• Zalo

Cát tặc núp bóng 'nạo vét' dòng chảy

Thời sựThứ Hai, 13/04/2015 07:35:00 +07:00Google News

mới đây, một số đơn vị được 'dán bùa' nạo vét dòng chảy khiến người dân lo ngại cát sông Hồng sẽ lại bị khai thác tràn lan.

Năm 2014, Bộ Công an quyết liệt vào cuộc dẹp nạn cát tặc hoành hành trên sông Hồng (đoạn thuộc địa phận Hà Nội), tịch thu nhiều phương tiện, bắt giữ nhiều đối tượng. Tuy nhiên mới đây, một số đơn vị được “dán bùa” nạo vét dòng chảy khiến người dân lo ngại cát sông Hồng sẽ lại bị khai thác tràn lan.

Công an đồng loạt ra quân

Trước nạn cát tặc hoành hành trên sông Hồng, khiến người dân mất ăn mất ngủ vì ruộng, vườn bị trôi sông, tháng 11/2014, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị và công an địa phương nhanh chóng triệt phá nhóm cát tặc hoành hành trên địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội).

Rạng sáng 8/11/2014, gần 200 cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ Công an đã bao vây, bắt 51 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn huyện Phúc Thọ. Ước tính mỗi ngày các đối tượng đã rút ruột sông Hồng khoảng 2.000m3 cát tương đương khoảng 1 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt 6 đối tượng liên quan. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, cát tặc lại tái diễn nằm rải rác từ xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ đến địa phận phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, một số khác còn khai thác cả trên sông Đuống địa bàn huyện Gia Lâm.


 Tàu hút cát hoạt động gần khu vực cầu Long Biên ngày 9/3. Ảnh: Minh Đức

Chính vì thế, ngày 17/3/2015, Công an huyện Phúc Thọ tiếp tục “tung” 60 cảnh sát triệt phá nhiều tàu, thuyền có hành vi khai thác cát trái phép trên đoạn sông thuộc km230 thuộc xã Sen Chiển. Và mới đây, ngày 25/3, Công an huyện Gia Lâm đã tập kích triệt phá nhiều phương tiện khai thác cát tặc trên sông Đuống, địa bàn huyện Gia Lâm.

Trao đổi với phóng viên, thượng tá Lê Văn Nghiêm - Đội trưởng Cảnh sát Kinh tế - Công an huyện Gia Lâm cho biết, khi kiểm tra các tàu khai thác cát trên địa bàn, hầu hết đều không có giấy phép. Năm 2014, Công an huyện Gia Lâm đã triệt phá 15 vụ, đầu năm 2015 triệt phá 13 vụ khai thác cát trái phép trên sông Đuống.

Trung tá Hoàng Ngọc Cương - Phó trưởng Công an huyện Phúc Thọ cũng cho biết, từ đầu năm 2015 tới nay, đơn vị đã triệt phá 3 vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn. Theo trung tá Cương, hầu hết các đối tượng đều không có giấy phép khai thác cát.

Lo ngại việc nạo vét dòng chảy bị biến tướng

Mới đây, một số người dân tổ 34, 35, 36 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, tiếp tục phản ánh tình trạng các tàu khai thác cát hoạt động cả ngày lẫn đêm trên địa bàn khu vực cầu Long Biên, khiến hoa màu của họ trôi sông.

Anh Nguyễn Văn Tình, làm nghề đánh cá, sinh sống tại tổ 36, cho biết, ban ngày các tàu hoạt động khu vực giữa dòng, nhưng từ 23h đêm đến 5h sáng hôm sau thường cắm sát vòi vào ven bờ để hút cát. Việc hút cát đã khiến nhiều khu vực đất đai của người dân bị trôi sông. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, từ ngày 1 đến ngày 9/4, tại khu vực gần cầu Long Biên thuộc phạm vi tổ 36, luôn xuất hiện 3 chiếc tàu khai thác cát, trong đó có tàu được trang bị cả cẩu và hoạt động liên tục.

Ngay sau đó, phóng viên đã gọi điện thoại phản ánh sự việc cho một cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an TP Hà Nội. Tuy nhiên, vị cán bộ này cho biết đơn vị hút cát gần khu vực cầu Long Biên đã được cấp phép. Phóng viên đề nghị vị lãnh đạo phòng cấp thông tin, đơn vị, vị trí, số hiệu tàu được cấp phép, nhưng vị cán bộ này không nhớ.

Một chủ tàu khai thác cát tiết lộ, nếu mua tại khu vực khai thác, giá mỗi m3 cát  từ 30.000 đến 35.000 đồng. Mỗi giờ vận hành, hệ thống tàu, máy, cẩu... có thể hút được 80 đến 90 m3 cát. Song để đầu tư hệ thống này cũng phải tốn hàng chục tỷ đồng, mỗi chiếc cẩu múc cát có giá 3-3,5 tỷ đồng, tàu hút cát cỡ lớn 2,5 tỷ đồng... Với 1 chiếc tàu cuốc cát cỡ lớn hoạt động hết công suất có thể thu bạc tỷ/ngày.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có dấu hiệu cho thấy một số doanh nghiệp lợi dụng giấy phép nạo vét dòng chảy (với cơ chế “khoán trắng” từ khâu khảo sát, thiết kế đến phương thức nạo hút, tự thu, tự chi) để hút cát. Để làm rõ nội dung trên, phóng viên liên lạc với ông Hoàng Minh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT), nhưng được ông này khất đến hôm nay, 13/4 sẽ cung cấp thông tin.

Nguồn: Minh Đức(Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn