Chương trình hài Táo Quân hồi Tết rồi có mô tả mấy sự kiện “đổ xô” trong năm cũ. Đó là cảnh cha mẹ phụ huynh đạp đổ cả cổng để tràn vào xin bằng được cái đơn nhập học cho con ở trường thực nghiệm, cảnh đổ xô đi mua – bán vàng vì có tin độc quyền, đổ xô đi mua vé tàu về quê dịp Tết….
Thực ra là không đủ.
Có lẽ nỗi ám ảnh bao cấp còn vương đậm tới bây giờ nên vẫn còn tâm lý là khi xếp hàng sợ không đến luợt mình, sợ không có được thứ đang chờ dù biết chắc rằng còn nhiều và còn đủ để chia.
Thế mới biết, có những thứ chưa bao giờ được gọi là đủ như tài, lộc, quan chức thì độ “khao khát” còn đến mức nào.
Cứ nhìn cảnh vật vã, chen lấn, xô đẩy để “cướp” được cái ấn đền Trần mới thấy nhu cầu được thăng quan tiến chức, nhu cầu được “đạp” lên đầu người khác của dân ta lớn đến mức nào?
Khốn khổ cảnh xin ấn đền Trần |
Thực tế thì câu chuyện chen nhau, xô đẩy để lấy ấn ở đền Trần khó có thể coi là một nét văn hóa nhất là khi người ta chuyển từ việc phát “miễn phí” sang thu phí, nghĩa là có yếu tố kinh doanh, có yếu tố “chợ” ở đây rồi.
Suy cho cùng, cuộc vật lộn tranh cướp ấn đền Trần là minh chứng sinh động cho cuộc vật lộn tranh cướp âm thầm nhưng quyết liệt không kém diễn ra… quanh năm. Đó là chuyện chạy chức, cướp ghế.
Cũng không biết là việc chạy và mất 50 ngàn cho một tờ giấy in lưới được gọi là “ấn” mệt hay việc chạy để có một “suất” công chức đâu là thật, đâu là ảo.
Phụ huynh thì lo chạy cho tương lai của con, người có tiền lo chạy giữ tiền, người có chức lẫn chưa có chức chạy để mong có được lá ấn may mắn, lớp trẻ thì chạy theo cái gọi là cuồng K-pop…
Tất cả những điều trên có thể là một gợi ý cho tinh thần thể thao của dân tộc Việt, cho bóng đá Việt.
Nếungười Anh nổi tiếng với món “chạy và sút” (Kick and rush) thì có lẽ bóng đá Việt nên là lối chơi “chạy và cướp”. Biết đâu nói lại là lối chơi mang lại thương hiệu cho bóng đá Việt.
Câu chuyện chen lấn sân cỏ, lại khiến nhiều người yêu bóng đá nhớ lại một thời xưa cũ của bóng đá Việt: chen nhau mua cho bằng được tấm vé vào sân, những cuộc đấu đầy tự trọng giữa Công an Hà Nội – Thể Công chật kín khán giả, xe đạp gửi rợp một góc Hà Nội. Nó còn là câu chuyện riêng của một nhân vật trong bộ phim “Phút 89” với tiếng loa “Anh Trần Văn Say về ngay vợ đẻ”.
Cái gọi là chen lấn, xô đẩy từng là câu chuyện của những tấm vé khi ĐT Việt Nam đá AFF Cup, Sea Games, ĐT Việt Nam đá với U.23 Brazil...
Rõ ràng không phải sự tranh giành nào cũng bộc lộ sự thiếu tích cực.
Ông Tanabe – chuyên gia người Nhật khi sang Việt Nam và được hỏi là mục tiêu cao nhất của ông là gì, chỉ nói rất đơn giản: “Tôi sẽ cố gắng để khán giả đến sân nhiều hơn”.
Nói thì đúng là đơn giản nhưng để làm lại là chuyện không dễ bởi nó phải biến bóng đá nội thành một thứ nhu cầu thật sự của người hâm mộ chứ không phải là những phát biểu suông.
Nhân chuyện phát ấn đền Trần lại mong bóng đá có một cơn khát bằng một cơn khát danh lợi của dân mình thay vì mỗi trận bóng đá là nỗi ám ảnh của...Chùa Bà Đanh.
Song An (Thể thao 24h)
Bình luận