Trong hàng triệu tinh trùng chết như ngả rạ, các bác sĩ phải căng mắt rình từng con, chỉ cần hơi động đậy là bắt ngay.
Khi đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản, nhiều quý ông không khỏi ngại ngùng khi thừa nhận xuất tinh nhưng không có tinh trùng.
Dẫn chứng thực tế, TS. Nguyễn Mạnh Hà, trưởng bộ môn Mô - Phôi, Phó giám đốc TT Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, trong số gần 120 trường hợp đến làm thụ tinh trong ống nghiệm tại trung tâm năm qua thì có tới gần 50% quý ông có bất thường về tinh trùng, trong đó có khoảng 21% trường hợp "xuất trận không lính".
Các bác sĩ đang soi phóng kính hiển vi để bắt tinh trùng |
Với những trường hợp tinh dịch không có tinh trùng, các bác sĩ buộc phải can thiệp chọc mào tinh, sinh thiết mào tinh, chọc hút tinh hoàn, sinh thiết tinh hoàn... để lấy tinh trùng. Sau đó sẽ soi phóng dưới kính hiển vi để bới tìm những "chiến binh" khỏe mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Khang Sơn, Phó trưởng bộ môn Mô - Phôi gọi đây là công việc "mò kim đáy giếng" vì yêu cầu tính tỉ mỉ, tập trung vô cùng cao độ.
"Việc bới tìm tinh trùng khá vất vả. Trong hàng triệu con chết như ngả rạ, chúng tôi phải rình từng con, hễ thấy con nào hơi động đậy là bắt ngay. Nhiều khi căng mắt, tìm vài tiếng mới được vài con. Đây hoàn toàn là cái tâm nghề nghiệp chứ bệnh nhân không hề biết chúng tôi phải mò như thế nào", PGS. Sơn vui vẻ kể.
Theo PGS. Sơn, những tinh trùng nếu được xuất tinh đã trưởng thành tương đối đầy đủ, còn tinh trùng được chích xuất vẫn rất yếu, bất thường cao nên việc lựa được con khỏe mạnh sẽ mất nhiều công.
Khi bắt được tinh trùng, bác sĩ sẽ cân nhắc xem con nào tốt nhất cho bệnh nhân qua đánh giá hình thái học và khả năng di động. Trường hợp không còn sự lựa chọn, các bác sĩ sẽ buộc phải lấy cả những con có hình thái hơi 'dị tật'.
Các cặp vợ chồng hạnh phúc khoe thành quả với PGS.Sơn |
Tuy nhiên hình dạng xấu xí của tinh trùng không ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của đứa trẻ sinh ra sau này mà phụ thuộc vào cơ cấu di truyền trong nhân của tinh trùng.
Với những trường hợp chích xuất nói trên, PGS. Sơn cho biết, do tinh trùng còn non yếu không tự bơi nên không thể tiến hành thụ tinh IVF thông thường (để tinh trùng tự bơi đến trứng trong ống nghiệm), do đó bắt buộc các bác sĩ phải chủ động dùng kim hút tinh trùng rồi bơm trực tiếp vào bào tương của noãn (ICSI).
Những trứng thụ tinh và phát triển thành phôi sẽ được chuyển lại tử cung của mẹ sau 2-5 ngày.
Trong số gần 120 trường hợp làm ISCI tại trung tâm, đến nay đã có 13 bé ra đời, hàng chục trường hợp khác đang chuẩn bị sinh nở.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà, tỉ lệ trứng được thụ tinh theo phương pháp ICSI đạt gần 81%, tỉ lệ đậu thai lên tới 51,6% - một tỉ lệ khá cao khi mà hầu hết các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm đều đã lớn tuổi.
Đơn cử như trường hợp chị Lê Thị P. (Từ Liêm, Hà Nội). Sau nhiều năm kết hôn không có con, khi đi khám, chị phát hiện bị viêm dính một phần niêm mạc eo tử cung, còn chồng bị azoospermia- không có tinh trùng trong tinh dịch.
Năm 2012, vợ chồng chị làm IVF lần đầu, các bác sĩ kích thích buồng trứng thu được 14 trứng nhưng không thu được phôi nào. Do hoàn cảnh kinh tế không cho phép, vợ chồng chị phải dừng một thời gian.
Không ngừng hy vọng, tháng 6/2015, anh chị tiếp tục thử vận may tại TT Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép. Tại đây các bác sĩ đã chích xuất tinh trùng từ mào tinh rồi thụ tinh được cho 5 trứng, may mắn được cả 5 phôi. Cuối cùng may mắn đã mỉm cười, chị P. hiện đang mang thai 20 tuần, thai khỏe mạnh, chờ ngày khai nhụy.
Nguồn: Vietnamnet
Bình luận