"Tâm thức biển" trong lòng người Việt là nội dung luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 36-NQ/TW) khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Trong đó, vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí truyền thông là không ngừng tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin hỗ trợ các bên liên quan ở cấp quốc gia, tỉnh, khu vực và trên thế giới về tiềm năng, cơ hội phát triển kinh tế biển của đất nước, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xây dựng quốc gia thịnh vượng.
Sóng Việt phỏng vấn ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chương trình Chính luận nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương”.
Câu chuyện bắt đầu từ “Tâm thức biển trong lòng người Việt”
- Thưa ông, biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành chủ quyền quốc gia, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Tâm thức biển” trong mỗi người con đất Việt, có thể cảm nhận như thế nào, thưa ông?
Tôi xin bắt đầu với truyền thuyết Mẹ Âu Cơ có 100 người con, 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển. Truyền thuyết ấy nằm trong tâm thức mỗi người Việt, chừng mực nào đó cho thấy người Việt gắn bó lâu đời với biển. Cũng có những truyền thuyết khác như truyện Sơn Tinh Thủy Tinh; hay Chử Đồng Tử buôn bán ngoài biển khơi.
Nước ta có những nền văn hóa biển nổi tiếng thời tiền sử - sơ sử như: Văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Hạ Long, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Óc Eo... Qua nhiều bằng chứng lịch sử, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đã được khẳng định.
Dân tộc ta, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, chưa bao giờ “quay lưng với biển”. Và Biển là một phần máu thịt quan trọng để làm nên “Đất - Nước Việt Nam”.
Người xưa có câu “Nhất kinh kỳ, nhì Phố Hiến”. Từ thế kỷ 17, tàu buôn và những thương nhân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Hà Lan đã đến nước ta giao thương và triều đình thời đó cho lập cảng Phố Hiến (Hưng Yên) vừa để buôn bán với họ vừa không để họ vào quá sâu tới tận đất kinh kỳ.
Cũng từ thế kỷ 17, ở “Đàng trong”, Hội An là thương cảng sầm uất. Nhiều nước phương Tây, Bắc Á đã mở đại lý thương mại tại đây. Tuyến tàu buôn Nagasaki - Hội An là tuyến thương mại nhộn nhịp thời bấy giờ…
Hướng ra biển lớn, thời nhà Nguyễn có hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Hàng năm, những hải binh hiện diện giữa muôn trùng khơi, thu thập sản vật, để khẳng định chủ quyền. Nói câu chuyện này để thấy kinh tế biển nước ta đã manh nha hình thành từ rất lâu rồi; rằng từ xa xưa, cha ông ta đã hướng ra biển. Và giờ đây, chúng ta đang tiếp bước cha ông nỗ lực vươn ra biển lớn.
Kế thừa và phát triển ý thức chủ quyền biển, đảo của cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về biển, đảo.
- Tiếp dòng “tâm thức biển”, ông có suy nghĩ gì về vai trò của biển đối với sự phát triển của đất nước?
Việt Nam là quốc gia ven biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, đặc biệt có đường bờ biển dài khoảng 3.260km, khoảng hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ; trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược rất quan trọng; các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 (trải dài trên 28 tỉnh, thành phố ven biển).
Kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đã và đang đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. “Tâm thức biển”, tinh thần biển vẫn đang được thế hệ hôm nay tiếp nối với những cách tiếp cận mới, sáng tạo, hiện đại và đột phá nhằm tạo ra những động lực mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Có thực tế là các quốc gia ven biển phát triển sớm hơn và mạnh hơn nhiều quốc gia nằm sâu trong lục địa. Và trong mỗi quốc gia, vùng duyên hải cũng là nơi phát triển hơn các địa phương miền núi. Khuynh hướng ấy, các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chiến lược đã lý giải là dựa trên lợi thế so sánh về mặt địa lý, xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà đa số các trung tâm tài chính, ngân hàng trên thế giới chủ yếu là các thành phố duyên hải như: London, Amsterdam, New York, Singapore, Hong Kong, Thượng Hải. Các trung tâm ấy khởi phát từ các cảng biển, dịch vụ hàng hải, logistic, kéo theo dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm rồi dần trở thành các trung tâm tài chính lớn có tầm ảnh hưởng khu vực, rồi toàn cầu.
