• Zalo

Cần hơn 4.300 tỷ đồng di dân phố cổ

Thời sự Thứ Sáu, 13/04/2012 12:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Để di dời hơn 1.800 hộ với hơn 7.200 người đang sống trong khu vực phố cổ Hà Nội ra ngoại thành, Hà Nội cần nguồn vốn hơn 4.300 tỷ đồng.

(VTC News) - Theo Đề án giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), để di dời hơn 1.800 hộ với hơn 7.200 người đang sống trong khu vực phố cổ Hà Nội ra ngoại thành, Hà Nội cần nguồn vốn hơn 4.300 tỷ đồng.

>> Dự án di dân phố cổ: Nhọc lòng kẻ ở người đi
>> Sống khổ như người dân… phố cổ Hà Nội
>> Khốn khổ cảnh sống trong căn nhà nhỏ nhất Hà Nội

Giãn dân cơ học là biện pháp duy nhất

Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 81ha, nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, với tổng số dân hơn 6,6 vạn người (năm 2010), mật độ 823 người/ha.

Trong khu phố cổ hiện có 121 di tích, hơn 200 ngôi nhà có giá trị đặc biệt cần bảo tồn. Tuy nhiên, đang có hơn 1.600 hộ dân sống trong các căn hộ xuống cấp nguy hiểm và biển số nhà đông hộ.

Hà Nội cần hơn 4.300 tỷ đồng để thực hiện giãn dân phố cổ trong giai đoan I. 

Vì vậy, để khắc phục tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong khu vực phố cổ, giải pháp giãn dân cơ học được xem là duy nhất và khả thi nhằm cải thiện môi trường sống, tạo tiền đề cho các giải pháp quản lý, bảo tồn, tôn tạo phố cổ.

Theo tính toán, để giảm mật độ từ 823 người/ha hiện nay xuống còn 500 người/ha (là mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020), quận Hoàn Kiếm sẽ phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với trên 2,6 vạn dân.

Giai đoạn I của đề án  được thực hiện trên khu đất có diện tích 11,12ha tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên). Theo đó sẽ di chuyển được khoảng 1.800 hộ (gồm các hộ sống trong các di tích, trường học, công sở, nhà đông hộ và nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn).

Dự trù nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ giai đoạn I là hơn 4.300 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước để lập đề án, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật... khoảng 500 tỷ đồng; Vốn xã hội hóa ứng để đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân là hơn 3.800 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, sẽ được chia thành 2 dự án thành phần. Dự án 1 – tổ chức di dời các hộ dân đi khỏi khu vực phố cổ, với thời gian thực hiện khoảng 4 năm, tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 355 tỷ đồng.

Dự án 2 – đầu tư xây dựng khu nhờ ở giãn dân phố cổ tại Việt Hưng, thời gian thực hiện khoảng 4 năm, tổng vốn đầu tư dự kiến là gần 4.000 tỷ đồng.

Ưu tiên cơ chế chống tăng dân số trở lại

Để việc giãn dân phố cổ thành công được, ngoài cơ chế chính sách ưu tiên và khuyến khích người dân tự nguyện di chuyển, các chính sách kiểm soát và ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại cũng đã được đề ra.

Với những biển số nhà đã thực hiện giãn dân phải bảo đảm chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 25m2 sàn/người (là chuẩn diện tích nhà ở bình quân vào năm 2020). Các hộ dân sau khi nhận căn hộ tại nơi định cư mới phải có bản cam kết chuyển hộ khẩu khỏi nơi cư trú cũ tại khu phố cổ.

Phối cảnh tổng thể khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, HN), một phần khu đô thi này sẽ được giành cho dự án giãn dân phố cổ. 

Đối với các hộ tự nguyện và tách hộ để giãn dân, UBND quận Hoàn Kiếm kiểm soát chặt chẽ đầu đi và đến. Cụ thể, trường hợp nhận nhà không đến ở mà bán hoặc cho thuê, đồng thời quay lại nơi ở cũ thì sẽ bị thu hồi căn hộ và xử ly theo quy định pháp luật.

Điều này sẽ được quy định rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ giãn dân; kiểm soát chặt chẽ và áp dụng biện pháp cưỡng chế để trả lại hiện trạng ban đầu đối với mọi hành vi tái lấn chiếm tại các vị trí đã được giải phóng mặt bằng… 

Về việc sử dựng các công trình sau khi di dời, đối với các công trình thuộc sở hữu Nhà nước, diện tích nhà đất sau khi giải phóng mặt bằng sẽ được bàn giao cho các đơn vị hoặc chủ sở hữu chịu trách nhiệm sử dụng công trình (như di tích, công sở, trường học) để quản lý, sử dụng theo quy hoạch và pháp luật hiện hành.

Đối với các công trình thuộc sở hữu tư nhân, sau khi di chuyển phần diện tích của các hộ dân được phép chuyển nhượng cho những người sống trong cùng biển số nhà, hộ dân liề kề và người có hộ khẩu trong khu phố cổ (nhằm tránh tăng dân số trở lại).

Đối với những biển số nhà đông hộ, xuống cấp đang thuê của Nhà nước, nhà cần bảo tồn thuộc quỹ nhà Nhà nước diện tích bình quân dưới 5m2/người mà không tự thỏa thuận được để giãn dân, thì Nhà nước sẽ thu hồi theo chính sách giải phóng mặt bằng, diện tích thu hồi sẽ sử dụng theo quy hoạch bảo tồn khu phố cổ Hà Nội…

Đề xuất UBND TP cho áp dụng giá bồi thường, hỗ trợ theo quy định trong bảng giá đất hàng năm nhân hệ số 2 lần cho mỗi diện tích thu hồi đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ về đất.

Các hộ thuộc diện di dời sẽ được mua nhà tại khu nhà ở giãn dân với giá ưu đãi; Phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại tại các tòa nhà tái định cưu sẽ được bán hoặc cho các hộ có nhu cầu kinh doanh thuê lại để đảm bảo cuộc sống…

Ngoài ra, để thu hút các nhà đầu tư xây dựng khu tái định cư theo hình thức xã hội hóa, một số chính sách ưu đãi cũng đã được đề cập tới trong Đề án này.

Theo một lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, giãn dân phố cổ bản chất là giải phóng mặt bằng, nên phải áp dụng theo cơ chế, chính sách chung của thành phố về bồi thường, giải phóng mặt bằng.

“Để khuyến khích người dân di chuyển, Hà Nội sẽ nghiên cứu giá nhà tái định cư thấp, mua nhà theo như giá giải phóng mặt bằng, nghiên cứu tìm các điểm ưu đãi tối đa cho người dân, đặc biệt phải bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt của người dân”, đại diện Thành phố khẳng định.

Năm 2015 hoàn thành giãn dân phố cổ giai đoạn I

Dự kiến khung thời gian để thực hiện dự án sẽ chia làm nhiều giai đoạn, từ năm 2009-2011: Giai đoạn chuẩn bị đầu tư; Từ năm 2012-2015: Đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ, thực hiện dự án đầu đi.

Về đầu tư xây dựng từng khu nhà ở, bàn giao căn hộ giãn dân giai đoạn I sẽ chia làm 3 đợt, đợt 1 trong quý IV/2013; đợt 2 trong quý III/2014; đợt 3 trong quý III/2015.


Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn