Các FTA giúp Việt Nam bù đắp thâm hụt thương mại

Kinh tếChủ Nhật, 18/10/2015 07:12:00 +07:00

Các FTA giúp Việt Nam bù đắp thâm hụt thương mại

Nếu không bù đắp được thâm hụt thương mại, sẽ tạo sức ép lớn đối với cán cân thanh toán...

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán với các đối tác hiện được dư luận, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm, trong đó đang “nóng” nhất là FTA giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định TPP..
Gần đây, Bộ Công Thương nhận được nhiều câu hỏi từ doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ… rằng, tại sao Việt Nam còn nhiều khó khăn, năng lực cạnh tranh còn thấp mà tích cực tham gia nhiều FTA như vậy, nhất là các FTA giữa Việt Nam –EU, hay TPP thì tiêu chuẩn của nó rất cao?

Giải thích lý do Việt Nam tham gia các hiệp định này, ông Khanh cho hay: Trong những năm gần đây, cán cân thương mại của Việt Nam nghiêng về khu vực Đông Á và thâm hụt thương mại với khu vực này đang ở mức cao. Chỉ tính riêng năm 2014, nhập siêu của Việt Nam với các nước Đông Á lên đến gần 60 tỷ USD, trong đó với Trung Quốc khoảng gần 30 tỷ USD, và thực tế có thể còn cao hơn; còn với Hàn Quốc là 20 tỷ USD; với Đài Loan là 8,8 tỷ USD và với khu vực ASEAN là 3,9 tỷ USD.

Chính vì thế, việc Việt Nam cần có nhiều mối quan hệ thương mại với các đối tác khác nhau để góp phần bù đắp thâm hụt thương mại. Vì “nếu không bù đắp được thâm hụt này, sẽ tạo sức ép lớn đối với cán cân thanh toán và chắc chắn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ rất đau đầu tìm nguồn vốn để bù đắp lại và giữ giá trị của đồng tiền Việt Nam”- ông Khanh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với hai thị trường Hoa Kỳ và EU thể hiện được những kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam bù đắp thâm hụt ở khu vực khác và cân bằng cán cân thương mại. Số liệu thực tế xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Hoa Kỳ những năm gần đây có sự tăng nhanh, thậm chí Việt Nam đã có thặng dư thương mại khá lớn với hai thị trường này.

Chẳng hạn, trong năm 2014, tổng thặng dư thương mại Việt Nam với EU và Hoa Kỳ là 41,3 tỷ USD, trong đó thặng dư với Hoa kỳ là 22,3 tỷ USD và với EU là 19 tỷ USD.

Nếu Việt Nam ký được FTA với Hoa Kỳ và EU thì các loại thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ về mức 0%, và điều này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này. Hiện tại, Hoa Kỳ đang áp dụng mức thuế trung bình từ 5-20% đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt với hàng dệt may là trung bình từ 17-25%. Rõ ràng, có FTA giữa Việt Nam – Hoa kỳ đã giúp thương mại của Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh đó, với thị trường EU, hàng Việt xuất sang EU có mức thuế xuất khẩu được giảm xuống 0% sau 7 năm ký kết hiệp định FTA. Riêng về FTA giữa Việt Nam với Liên minh EU, dự kiến khoảng cuối năm nay, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ sang thăm EU, trong chuyến thăm có thể FTA này sẽ được ký kết. Việt Nam hy vọng khi có Hiệp định này thực hiện cụ thể thì xuất khẩu của nước ta sang EU sẽ tăng mạnh.

Đối với Hiệp định TPP vừa được đàm phán thành công, ông Khanh cho biết thêm: Chậm nhất tuần sau, Hoa Kỳ sẽ công bố toàn bộ các văn bản liên quan đến TPP, khi đó Việt Nam cũng sẽ công bố để công chúng tham khảo và nghiên cứu. Tiếp đó, sau 3 tháng sau đó, các nước TPP có thể sẽ ký kết chính thức Hiệp định. Tùy quy trình thủ tục của mỗi nước mà TPP sẽ được phê chuẩn.

Nhưng kỳ vọng rằng, nếu Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định TPP, rất có khả năng Hiệp định này sẽ được chính thức ký kết vào đầu năm 2016.

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn