Đây là thông tin tại Hội thảo quốc tế Phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối, tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa trên cả nước còn khiêm tốn.
Đến nay cả nước có 83 chợ đầu mối. Đa số chợ vẫn áp dụng phương pháp giao dịch truyền thống là chủ yếu, mua bán qua hợp đồng rất ít.
Theo ông Hội, việc phát triển và quản lý chợ nói chung và chợ đầu mối nói riêng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất của đại đa số các chợ còn yếu kém, lạc hậu, việc chuyển mô hình quản lý chợ còn chậm; hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ rất khó khăn. Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của hàng hóa, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường chợ, các dịch vụ cung cấp tại chợ còn rất hạn chế. Hàng hóa bán tại chợ cũng không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu các thương mại gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.
Ông Đào Hà Chung, Chủ tịch Hội công nghệ cao TPHCM cũng cho rằng, việc quản lý tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng từ, nguồn gốc hàng hóa tại các chợ đầu mối hiện nay rất khó thực hiện dù lượng hàng hóa lưu thông mỗi ngày tại đây rất lớn.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, việc xây dựng và quản lý chợ đầu mối cần gắn với giám sát và thực thi tiêu chuẩn để đưa hàng hóa ra thị trường thông qua các chợ đầu mối một cách chặt chẽ, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Video: Mục sở thị chợ đầu mối trên núi với nhiều loại cá đặc sản
Bình luận