• Zalo

Cảnh tượng thiên văn triệu năm có một: Việt Nam có thể quan sát?

Thời sựThứ Hai, 20/10/2014 05:49:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chuyên gia thiên văn học lý giải về hiện tượng sao chổi bay sượt sao Hỏa vào sáng sớm ngày 21/10.

(VTC News) - Chuyên gia thiên văn học lý giải về hiện tượng sao chổi bay sượt sao Hỏa vào sáng sớm ngày 21/10.

Lúc 1h27' sáng 21/10 (giờ Việt Nam), những người đam mê thiên văn học sẽ được chứng kiến cảnh tượng triệu năm mới xảy ra một lần khi sao chổi Siding Spring (C/2013 A1) bay sượt qua sao Hỏa ở khoảng cách gần nhất.

Liên quan đến hiện tượng kỳ thú này, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Phường, Nhà nghiên cứ về Thiên văn - Vũ trụ, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

 Ông Nguyễn Đức Phường.
- Tại sao nói hiện tượng sao chổi
 Siding Spring bay sượt qua sao Hoả là hiện tượng triệu năm mới có một lần, thưa ông?

Đêm nay, sao chổi Siding Spring (ký hiệu C/2013 A1) sẽ bay ngang qua sao Hỏa ở khoảng cách rất gần. Cụ thể là khoảng 140.000 km, nhỏ hơn cả một nửa khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng (384.000km). 

Hàng năm, hệ mặt trời đón nhận rất nhiều sao chổi. Tuy nhiên, có những sao chổi bị biến mất, có sao chổi có chu kỳ dài hàng nghìn năm, cũng có sao chổi tới hệ trái đất một lần rồi vĩnh viễn không trở lại nữa…

Cơ hội tiếp cận nghiên cứu một sao chổi như Siding Spring khi lướt qua một hành tinh ở khoảng cách rất gần là vô cùng hiếm. Bởi vậy mới nói là triệu năm mới có một lần. Đây là cơ hội rất tốt để các nhà khoa học nghiên cứu về sao chổi, sự tác động có nó tới sao Hỏa. 

Hiện tại, trên quỹ đạo của sao Hỏa đang có một số tàu thăm dò của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và của một số nước châu Âu. Các tàu thăm dò sẽ tiến hành chụp ảnh, nghiên cứu hiện tượng này.

- Sao chổi Siding Spring được hình thành từ đâu?

Nguồn gốc của sao chổi này là từ đám mây Oort. Đây là một đám mây vật chất ở không gian bên ngoài, bao quanh và cách hệ mặt trời khoảng 50.000 đến 100.000 đơn vị thiên văn. 

Đám mây Oort có thành phần chủ yếu là các vật thể băng giá, đã tồn tại từ quá trình hình thành hệ mặt trời cách đây khoảng 5 tỷ năm về trước. 

Sao chổi thực chất là một tảng băng bụi, hay còn gọi là quả cầu tuyết bẩn. Khi sao chổi tiến về mặt trời, sẽ bị tác động bởi gió mặt trời, gió mặt trời sẽ làm cho nhân của sao chổi bốc hơi, tạo ra một cái đuôi rất dài. 

Thân sao chổi có đường kính khoảng vài km hoặc vài chục km nhưng đuôi của nó thì có thể dài tời hàng triệu km.

Khi sao chổi ở gần một thiên thể nào đó, có thể bị lực hấp dẫn của thiên thể đó tác động lên cấu trúc của sao chổi.

 

Việc sao chổi đến gần một hành tinh như Siding Spring là rất hiếm. Bởi vậy mới nói là triệu năm mới có một lần. Đây là cơ hội rất tốt để các nhà khoa học nghiên cứu về sao chổi, sự tác động có nó tới sao Hỏa.
Ông Nguyễn Đức Phường
 
- Bằng mắt thường có thể quan sát được hiện tượng kỳ thú này không, thưa ông?

Hiện nay sao chổi này đang bay về hướng sao Hỏa với vận tốc 56km/giây.

Đây chỉ là cơ hội để các nhà khoa học nghiên cứu thôi. Còn ở dưới mặt đất thì chúng ta khó quan sát được hiện tượng này.

Chúng ta có thể sử dụng kính thiên văn lớn mới có thể quan sát được. Còn kính thiên văn phổ thông thì rất khó. Bằng mắt thường thì không thể quan sát được.

- Vậy ở Việt Nam sẽ quan sát hiện tượng này thế nào, thưa ông?

Có thể khẳng định ở Việt Nam sẽ không thể quan sát được hiện tượng này vào sáng mai. Hiện chúng ta có một kính thiên văn 16 inch đặt ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng do môi trường quan sát không tốt nên sẽ không thể sử dụng để quan sát được.

- Việc quan sát hiện tượng này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?

Khi sao chổi ở gần sao Hỏa, có thể bị lực hấp dẫn của hành tinh này tác động lên cấu trúc của sao chổi. Từ đó, chúng ta xem sao chổi có bị biến đổi gì không, quỹ đạo của nó bị ảnh hưởng như thế nào? Những thành phần vật chất trong đuôi của sao chổi đó sẽ ảnh hưởng đến khí quyển của sao Hỏa ra sao...

Sao chổi Siding Spring bay qua sao Hỏa là hiện tượng thiên văn triệu năm mới có một lần.
Như chúng ta cũng biết, sao Hỏa là một hành tinh tương đối quan trọng. Hành tinh này ở tương đối gần trái đất và có nhiều điều kiện giống trái đất. Ví dụ, vào mùa hè, nhiệt độ trên sao Hỏa có thể lên đến 30 độ. Tức là nhiệt độ khá thích hợp cho sự sống.  

Thời gian qua, con người chúng ta đã bỏ ra nhiều tiền của và công sức để nghiên cứu xem liệu có tồn tại sự sống trên sao Hỏa trước đây hay không? Mặc dù chưa có kết luận chính thức nhưng những kết quả ngiên cứu gần đây cũng đã hé lộ những manh mối đầu tiên về sự sống trong quá khứ của sao Hỏa. 

Bên cạnh đó, như tôi đã nói, Siding Spring được hình thành từ đám mây Oort đã tồn tại từ quá trình hình thành hệ mặt trời cách đây khoảng 5 tỷ năm về trước. Một trong những giả thuyết được giới khoa học đặt ra, đó là việc sao chổi có thể mang đến sự sống trên các hành tinh khác, trong đó có cả trái đất của chúng ta. 

Với việc sao chổi này bay qua sao Hỏa, các nhà khoa học nghiên cứu xem các thành phần trên sao chổi sẽ tác động lên sao Hỏa như thế nào, nó để lại trên sao Hỏa những thành phần vật chất nào, có thành phần, nguyên tố thích hợp với sự sống hay không...

Từ đó có thể xem chúng có phải là nguyên nhân hình thành sự sống trong sao Hỏa (nếu có) trước đây hay không.

Có lẽ Siding Spring là sao chổi đầu tiên đến từ đám mây Oort được nghiên cứu với khoảng cách gần như vậy. Bởi vậy, đây là cơ hội rất quý hiếm để các nhà khoa học nghiên cứu về sao chổi này. Từ sao chổi này có thể cung cấp những bằng chứng về nguồn gốc, sự hình thành hệ mặt trời chúng ta. 

Xin cảm ơn ông!

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn