PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, khi có triệu chứng sưng, ngứa, bong vẩy, sẩn đỏ ở da thì có thể nghĩ tới bệnh da dị ứng.
Dị ứng da có vài dạng khác nhau do các nguyên nhân khác nhau. Các bác sĩ sẽ thăm khám để phát hiện đúng bệnh và có cách điều trị kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít người bệnh thấy bề mặt da có những biểu hiện khác thường nghĩ đến viêm da nhưng không biết cụ thể từng dạng đã tự ý điều trị khiến bệnh nặng hơn.
PGS.TS Lê Thị Minh Hương đưa ra một số dạng viêm da thường gặp để khi con trẻ hoặc người lớn mắc phải dễ dàng nhận ra và có cách điều trị đúng hướng.
- Mề đay: Là vùng da nông bị sưng, ngứa, đỏ có thể thay đổi về kích thước, xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Phát ban là do chất histamine – gây nhiều triệu chứng dị ứng trong lớp da trên. Khoảng 25% dân số từng có ít nhất 1 lần trong đời bị mề đay.
Phổ biến nhất là mề đay cấp và có thể xác định được nguyên nhân như do nhiễm virus, do dị ứng thuốc, do thức ăn hoặc nhựa cao su. Những ban này thường tự mất đi. Một số người bị mề đay mạn tính xuất hiện hầu như hàng ngày kéo dài hàng tháng cho tới hàng năm. Với những trường hợp này, yếu tố như gãi, nén áp lực lên da có thể làm tăng triệu chứng phát ban.
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng để làm giảm triệu chứng cho tới khi thủ phạm chính bị loại bỏ. Đối với bệnh nhân mề đay mạn tính, điều trị không thể kiểm soát được sự tái phát ban. Tuy nhiên có thể ban sẽ tự nó biến mất, dù có điều trị hay không. Khoảng 50% bệnh nhân sẽ khỏi trong vòng 3-12 tháng; 40% trong vòng 1-5 năm, 1,5% bệnh nhân mề đay mạn có thể kéo dài trên 20 năm.
Phù mạch: Tương tự như phát ban mề đay nhưng xảy ra ở lớp da sâu, đôi khi xuất hiện cùng với phát ban. Phù mạch không đỏ, không ngứa, thường xuất hiện ở các mô mềm như mi mắt, miệng hoặc bộ phận sinh dục. Ban và phù mạch có thể xuất hiện cùng nhau hoặc tách biệt trên cơ thể.
Phù mạch do phản ứng của các chất hóa học ở lớp da sâu hơn. Những chất này thường được dự trữ trong tế bào mast của cơ thể.
- Viêm da tiếp xúc: Khi một số chất tiếp xúc trực tiếp với da có thể gây ban, gọi là viêm da tiếp xúc. Phản ứng này có thể do phản ứng dị ứng hoặc không dị ứng.
Thường rất khó để phân biệt giữa hai loại phản ứng này. Tiêu chuẩn vàng của viêm da tiếp xúc dị ứng là chỉ xảy ra ở những nơi có tác nhân thủ phạm, ví dụ hóa chất tiếp xúc với da.
- Viêm da dị ứng/Eczema: Là phản ứng dị ứng, thướng xuất hiện ở các vị trí như mặt, khuỷu tay và đầu gối. Ban đỏ, ngứa, có vẩy thường thấy ở trẻ nhỏ, nhưng có thể xuất hiện ở giai đoạn muộn hơn ở các cá thể có tiền sử gia đình bị dị ứng. Eczema có thể có lúc rỉ nước, có lúc rất khô.
Bác sĩ chẩn đoán viêm da dị ứng dựa vào 3 yếu tố như ngứa, khô sần của chàm… Bệnh nhân thường có da rất khô và “quầng thâm dị ứng” chéo qua mi mắt dưới. Người viêm da dị ứng có thể nhạy cảm với nhiễm trùng da khác.
PGS.TS Lê Thị Minh Hương khuyến cáo, việc dự phòng và điều trị bệnh viêm da cơ địa còn gặp không ít khó khăn, bởi vì nguyên nhân của nó rất phức tạp.
Khi nghi ngờ bị viêm da cơ địa thì cần cho người bệnh đi khám chuyên khoa da liễu, nhất là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Luôn luôn giữ cho da sạch sẽ, bấm móng tay và đi găng tay để không bị trầy xước da gây nhiễm khuẩn khi gãi. Nên mặc các loại quần áo vải mỏng, mềm, không có khả năng gây dị ứng.
Hàng ngày nên tắm bằng nước ấm (không nên dùng nước quá nóng). Vệ sinh môi trường sống cũng là vấn đề cần quan tâm để hạn chế mắc bệnh viêm da dị ứng. Không nên nuôi động vật trong nhà, nhất là mèo, chó.
Việc điều trị cho người viêm da dị ứng nên theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tuyệt đối không tự mua thuốc để tự điều trị khi không có kiến thức chuyên môn về y học.
Bình luận