Theo TS.BS Phan Thanh Thủy, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, hội chứng ngưng thở khi ngủ được phân loại thành 3 nhóm: ngưng thở tắc nghẽn, ngưng thở trung ương và ngưng thở hỗn hợp.
Trong đó, hội chứng ngưng thở tắc nghẽn chiếm tỷ lệ chủ yếu, thường gặp ở nam giới, hút thuốc lá, thể trạng thừa cân, béo phì, cổ ngắn, hàm nhỏ, hoặc tiền sử gia đình có người ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ.
Các dấu hiệu gợi ý để nhận biết mắc ngưng thở gồm: Ngáy ngủ, ai đó phàn nàn về buồn ngủ ban ngày, mệt mỏi vào buổi sáng hoặc thậm chí mất ngủ. Người thức dậy trong đêm bởi các cơn ngưng thở, thở hổn hển hoặc cảm giác ngạt thở. Người ngủ cùng hoặc những người khác có thể ghi nhận người đó khi ngủ có ngáy thường xuyên, ngưng thở hoặc cả hai.
Người được chẩn đoán tăng huyết áp, rối loạn tâm trạng, rối loạn nhận thức, bệnh mạch vành, tai biến mạch não, suy tim sung huyết, rung nhĩ hoặc tiểu đường type 2 là nhóm cần tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu có ít nhất một trong ba triệu chứng ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày quá mức hoặc cơn ngưng thở được chứng kiến.
Để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa và được đo đa ký hô hấp hoặc đa ký giấc ngủ để chẩn đoán.
Theo bác sĩ, ngưng thở khi ngủ là bệnh lý gây ra nhiều hậu quả và biến chứng, thậm chí các bệnh lý nguy hiểm. Đầu tiên, do các phân mảnh giấc ngủ, người bệnh thường có biểu hiện buồn ngủ ban ngày quá mức dẫn đến gia tăng các tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Nghiêm trọng hơn, tình trạng giảm chất lượng giấc ngủ do bệnh này cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Người bệnh có thể gặp tình trạng mệt mỏi, khó tập trung, lo âu, trầm cảm. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc của người bệnh, dễ trở nên cáu gắt và dễ bị kích động trong các tình huống không mong muốn. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến quan hệ xã hội và gia đình của người bệnh.
Hội chứng này còn có thể dẫn đến các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý thần kinh như Alzheimer. Đặc biệt, ngưng thở khi ngủ cũng có thể dẫn đến tình trạng tăng nguy cơ bệnh tim mạch như tăng huyết áp kháng trị, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Ngưng thở khi ngủ có thể gặp ở 35% các bệnh nhân tăng huyết áp, 50% ở những bệnh nhân có rung nhĩ, 50% bệnh nhân suy tim và lên tới 80% ở những bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị. Một phân tích tổng hợp trên các bệnh nhân đột quỵ ở châu Á cho thấy có đến 74% bệnh nhân đột quỵ có ngưng thở khi ngủ.
Một trong các biến chứng nguy hiểm nhất của hội chứng ngưng thở khi ngủ là đột tử trong đêm do độ bão hòa oxy máu giảm thấp và rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim cấp.
Tùy vào triệu chứng của người bệnh và mức độ nặng của ngưng thở khi ngủ mà bác sĩ quyết định lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp.
Các biện pháp chính để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm giảm cân, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục duy trì cân nặng lý tưởng với những trường hợp thừa cân, béo phì, điều trị bằng phẫu thuật với những trường hợp có bất thường đường hô hấp trên như: amydal quá phát, hàm nhỏ, tụt sau.
Người bệnh cũng có thể được chỉ định đeo dụng cụ đẩy hàm dưới ra trước, thở máy thông khí áp lực dương, kích thích dây thần kinh XII.
Bình luận