Gần đây, người ta cũng nói nhiều câu chuyện về Việt Nam, môt thị trường cả trăm triệu dân, một nước xuất khẩu mạnh với lượng hàng hóa thông quan rất lớn. Nhưng chúng ta chưa có một cảng hay cụm cảng trung chuyển tầm khu vực và thế giới.
Rồi Biển Đông là nơi có tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ 2 thế giới. Nước ta nằm trên tuyến hàng hải Trung Đông, Nam Á đi Đông Bắc Á, nhưng chúng ta chưa tận dụng được lợi thế so sánh về mặt địa lý, địa hình tự nhiên có cảng nước sâu để phát triển một cụm cảng trung chuyển, trở thành một mắt xích quan trọng trong dịch vụ logistics toàn cầu.
Nhưng cũng đang có những thông tin khá tích cực về cảng Cần Giờ và một số cảng trong cụm cảng Bà Rịa Vũng Tàu - TP.HCM có triển vọng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn. Phải chăng, đó có thể là một điều kiện tốt để TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực.
Bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển
- Chiến lược phát triển kinh tế biển được thể hiện trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước như thế nào, thưa ông?
Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X thông qua đã nhấn mạnh: “Thế kỷ XXI được thế giới xem là “thế kỷ của đại dương”.
Các quốc gia có biển đều quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Khu vực Biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất quan trọng... với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, ngày nay biển càng có vai trò to lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước”.
Nghị quyết xác định 03 mục tiêu tổng quát là: Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra 05 quan điểm, 03 khâu đột phá và 07 nhóm giải pháp nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Cụ thể, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.
Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 36-NQ/TW là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, khẳng định vị thế là một quốc gia Biển.
Nghị quyết 36-NQ/TW cũng chỉ rõ việc chú trọng nghiên cứu xây dựng các chính sách nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển; về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, bảo vệ biển, đảo. Sự kết hợp đó được thể hiện trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của quốc gia cũng như từng vùng, từng địa bàn, từng ngành.
Hiện nay, quá trình phát triển kinh tế biển được kết hợp với tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội biển, đảo và nâng cao đời sống nhân dân đi đôi với củng cố trang bị, cầu cảng, công trình phòng thủ, bố trí dân cư; giữ gìn và phát huy bẳn sắc văn hóa độc đáo của cư dân ven biển, rồi phát triển du lịch...
- Vai trò của báo chí, truyền thông trong triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, thưa ông?
Như chúng ta đã biết, báo chí Cách mạng có sứ mệnh quan trọng, thể hiện rõ ở vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và thực hiện hiệu quả các giải pháp để bảo vệ biển, đảo; trong đó có giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đặc biệt, tuyên truyền thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác liên quan đến cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử của Việt Nam trên vùng biển đến người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, và người dân trên toàn thế giới.
Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030” nhằm đổi mới tư duy về tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đối với phát triển kinh tế biển xanh.
Mục tiêu của Chương trình là thông tin, kiến thức về biển và đại dương được truyền tải thường xuyên, liên tục, chính xác và hấp dẫn đến từng nhóm đối tượng; nhận diện và bác bỏ thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc về biển và đại dương...
Quyết định này đã cho thấy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW “về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Chương trình truyền thông về biển và đại dương có nội hàm, mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững 06 ngành kinh tế biển được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, đó là: Du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Quyết định số 729/QĐ-TTg nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin hỗ trợ các bên liên quan ở cấp quốc gia, tỉnh và khu vực về cơ hội phát triển kinh tế biển bền vững; ngăn ngừa xung đột giữa các ngành, lĩnh vực và dung hòa, bảo tồn, phát huy vốn biển tự nhiên gắn với phát triển kinh tế; xác định rõ vai trò chiến lược quy hoạch không gian biển trong thu hút các dự án đầu tư.
- Đài Tiếng nói Việt Nam đã triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” và các chỉ đạo về tuyên truyền phát triển biển, đảo và đại dương như thế nào, thưa ông?
Với vai trò là cơ quan truyền thông chính trị chủ lực, đa phương tiện thuộc Chính phủ, Đài TNVN luôn xác định tuyên truyền là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ này, để khẳng định vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận của một cơ quan báo chí lớn.
