Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” ấy, khi mà thời gian không cho phép đợi chờ và tàu nghi vấn có thể chặt neo bỏ trốn bất cứ lúc nào thì bất ngờ đại tá Nguyễn Quang Đạm nhận được thông tin: thuyền trưởng tàu Zafirah được ngư dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu cứu vớt tại khu vực biển Bình Thuận.
Đưa thuyền trưởng tàu Zafirah ra khơi
Vị thuyền trưởng này cho biết tàu Zafirah bị bọn cướp biển tấn công. Bọn cướp có 11 tên, khả năng là người Indonesia. Bọn cướp có súng ngắn, kiếm và dao bầu. Khi lên tàu, bọn cướp bắt và nhốt chín thuyền viên vào khoang tàu. Sau hai ngày giam giữ chúng đã đẩy họ xuống biển, ném phao cứu sinh và bỏ mặc họ trôi dạt trên biển.
Suốt một đêm thức trắng, vị chỉ huy Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam mừng rỡ khi bắt được thông tin này. Đại tá Đạm (lúc đó chưa thăng cấp thiếu tướng) liền nhấc điện thoại, liên hệ ngay với bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Áp sát... - Ảnh: Đức Vịnh |
9g sáng 22-11, sau khi chín thuyền viên đã được đưa vào Vũng Tàu an toàn, chỉ huy Vùng CSB 3 đã được biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý đưa thuyền trưởng, máy trưởng và hoa tiêu đi cùng tàu CSB ra vị trí tàu khả nghi để xác minh.
“Khó nhất của người chỉ huy là xác định mục tiêu. Thông số tàu này hiển thị trên màn hình rađa đúng là tàu bị cướp rồi nhưng màu và số lại không giống. Và khi anh em liên lạc qua kênh 16 thì bên tàu kia vẫn trả lời là đi Singapore.
Trong tình huống này, chỉ có người của tàu Zafirah mới biết chính xác đó có phải là tàu Zafirah hay không” - ông Nguyễn Quang Đạm giải thích về quyết định của mình.
Hai giờ sau, đúng 11g trưa, tàu CSB 2011 của Vùng CSB 3 được lệnh xuất phát với tốc độ cao nhất, chở ba nhân vật này ra hiện trường. Thuyền trưởng tàu bị cướp là anh Sann Winnaung (37 tuổi, quốc tịch Myanmar). Đại tá Lê Xuân Thanh - chỉ huy trưởng Vùng CSB 3 - cũng đi trên tàu CSB 2011.
Trong khi tàu CSB 2011 đang lao ra biển thì ở Hà Nội, Cục CSB đã nhận được điện trả lời của Trung tâm thông báo cướp biển Cục Hàng hải quốc tế tại Malaysia:
“Chúng tôi đã kiểm tra trong danh mục các tàu vận tải quốc tế và thấy không có hồ sơ lưu trữ nào về tàu có tên MT Seahorse, treo cờ Honduras. Chúng tôi nghi ngờ cướp biển có thể đã thay đổi tên của tàu và sơn lại tên trên phễu/tàu (trên ống khói). Số IMO ở trên đuôi tàu được dập nổi/ hàn nổi”.
Dùng người nhái hay nổ súng?
Ngay khi nhận được phản hồi này, đại tá Nguyễn Quang Đạm liền đến Bộ Tổng tham mưu. Trong lần đi này, ông mang theo cả phương án tác chiến của CSB.
Trong lần làm việc trước đó, Bộ tổng tham mưu đã có phương án đưa người nhái tiếp cận tàu bị cướp. Và Bộ tư lệnh Đặc công đã chuyển quân từ Cam Ranh vào Vũng Tàu sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Nhóm cướp biển trên tàu Zafirah Ảnh tư liệu |
Ba phương án của CSB chỉ mới vừa được hình thành trong khoảng thời gian từ khi tìm thấy mục tiêu khả nghi (3g30 sáng 22-11) và hoàn thành trước 13g ngày 22-11.
“Cướp biển rất nguy hiểm, liều lĩnh và có tính manh động cao. Nếu không xử lý cương quyết, khéo léo, không dự kiến hết kịch bản thì quá trình xử lý sẽ diễn biến phức tạp và tổn thất, tình huống xấu nhất có thể xảy ra” - ông Nguyễn Quang Đạm nói.
Tư lệnh CSB Việt Nam nhớ lại: “Bộ trưởng chỉ đạo phải cương quyết đấu tranh nhưng phải tuyệt đối đảm bảo an toàn. Đấu tranh thắng lợi nhưng không để cho một chiến sĩ cảnh sát biển nào bị thương. Đây là một bài toán khó.
Do mình đã giữ hai ngày và bọn cướp biển biết lộ rồi, tôi dự báo chúng sẽ bỏ chạy. Lúc ấy mình chỉ có hai cách: một là mình sẽ bắn hủy diệt như các nước từng làm. Nếu bắn hủy diệt thì tiêu diệt được bọn cướp biển, nhưng 300 tấn dầu sẽ đổ ra biển.
Mà dầu này là dầu nhẹ, sẽ cháy loang trên mặt biển rất nhanh. Mà gió biển ở Việt Nam bao giờ cũng đẩy từ biển vào bờ. Dầu sẽ theo gió đẩy vào bờ Vũng Tàu, lúc đó chỉ cách Vũng Tàu 70km. Tất cả tàu thuyền đậu trên biển sẽ cháy hết. Sẽ có thảm họa tràn dầu. Biển sẽ bị ô nhiễm.
