• Zalo

Bóng đá trẻ Việt Nam: Mạnh ai nấy làm

Bóng đá Việt NamThứ Bảy, 09/05/2020 06:38:59 +07:00Google News

Bóng đá Việt Nam từ lâu đã quen với cảnh “ăn xổi”, “xây nhà từ nóc” với mô hình chuyên nghiệp kiểu... hình tháp ngược.

1. Không phải chỉ sau sự ra đi của GĐKT Jurgen Gede, người ta mới nói nhiều đến vấn đề đào tạo trẻ. Trên thực tế, nhiều người làm chuyên môn lẫn các CĐV từ lâu đã tự hỏi về công việc thực sự của ông thầy người Đức. Với mức lương không nhỏ với mặt bằng xã hội (theo thông tin không chính thức vào khoảng 8.000 USD/tháng), vai trò chuyên môn của ông Gede là khá mơ hồ trong 4 năm qua, nếu "đối chiếu" với những gì mà một vị GĐKT Liên đoàn quốc gia thực sự phải làm.

Dù trước đó "cặp bài trùng" Gede - Hoàng Anh Tuấn đã đưa U19 Việt Nam làm nên kỳ tích với tấm vé dự VCK FIFA U20 World Cup 2017, thì bóng đá nước chỉ thực sự “hồi xuân” khi HLV Park Hang Seo có mặt. Và những công trạng liên quan tới đội tuyển U23 lẫn ĐTQG cùng ông Park thì nhiều phía liên quan cũng mới được chú ý hơn, trong đó vai trò của vị GĐKT VFF là giới thiệu được 1 số gương mặt trẻ lên tuyển, điển hình như Phan Văn Đức.

Bóng đá trẻ Việt Nam: Mạnh ai nấy làm - 1

CLB TP.HCM đầu tư rất mạnh tay trong mùa này, nhưng cũng chỉ là để săn danh hiệu, chứ không phải cho bóng đá trẻ.

Dông dài về GĐKT Gede để nhìn lại tổng thể cơ bản, bóng đá trẻ Việt Nam không có nhiều đất diễn cho vai trò của GĐKT lẫn cầu thủ trẻ có thể vươn mình. Sau sự xuất hiện của HLV Philippe Troussier, nhiều người làm chuyên môn có lẽ mới té ngửa về tầm quan trọng của người định hướng cho tương lai nền bóng đá.

Với HLV Troussier, “phù thủy trắng” đã phân tích từng tiểu tiết mà bóng đá Việt Nam còn thiếu. Từ những giải đấu trẻ quanh năm các tuyến U13, U15, U17, U19 ở nhiều địa phương chỉ thi đấu được số trận tính trên đầu ngón tay, nhưng vẫn tốn một khoản ngân sách lớn để duy trì, tới việc phát triển không đồng đều ở các lò đào tạo CLB, hay đầu ra không có để các tài năng có thể mạnh dạn theo con đường thi đấu chuyên nghiệp.

Chiến lược gia người Pháp cũng chỉ rõ bệnh “thành tích” đóng vai trò không nhỏ góp phần kìm hãm nền bóng đá. Điều này dẫn tới việc khai gian tuổi các cầu thủ để chạy đua công trạng. Và đó có vẻ là một phần nguyên nhân khi ông Troussier cập bến PVF, lò đào tạo này từ chỗ không có đối thủ ở các giải trẻ trong nước đã không còn duy trì vị thế như xưa.

Ông Troussier cho biết: “Khi bóng đá trẻ Việt Nam đặt nặng thành tích thì không thể toàn tâm toàn ý đào tạo, phát triển khả năng sáng tạo, tư duy chiến thuật của các cầu thủ trẻ trên nhiều vị trí. Vì bệnh thành tích, vì lối chơi hoàn toàn phụ thuộc vào các cầu thủ nước ngoài suốt nhiều năm qua của bóng đá Việt Nam mà HLV các đội trẻ cũng có sự rập khuôn trong huấn luyện”.

2. Sự nhất quán trong cách đào tạo là cơ sở để giúp các cầu thủ trẻ tự tin, tiến từng bước vững chắc lên đội 1 CLB hay ĐTQG. Còn với bóng đá Việt Nam, đòi hỏi điều này là vấn đề xa xỉ vì như đã đề cập, các cầu thủ trẻ trong nước hiện tại còn quá thiếu sân chơi. Việc các CLB tự duy trì lò đào tạo trẻ hiện tại dù theo cách mạnh ai nấy làm cũng đã là đáng mừng. Bởi đây chính là nguồn cung chủ yếu cho tương lai nền bóng đá.

Bóng đá trẻ Việt Nam: Mạnh ai nấy làm - 2

 

Tuy nhiên, cách hoạt động đầy tính ngẫu hứng hiện tại cũng không có gì chắc chắn cho sự vững bền của bóng đá Việt Nam. Với việc VPF đặt mục tiêu có 14 CLB ở V-League và 14 CLB ở hạng Nhất 2021, con số này vẫn rất mông lung. Đặc biệt ở giải hạng Nhất, phải đến 2/3 CLB thi đấu không muốn hoặc không thể thăng hạng. Đồng nghĩa với mục tiêu huy chương không có.

Tại V-League, nhiều CLB tồn tại kiểu năm nào hay năm đó, chỉ duy trì thôi đã là vấn đề đau đầu nhà quản lý. Những CLB đang lên như TP.HCM cũng chưa thể sớm tìm sự kế thừa và phải đang gấp rút mua sắm cầu thủ để “săn” danh hiệu. Chưa biết “núi tiền” của CLB này tới đâu, nhưng chắc chắn về dài hạn, tính cạnh tranh của CLB này khó so sánh với các đội bóng giàu truyền thống như Hà Nội.  

Trong những ngày dịch bệnh khi bóng không lăn, tin tức GĐKT Gede ra đi sau 4 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam có lẽ cũng khiến nhiều người ngẫm nghĩ về di sản và cả những gì mà ông để lại.

HLV Calisto mới đây đã đăng đàn phát biểu: “GĐKT là người tạo ra những vấn đề để phát triển, như quản lý tập luyện, y tế thể thao, mô hình trận đấu, khả năng tổ chức của các đội bóng, đào tạo bóng đá trẻ. Cuối cùng là sự chuyên nghiệp, GĐKT phải nghĩ cách phát triển bóng đá cả trong việc tổ chức bộ máy và lối chơi”.

Những phần việc này thực sự đòi hỏi nhiều tâm huyết, chất xám lẫn sự đồng lòng của nhiều phía. 

(Nguồn: Thể Thao Văn Hóa)
Bình luận
vtcnews.vn