài ra cần trang bị thêm máy scan mới.

Năm 2019, khi Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đi chấm thi tại Đắk Lắk, chỉ có 1-2 máy mới, còn lại là máy cũ, tốc độ quét rất chậm. Bên cạnh đó, nên đưa thêm trí tuệ nhân tạo trong quá trình nhận dạng bài thi của thí sinh”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng khuyến nghị.

Ông Dũng cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT nên tổ chức rút ra 20% bài thi để chấm kiểm dò sau bước nộp CD1 về Bộ để phát hiện kịp thời những sai sót trong quá trình chấm thi.

Quan trọng nhất theo PGS.TS Dũng vẫn là yếu tố con người, nếu như cán bộ chấm thi không có kinh nghiệm, chủ quan thì vẫn có thể dẫn đến những sai sót không đáng có dù hệ thống phần mềm, máy móc có được trang bị hiện đại.

“Nhờ được tập huấn kỹ, có nhiều năm kinh nghiệm chấm thi, nên những cán bộ tham gia chấm thi của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phát hiện và sửa 1.400 bài thi do thí sinh tô mờ, sai số báo danh, phần mềm không chấm được. Ngay lập tức, hội đồng chấm thi phải mời thanh tra, công an, tổ chức tô lại bài thi cho các em. Do đó rất ít trường hợp phúc khảo bài thi”, ông Dũng cho biết.

Trước đó, ngày 30/7, Sở GD-ĐT Tây Ninh công bố kết quả chấm phúc khảo, thi THPT quốc gia 2019. Theo đó có 95 bài thi thay đổi điểm sau khi phúc khảo và đều tăng. Đáng chú ý, có đến 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 đều tăng sau khi phúc khảo. Trong đó có bài tăng cao nhất lên tới 8,75 điểm.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, sau những sự cố nghiêm trọng xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, việc sai sót trong quá trình chấm thi sẽ gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho thí sinh và phụ huynh.

Bà An cho rằng: “Đây là những sai sót không đáng có. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Bộ GD-ĐT đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Điều tôi băn khoăn là tại sao một số Hội đồng thi khác như Thanh Hóa, Đắk LắK đều phát hiện được những lỗi trong bài thi của thí sinh ngay trong quá trình chấm thi, nhưng riêng tại Tây Ninh lại phải đợi đến khi thí sinh phúc khảo bài thi mới biết. Vậy ngành giáo dục Tây Ninh và đơn vị phụ trách chấm thi có trách nhiệm như thế nào trong việc này?”

Nguyễn Trang/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn