• Zalo

Cách viết mở bài, kết bài môn Văn lấy lòng giám khảo

Diễn đànThứ Hai, 31/05/2021 07:29:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Nhiều học sinh thường gặp khó khăn, lúng túng, mất nhiều thời gian để viết phần mở bài, kết bài cho câu hỏi nghị luận văn học trong đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT.

Câu nghị luận văn học của phần làm văn chiếm số điểm cao nhất trong đề thi môn Ngữ văn – 5 điểm. Tuy nhiên, nhiều học sinh thường gặp khó khăn, lúng túng, mất nhiều thời gian để viết phần mở bài, kết bài khiến việc làm bài thi chưa đảm bảo.

Phần ghi nhớ của sách Ngữ văn 12 (tập 2) cho biết, mở bài thông báo chính xác, ngắn gọn vấn đề nghị luận; hướng người đọc (người nghe) vào nội dung bàn luận một cách tự nhiên và gợi sự hứng thú với vấn đề được trình bày trong văn bản.

Còn kết bài là thông báo về sự kết thúc của việc trình bày vấn đề, nêu đánh giá khái quát của người viết về những khía cạnh nổi bật nhất của vấn đề; gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn.

Như thế, để viết được một mở bài và kết bài đúng, hay, lôi cuốn người đọc đòi hỏi người viết phải có kỹ năng nhất định. Một mở bài hay cần có các yếu tố: ngắn gọn, đầy đủ, độc đáo và tự nhiên. Còn kết bài hay không chỉ là khái quát vấn đề mà còn phải làm cho người đọc day dứt, trăn trở, hướng về vấn đề được nói đến.

Cách viết mở bài, kết bài môn Văn lấy lòng giám khảo - 1

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Học sinh trung bình viết thế nào?

Học sinh có lực học yếu, trung bình nên viết mở bài trực tiếp – nghĩa là đi thẳng vào vấn đề cần bàn luận bằng một luận điểm rõ ràng. Học sinh cần giới thiệu được tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và khái quát vấn đề cần nghị luận.

Ví dụ đề, cảm nhận, phân tích hình tượng “sóng” và “em” qua một đoạn thơ trong bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh.

Mở bài: Xuân Quỳnh thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. “Sóng” được sáng tác năm 1967 trong một chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là bài thơ xuất sắc về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Trên cơ sở khám phá sự tương đồng hòa hợp giữa em và sóng, đoạn thơ đã diễn tả khát vọng tình yêu mạnh mẽ, nồng nàn của thi sĩ (trích dẫn thơ thơ).

Kết bài: Qua hình tượng “sóng”, trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa “sóng” và “em”, bài thơ diễn tả trọn vẹn tâm hồn của người phụ nữ đang yêu: thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời ngưởi. “Sóng” góp thêm một tiếng nói, một cách diễn tả độc đáo đề tài muôn thuở của loài người - tình yêu. Với “Sóng”, Xuân Quỳnh đã khẳng định một phong cách, qua đó ta thấy được tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.

Mở bài, kết bài cho học sinh khá, giỏi

Học sinh khá, giỏi thường viết mở bài theo cách gián tiếp - dẫn dắt vào đề bằng cách nêu lên những ý có liên quan đến vấn đề cần nghị luận để gây sự chú ý cho người đọc sau đó mới bắt sang luận đề. Người viết xuất phát từ một ý kiến, một câu chuyện, một đoạn thơ, đoạn văn, một phát ngôn của nhân vật nổi tiếng nào đó…để dẫn dắt người đọc đến vấn đề sẽ bàn luận trong bài viết. 

Ví dụ viết mở bài, kết bài cho đề bài về một đoạn thơ trong bài thơ “Sóng” (Xuân Quỳnh).

Mở bài: “Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử.” (Shelly). Có những giá trị vững bền của cuộc sống được lưu giữ lại nhờ những vần thơ, có những nhịp ngân của tâm hồn được in dấu lại qua mỗi trang văn. Có lẽ thơ ca ra đời để làm bạn với con người, để đồng cảm, sẻ chia với con người trong mọi vui buồn của cuộc sống. Chính bởi vậy khi đứng trước cửa biển Diêm Điền (Thái Bình), trước muôn ngàn con sóng lớn của đại dương, Xuân Quỳnh đã thổn thức lòng mình và cất lên những vần thơ “Sóng” đầy xúc cảm.

Kết bài: Qua cấu trúc song hành giữa hai hình tượng “sóng” và “em”, đoạn thơ đã khắc họa thành công tâm trạng của người phụ nữ đang đắm chìm trong một tình yêu đằm thắm, tha thiết cùng khát vọng về sự thủy chung. Đồng thời, sắc điệu trữ tình của đoạn thơ đã góp phần thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Đặc biệt, ra đời trong bối cảnh tàn khốc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thi phẩm đã tô đậm hơn nữa khát vọng tình yêu mãnh liệt của nhà thơ. Từ đó, chúng ta có thể khẳng định: “Sóng không chỉ là bông hoa đẹp nhất của vườn “Hoa dọc chiến hào” mà còn là bài thơ đi cùng năm tháng.

Nhìn chung, muốn viết được phần mở bài, kết bài đúng và hay thì học sinh cần phải kiên trì luyện tập qua từng ngày. Đây cũng là cách “lấy lòng” giám khảo, để bài thi có thể đạt được điểm số khả quan hơn.

Phan Thế Hoài(Giáo viên)
Bình luận
vtcnews.vn