Đài TNVN với chặng đường 78 năm đồng hành cùng dân tộc đã chứng minh cho những hiệu quả to lớn của vai trò truyền thông mà Đài thực hiện qua từng giai đoạn lịch sử; trong đó có nội dung quan trọng về tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế biển.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, Đài TNVN là cơ quan truyền thông có đầy đủ 4 loại hình báo chí (phát thanh, truyền hình, báo điện điện tử, báo in) với 08 kênh phát thanh, 16 kênh truyền hình, 02 báo điện tử (VOV.VN và VTC News), báo in Tiếng nói Việt Nam, Ấn phẩm Sóng Việt và nhiều ứng dụng nội dung số (VOV Media, VOV Live, VTC Now), có lượng công chúng thuộc diện lớn nhất Việt Nam nên sức lan tỏa chính sách rất rộng lớn.
Có thể thấy, những nội dung tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh tế biển được các phương tiện truyền thông của Đài chuyển tải hàng ngày, từ những tin tức cho đến những phóng sự phân tích, dự báo chuyên sâu; hay tuyên truyền pháp luật về biển, đảo và hoạt động kinh tế của các lực lượng trên biển cũng là một phần rất quan trọng trong truyền thông của Đài TNVN. Những nội dung này được cập nhật, phát sóng/đăng tải liên tục trên các kênh khát thanh, truyền hình, các điện tử, báo in và trên các nền tảng nội dung số của Đài TNVN.
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi các mục tiêu do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ được giao, việc mở rộng và tăng cường diện phủ sóng phát thanh của Đài TNVN là yêu cầu quan trọng.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, ngày 16/6/2023, tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, Đài TNVN chính thức khánh thành Đài Phát sóng Nam Trung bộ. Kế từ nay, chất lượng phủ sóng phát thanh Tiếng nói Việt Nam tại khu vực các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, khu vực quần đảo Trường Sa được nâng cao, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia nói chung, chủ quyền thông tin nói riêng trên Biển Đông.
Đài Phát sóng Nam Trung bộ được đưa vào sử dụng giúp bà con ngư dân, cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và khu vực vùng biển Đông Nam của Tổ quốc nghe rõ hơn, chất lượng âm thanh cao hơn và gần gũi hơn “Tiếng nói” của Đảng, của Nhà nước, cùng những thông tin thiết thực nhất phục vụ cho cuộc sống, lao động và công tác hàng ngày.
Nhiều chương trình phát thanh của Đài TNVN phát sóng trên biển phục vụ đắc lực cho các lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền, lực lượng chấp pháp khẳng định chủ quyền, các hoạt động hàng hải, khai thác dầu khí và khai thác thủy sản. Những người đi biển khi nghe “Tiếng nói Việt Nam” cảm thấy tự tin hơn vì cảm nhận được trực tiếp những hậu thuẫn từ đất liền.
Nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các vùng biển, đảo nửa nhiệm kỳ vừa qua; 05 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Đài TNVN và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng phối hợp tổ chức Chương trình Chính luận nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương”.
Chương trình nhằm hun đúc tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy tiềm năng đa dạng của biển, đảo Việt Nam; khẳng định “Việt Nam là quốc gia biển” với khát vọng muôn đời chinh phục biển, thịnh vượng từ biển và giữ gìn hòa bình trên biển; phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng “tăng trưởng xanh”, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời phấn đấu đến năm 2030 thực hiện được mục tiêu như Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra là “các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước”.
Đây là nỗ lực rất lớn của Đài TNVN góp phần thực hiện thành công chiến lược biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Những nỗ lực ấy nhằm bừng lên “tâm thức biển”, tình yêu nước, tình yêu biển cả, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh trong lòng mỗi người Việt Nam chúng ta.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền kết quả 05 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ngày 12/8/2023, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng phối hợp tổ chức Chương trình Chính luận nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương”.
Chương trình góp phần nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ...; đồng thời cụ thể hóa hướng dẫn của các ban, bộ, ngành và các địa phương về công tác tuyên truyền biển, đảo.
Chương trình góp phần giúp cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, các đơn vị, tập thể, cá nhân đã và đang công tác, hoạt động trên các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo thấy rõ hơn “tiềm năng và lợi thế của Đất nước - Quốc gia có biển”; từ đó bồi đắp thêm lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bình luận