Cách thứ hai là phải bỏ, cứ để bọn cướp biển chạy trốn. Mà đã bỏ thì hiệu quả đấu tranh chống tội phạm trở thành con số 0 và không hoàn thành nhiệm vụ”.
Cuối cùng, CSB Việt Nam đưa ra ba phương án. Phương án thứ nhất: bao vây, khống chế, bằng các biện pháp dân sự: tuyên truyền kêu gọi bọn cướp trên tàu ra trình diện đầu hàng.
Nếu bọn cướp biển ngoan cố không chịu ra hàng và có biểu hiện chống cự, chạy trốn thì cho phép sử dụng hỏa lực súng bộ binh bắn cảnh cáo hoặc bắn trực tiếp vào nóc đài chỉ huy nhằm gây tâm lý hoang mang, hoảng loạn buộc chúng phải đầu hàng.
Phương án thứ hai, dưới sự chỉ huy của thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, CSB sẽ phối hợp với lực lượng đặc công (Bộ tư lệnh đặc công), lợi dụng đêm tối tiếp cận, bí mật đột nhập lên tàu, chiến đấu bằng chiến thuật đặc công và bắt giữ cướp biển theo phương án của đặc công. Phương án này do lực lượng đặc công chủ trì.
Còn phương án thứ ba là kịch bản: bọn cướp biển có hành động chống đối, nhổ neo chạy trốn, CSB sẽ bắn cảnh cáo, uy hiếp để yêu cầu dừng lại. Nếu chúng vẫn cố tình bỏ chạy thì sử dụng súng, pháo bắn vào đài chỉ huy buộc chúng phải dừng lại và đầu hàng.
... Quay trở lại hiện trường nơi tàu MT Seahorse đang bị khống chế. Gần ba giờ sau khi xuất phát từ Vũng Tàu, tàu CSB 2011 đã có mặt tại khu vực tàu MT Seahorse đang thả neo.
Khi đại tá Nguyễn Quang Đạm vừa đến Bộ Tổng tham mưu thì được anh em báo cáo thông tin quan trọng: thuyền trưởng tàu bị cướp xác nhận MT Seahorse chính là tàu Zafirah, cướp biển đã sơn lại mặt boong xung quanh tàu.
Đại tá Nguyễn Quang Đạm bước vào phòng trung tướng Trần Quang Khuê (phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người được Bộ tổng tham mưu giao chỉ đạo vụ này) báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo.
Trong đầu của thủ trưởng Cục CSB vẫn luôn nghĩ đến khả năng bọn cướp biển sẽ nhổ neo bỏ chạy. Và anh tin khả năng này là rất cao. Nếu bọn cướp biển bỏ trốn vào ban đêm, tác chiến sẽ rất khó khăn. Đại tá Nguyễn Quang Đạm đề xuất với Bộ tổng tham mưu phải tấn công trước khi bọn cướp biển nhổ neo.
Anh chưa kịp báo cáo phương án tác chiến thì nhận được điện từ Vùng CSB 3: bọn cướp biển định chặt neo chạy trốn!
Lúc đó là 15g ngày 22-11.
Trong khi ấy, lực lượng đặc công nước gồm 15 người trên tàu CSB 3001 chỉ mới rời cảng Vũng Tàu ra thực địa được 10 phút. Người đứng đầu của lực lượng CSB Việt Nam đã quyết đoán lựa chọn phương án: bao vây, nổ súng tấn công.
Ông Đạm giải thích: “Khi ấy trời còn sáng, phương án tác chiến theo người nhái thì hoàn toàn bất khả thi vì không thể ra hiện trường kịp, kể cả điều trực thăng. Mà dù đặc công nước thì phải tác chiến vào đêm tối và với điều kiện tàu bị cướp phải còn ở thực địa.
Đàng này nó đã bỏ chạy. Không còn lựa chọn nào khác là mình phải chọn phương án tấn công, phải nổ súng”.
Lệnh nổ súng tấn công, khống chế bọn cướp biển được truyền đi ngay từ trụ sở Bộ tổng tham mưu.
“Cái quan trọng nhất lúc ấy là phải xác định xem tàu MT Sea horse có phải là tàu Zafirah không. Số IMO này được Tổ chức Hàng hải thế giới xác định là không có số thật. Nhưng cam đoan đó là cái tàu bị cướp kia thì vẫn chưa dám cam đoan. Mình bắn mà nhầm thì rất nguy hiểm.
Các tổ chức ở Malaysia, Singapore và chủ tàu đã cung cấp mẫu tàu, sơ đồ tàu để mình tấn công. Khi chúng tôi bắt đầu ở đây (Hà Đông - PV) lên báo cáo Bộ tổng tham mưu trình phương án tác chiến, tôi rất chờ tin anh em ngoài đó gọi vào xem thuyền trưởng tàu bị cướp xác nhận đúng là tàu của họ thì mình nổ súng là chuẩn nhất”, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm kể.
Video tàu cảnh sát biển Trung Quốc lao thẳng về tàu Việt Nam
Nguồn: Tuổi Trẻ
Bình luận