Tối 13/5, một nhóm trộm xe SH tấn công nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TP.HCM), khiến 2 người tử vong, 3 bị thương. Sau sự việc, có nhiều luồng ý kiến rằng có nên duy trì các nhóm "hiệp sĩ" như ở Bình Dương hay TP.HCM hay không?
Ở nhiều quốc gia trên ghế giới hiện nay không có các mô hình như ở Việt Nam. Thay vào đó, người dân được khuyến khích tham gia nhóm tình nguyện viên, hỗ trợ lực lượng cảnh sát.
Những 'hiệp sĩ' đường phố ở Singapore
Singapore là ví dụ điển hình khi cảnh sát hợp tác thành công với người dân trong việc giảm trừ tệ nạn đường phố. Nhóm Tình nguyện viên cảnh sát (VSC) được hình thành cách đây hơn 70 năm, nhằm ngăn chặn, phát hiện tội phạm và duy trì an ninh quốc gia.
VSC đóng vai trò quan trọng trong hệ thống lực lượng cảnh sát Singapore, được trao quyền bình đẳng khi thực thi pháp luật. Từ nhiều tầng lớp xã hội, thành viên VSC mặc đồng phục, làm nhiệm vụ tuần tra đường phố, thậm chí có thẻ rượt đuổi tàu cao tốc khi có dấu hiệu vi phạm.
“VSC phát triển mạnh mẽ và đóng góp đáng kể vào việc duy trì luật pháp và trật tự tại Singapore”, website của Lực lượng Cảnh sát Singapore nêu rõ.
Trong suốt những năm qua, VSC giành nhiều chiến công vang dội, trở thành những “hiệp sĩ” trong lòng người dân đảo quốc sư tử. Năm 1950, nhóm này đã cùng cảnh sát đàn áp nhiều cuộc bạo loạn. Năm 1955, một tên khủng bố đã lọt lưới VSC.
"Nhân viên của VSC có mục tiêu chung là hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát Singapore. Thành viên không chỉ được đào tạo chuyên nghiệp như sĩ quan cảnh sát, mà còn được trang bị những kỹ năng sống và kiến thức áp dụng trong công việc dân sự", Poh Lye Hin, Tổng tư lệnh VSC, khẳng định.
Khi làm nhiệm vụ, thành viên VSC được trang bị dùi cui, còng tay, bộ đàm và có quyền bắt giữ tội phạm. "Người dân rất phấn khởi, chào đón đội tuần tra. Chúng tôi hy vọng sẽ khuyến khích được thêm nhiều tình nguyện viên tham gia", phát ngôn viên của VSC bày tỏ.
Mỗi giờ làm việc, thành viên VSC nhận khoản trợ cấp khoảng 3,5 USD. Bên cạnh đó, nếu đủ điều kiện, họ có thể được khen thưởng và nhận các huân chương chứng nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc ứng xử thân thiện.
Tình nguyện viên đóng vai trò như 'tai mắt' của cảnh sát
Tại xứ Chùa Vàng, từ năm 1974, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan nhận thấy không thể “đơn phương độc mã” trấn áp tội phạm. Do vậy, họ bắt đầu chiêu mộ sự tham gia tích cực của người dân, thông qua các dự án như Kết nối sức trẻ, Tình nguyện làm cảnh sát…
Năm 1994, hơn 7.000 tình nguyện viên được đào tạo, làm việc tại 65 đồn cảnh sát ở khắp thành phố Bangkok. Bên cạnh đó, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan còn ban hành bộ quy định nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương trong các hoạt động của cảnh sát. Các tình nguyện viên được cung cấp đồng phục, thẻ định danh và mã số.
Họ có trách nhiệm hỗ trợ cảnh sát đảm bảo trật tự trị an, điều khiển phân luồng giao thông, báo cáo cho cảnh sát những trường hợp khẩn cấp, tội phạm trộm cướp và buôn bán ma túy. Nhóm tình nguyện này còn là cầu nối giữa cảnh sát và cộng đồng dân cư. Nguồn vốn hoạt động là từ chính quyền địa phương và khu vực tư nhân.
Tại Canada, cảnh sát đánh giá sự hợp tác của nhiều tình nguyện viên. "Họ đã tham gia tích cực giúp các chương trình phòng chống tội phạm thành công, cộng đồng sinh sống và làm việc an toàn hơn", website của Sở Cảnh sát Vancouver khẳng định.
Tại Vancouver (Canada), tình nguyện viên theo dõi tình hình an ninh và ngăn chặn tội phạm trong các khu dân cư. Bên cạnh đó, họ có thể tham gia các buổi tuần tra đường phố. Xe nghiệp vụ được trang bị radio, điện thoại và có thể lập tức báo cáo những hành vi đáng ngờ cho cảnh sát.
Tình nguyện viên nơi đây đóng vai trò như "tai mắt" của cảnh sát. Hơn nữa, lực lượng này có thể giám sát tốc độ của người tham gia giao thông thông qua thiết bị vô tuyến di động và biển hiệu điện tử.
Tại Mỹ, khoảng 78% tình nguyện viên được ủy quyền bắt giữ tội phạm. Đội ngũ này làm việc gần 10 giờ mỗi tuần. Họ tham gia tuần tra, phản ứng khẩn cấp cùng nhiều hoạt động thực thi pháp luật khác, thậm chí điều tra bí mật.
Bình luận