PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay số lượng bệnh nhân vảy nến - những người đang phải chịu đựng một trong các “nỗi khốn khổ của con người” - chiếm khoảng 1,5-2% dân số, tức khoảng 2 triệu người Việt đang sống chung với căn bệnh này.
Còn trên thế giới, theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, căn bệnh này ảnh hưởng tới sức khỏe của khoảng 2-3% dân số (khoảng 125 triệu người mắc bệnh).
Theo PGS Doanh, Bệnh viện Da liễu Trung ương đang quản lý hơn 2.000 hồ sơ bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Hầu hết trường hợp vảy nến là thể nhẹ, một số trường hợp thể vừa và thể nặng cần được dùng các thuốc toàn thân trong điều trị.
Căn bệnh này không gây chết người nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh vảy nến thể thông thường, gồm vảy nến thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng. Vảy nến thể đặc biệt gồm thể đảo ngược, thể ở lòng bàn chân - bàn tay, thể đỏ da toàn thân vảy nến, thể mủ, vảy nến móng - khớp, viêm đầu chi liên tục, vảy nến niêm mạc.
Tuy nhiên, thường gặp nhất là vảy nến thể thông thường. Khi mắc bệnh nhân có biểu hiện đặc biệt và thường dễ chẩn đoán. Biểu hiện là các sẩn hoặc mảng sẩn màu đỏ tươi hoặc đậm, ranh giới rõ, trên có vảy da màu trắng bạc. Các vảy này bong ra dễ dàng thành từng lá vảy da màu trắng bạc. Khi cạo nhẹ, vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ.
Các sẩn hoặc đám thương tổn nhỏ tụ lại thành mảng lớn. Các thương tổn có thể có ở toàn thân nhưng có một số vị trí rất hay gặp là đầu, ngón tay, bàn tay- bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, ụ ngồi, mông và cẳng chân. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là thường đối xứng hai bên cơ thể, mặt ít khi bị tổn thương. Một số người bệnh chỉ bị tổn thương ở đầu hoặc bàn tay - bàn chân.
Bệnh ở da đầu có đặc điểm là nhiều vảy da bong, không gây rụng tóc nhưng hay ngứa và gây phiền phức cho người bệnh vì vảy da bong liên tục. Trái lại, các thương tổn vảy nến ở kẽ mông, sinh dục lại có ít vảy da do vùng da đó ẩm ướt. Móng tay, móng chân bị tổn thương với biểu hiện móng bị tách, móng sùi dễ gãy, có các vết rỗ trên móng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hường, khoa Điều trị Bệnh da phụ nữ và trẻ em cũng cho biết vảy nến là bệnh kéo dài dai dẳng, mạn tính. Căn nguyên bệnh chưa được kết luận rõ ràng, nhưng có ba yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh của bệnh gồm gen, miễn dịch và môi trường. Về yếu tố di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh, khoảng 8% con sẽ bị vảy nến, nếu cả bố và mẹ bị bệnh, tỷ lệ này lên tới 41%.
Ngoài ra, các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là sang chấn như gãi, chà sát mạnh. Các stress tâm lý, sử dụng thuốc corticosteroid, lithium, các thuốc chống sốt rét, interferon... có thể làm nặng bệnh. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên.
Bình luận