Từ rửa xe, đánh giày, gửi xe hay ăn uống,… tất cả đều đồng loạt tăng giá trong những ngày cuối năm.
Trong khi công nhân viên chức nhà nước đã chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết từ 1- 2 ngày nay thì những người lao động tự do, làm các dịch vụ phục vụ thiết thực cho nhu cầu tăng gấp nhiều lần trong những ngày này của người dân vẫn đang hoạt động “hết công suất”. Và đó cũng chính là lý do để họ “hét giá” dịch vụ của mình cao hơn nhiều lần so với thường ngày.
Điểm qua một loạt các dịch vụ “sốt” vào ngày Tết như rửa xe, trông xe, đánh giày, cho tới ăn uống hay đi lại… tất cả đều tốn kém của người tiêu dùng một khoản tiền cao hơn nhiều.
Nói đơn giản nhất, nếu thường ngày, vé xe khách từ Hà Nội về Nam Định là 70.000 đồng thì từ vài ngày nay, với số lượng người dân các tỉnh đổ xô về quê ăn Tết, đồng nghĩa với việc phục vụ sẽ kém chu đáo hơn thường ngày, thì để có được 1 tấm vé, khách hàng vẫn phải trả từ 120- 140.000 đồng.
Một bát phở tại một quán bình dân trong những ngày này có giá 40-50.000 đồng.
Nhắc tới các mặt hàng ăn uống, càng sát Tết, giá cả càng tăng cao có lẽ đã không còn quá xa lạ đối với các bà nội trợ. Giá các món ăn đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền như gà, giò hay thịt lợn đều tăng gấp đôi, hay ít ra là gấp rưỡi.
Đó chính là lý do mà nhiều người chọn cách mua từ trước và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Các loại hoa quả thường phải có như chuối, đu đủ, bưởi… cũng không nằm ngoại lệ. Phở- món ăn sáng quen thuộc của Hà Nội cũng tăng thêm 10- 15.000 đồng/ bát.
Những ngày này, hoa cũng là một mặt hàng mà dù đắt tới mấy, người dân vẫn chấp nhận “cắn răng” mua về. Đắt nhất vẫn là hoa ly với giá 650K/5 cành cho đến 850K/25 cành.
Hoa tulip có giá 150K/chậu, hoa phăng 80K/bó, hoa lan có giá vào khoảng 70-90K tùy loại…. Ổn định hơn vẫn là những loài hoa quen thuộc như hoa hồng 180K/30 bông, hoa cúc vàng 20K/bó, hoa đồng tiền 70K/20 bông.
Với mong muốn có xe đẹp, sạch sẽ để đi trong năm mới, người dân chấp nhận trả 35-50.000 đồng để rửa một chiếc xe máy, trong khi ngày thường thì cũng với dịch vụ ấy, người ta chỉ cần bỏ ra 15- 20.000 mà thôi.
Đi kèm với dịch vụ rửa xe, thường là đánh giày. Một đôi giày thường ngày đánh mất 10.000 đồng, thì từ vài ngày nay đã tăng lên 20- 30.000 đồng.
Rửa xe tăng giá, trông xe cũng tăng giá theo. Ở các con phố lớn tại trung tâm Thủ đô, giá trông một chiếc xe máy là 30.000 đồng tính tới thời điểm này. Tuy nhiên, trong đêm giao thừa thì giá có thể còn cao hơn nữa.
Tuy nhiên, dù như vậy thì người dân vẫn tỏ ra rất vui vẻ, xởi lởi bởi cả năm mới có một lần Tết. Hơn nữa với tâm lý mình được nghỉ ở nhà, còn người ta vẫn phải đi làm thì dù chi phí có tăng lên đôi chút, số lượng khách hàng vẫn không bị giảm đi.
Theo kênh 14
Bình luận