Ở Hà Nội và nhiều địa phương khác, cứ nhắc đến ăn sáng là nghĩ đến phở đầu tiên. Hầu như quán phở nào tại Hà Nội cũng đông khách vào sáng sớm. Còn nhớ, sau khoảng thời gian cách ly xã hội vì COVID-19, người ta đã đổ xô ăn phở cho thỏa thích.
Phở hấp dẫn là thế, nhưng gần đây, khi “cơn bão giá” ập đến, phở bỗng bị nhiều người "tẩy chay". Để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt, nhiều gia đình đã tìm mọi cách để tiết kiệm, trong đó đó việc ngừng ăn phở.
Chị Thu Lan (Đống Đa, Hà Nội) nói: “Khéo phải 2 tháng nay rồi tôi không ăn phở, tiền đâu mà ăn!”. Chị Lan cho biết, chi phí để ăn phở sáng đối với gia đình chị là tương đối tốn kém và nếu duy trì thói quen này thường xuyên thì có mà "sạt nghiệp".
“Phở ngày càng đắt do mọi nguyên liệu đều tăng giá. Bây giờ một bát phở bình dân cũng đã là 40.000 đồng, rất ít nơi bán 30.000 - 35.000 đồng như trước. Còn nếu muốn ăn một bát phở ngon, nhiều thịt thì đắt hơn nữa, thậm chí có nơi bán gần 100.000 một bát phở. Với mức giá trung bình là 40.000 đồng/bát, nếu ăn phở đủ 30 buổi sáng thì một tháng hết 1,2 triệu đồng. Nghĩa là tiền ăn phở của 2 vợ chồng một tháng hết 2,4 triệu đồng. Còn nếu ăn ít bữa hơn thì cũng tốn một khoản tiền, đấy là chưa kể con cái cũng ăn cùng. Tốn kém là đây chứ đâu”, chị Lan nhẩm tính.
Từ nhiều tháng nay, chị Thanh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã duy trì thói quen dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho cả nhà và tuần chỉ một lần cải thiện, dắt nhau đi ăn phở - món ăn ai cũng ưa thích nhưng cũng gây tốn kém.
“Trước kia, nhà tôi ăn phở rất thường xuyên. Nhiều khi lười nấu cơm, cả nhà lại kéo nhau đi ăn phở. Nhưng giờ đây “bão giá” khiến phở đắt quá. Nhiều tháng nay, khi cân đối lại chi tiêu trong gia đình giữa thời buổi đắt đỏ, tôi nhận ra rằng tiền ăn phở cũng là một trong những khoản tương đối tốn kém nên đã tạm dừng thói quen này. Khi nào phở rẻ như xưa, mọi thứ xuống giá khiến cuộc sống dễ thở hơn thì chúng tôi lại ăn phở thường xuyên hơn”, chị Vân nói.
Theo như chị Vân tính toán, với giá 40.000 đồng/bát phở bình dân, nếu thêm tiền quẩy, trà đá, trứng trần nữa thì riêng vợ chồng chị mỗi tháng chi hết khoảng 3 triệu đồng cho khoản này. “Hai bát phở, thêm quẩy 2 người ăn nữa là tròn 100.000 đồng. Nếu gọi thêm trà đá thì tốn thêm 6.000 đồng nữa. Mỗi tháng đi tong hơn 3 triệu đồng. Trong lúc khó khăn thì phải tiết kiệm thôi”.
Việc duy trì nấu đồ ăn sáng tại nhà thay vì ra quán ăn phở giúp chị Vũ Thương (Đống Đa, Hà Nội) tiết kiệm thêm được hàng triệu đồng mỗi tháng.
“So với ăn phở hàng sáng thì thì việc nấu ăn ở nhà chỉ tốn khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Không những thế, còn tận dụng thêm được những đồ ăn có sẵn. Ví dụ như là còn cơm nguội thì thêm quả trứng, làm món cơm rang” chị Thương vui vẻ nói.
Theo khảo sát, nhiều chủ quán bún, phở cho biết lượng khách của họ giảm khoảng từ 10 - 30 phần trăm so với trước khi có dịch. Đặc biệt, lượng khách ăn thường xuyên không còn nhiều như trước.
“Nguyên nhân chính là vì mọi thứ ngày càng đắt đỏ, trong đó có phở khiến họ phải tiết kiệm chi tiêu giữa lúc hàng hóa thứ gì cũng lên giá thế này”, anh Minh Thuận, chủ một quán phở nằm trên phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) lý giải.
Bình luận