• Zalo

Bộ trưởng Thăng và những cú 'trảm' xôn xao dư luận

Thời sựThứ Năm, 02/01/2014 08:28:00 +07:00Google News

"Trảm tướng giữa trận tiền" chỉ bằng cú điện thoại, yêu cầu ngành GTVT đi máy bay giá rẻ nhằm tiết kiệm... là những "cú sốc" dư luận chỉ có ở bộ trưởng Thăng.

Không có gì thay đổi. Vẫn là một năm tràn ngập những phát ngôn cực kỳ ấn tượng về sự thẳng thắn, những hành động quyết đoán của một người ngay từ đầu được coi là “Bộ trưởng hành động”.
   

“Chính khách” hơn, dù vẫn sẵn sàng... “lưỡi kiếm”
Yêu cầu ngành GTVT đi máy bay giá rẻ, trong khi “chỉ mặt đặt tên” những nhà thầu làm đường kém chất lượng. 
Chấn chỉnh tình trạng “chặt chém” ở sân bay, từ giá của một bát mỳ tôm và chỉ đạo kiểm tra vận tải ôtô tại 42 tỉnh. 
Bỏ lễ khởi công ở TPHCM để chỉ đạo cứu nạn tàu đắm ở Cần Giờ, trong khi trước nghị trường tuyên bố “Tiêu cực có từ phòng máy lạnh”. 
Nhận một thủ khoa ĐH GTVT, trong khi đe "trảm" giám đốc một sở GTVT và ra tối hậu thư cho TGĐ một tổng công ty công trình giao thông.
 Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi lễ khánh thành cầu vượt Khuất Duy Tiến (Hà Nội) Ảnh: Kỳ Anh
Không khó để thấy, năm thứ 2 ngồi chiếc ghế bộ trưởng “nóng”  nhất, dễ bị dân “nhắn tin” nhất, ông Thăng đã có những động thái “chính khách” hơn, trong khi vẫn duy trì... "lưỡi kiếm".
Ngược trở lại thời điểm tháng 10/2011, khi vừa ngồi ghế “nóng” 60 ngày, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gây ra một cú sốc dư luận: Trong một tiền lệ chưa từng có, ông “trảm tướng giữa trận tiền”. Chỉ bằng một cú điện thoại. Và với nguyên nhân tưởng chừng là vấn đề muôn thuở của ngành GTVT cũng như xây dựng cơ bản: “Chậm tiến độ”. 
Sau cú "trảm" quyết đoán đó, báo chí ca ngợi ông là một bộ trưởng “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong “một thế hệ bộ trưởng mới”.
Và cuối năm nay, khi thị sát trực tiếp tại công trường, Bộ trưởng đã ra “tối hậu thư” cho TGĐ Cienco 8: “Chốt hạn là 5/12 phải xong, ngày 6/12 tôi sẽ đi kiểm tra lại, nếu lúc đó vẫn chưa thi công xong thì tốt nhất là ông Thủy hãy tự động xin nghỉ việc, xin cáo ốm mà vắng mặt chứ đừng đến gặp tôi”.
Giữa hai khoảng thời gian ấy, vô số các BQL bị thay thế, vô số các nhà thầu bị cho nghỉ. Nếu bạn cần có một con số cụ thể, thì đã “hàng chục” sự thay thế, hoặc nói theo cách của báo chí: Hàng chục cú "trảm".
Vậy là Bộ trưởng đã hoàn toàn không đùa, khi nói đến việc Bộ trưởng phải như một vị tư lệnh có toàn quyền, dù bấy giờ, không ai nghĩ đó là chuyện “trảm tướng”. Ở ta, nhân sự muôn thuở là vấn đề tế nhị, nhạy cảm, dù chẳng ai triết tự cho chính xác tại sao lại là nhạy cảm, tế nhị. Ở ta, chẳng từng đã có những phát ngôn... bất hủ về chuyện kỷ luật cán bộ.
Những cú “trảm” - sự khác biệt của Bộ trưởng Thăng?
Không có cách nào đảm bảo tiến độ, hiệu quả và cả chất lượng công trình hơn việc gắn trách nhiệm người đứng đầu. Nhưng cũng không có gì khó hơn, khi đằng sau một cú "trảm" không đơn giản chỉ là một sự thay thế, mà luôn là nhân sự, là quan hệ, là đồn đoán, và cả miếng cơm, manh áo của không ít người.
Nhớ trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên trước truyền thông, Bộ trưởng Thăng đã nói nguyên văn như sau:
“Để thực hiện giải pháp đột phá trong đầu tư hạ tầng, ngành giao thông phải xây dựng được cơ chế đột phá, trước hết là cần đột phá về cơ chế huy động nguồn lực, về phương thức và hình thức đầu tư, cũng như đột phá về thủ tục triển khai dự án. Xây dựng cơ chế đột phá này là điều kiện để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện giải pháp đột phá”.
5 chữ đột phá trong chỉ 2 câu. Và sau 2 năm nhìn lại, có lẽ chính sự đột phá vào sự trì trệ, ỳ ạch từ công việc thực tế lẫn nhân tố con người của ngành đứng top về xây dựng cơ bản, trong đó, những cú "trảm" tiến độ kinh hoàng mới là dấu ấn rõ nét nhất về ông Thăng.
Trong báo cáo gửi Quốc hội năm nay, có lẽ Bộ trưởng Thăng đã không giấu được sự hài lòng, dù chỉ với mấy chữ “Không còn tình trạng công trình chậm tiến độ”.
Đằng sau một câu chữ giản dị ấy, là biết bao tiền của khi căn bệnh “chậm tiến độ” trong xây dựng cơ bản ở Việt Nam nó mãn tính đến độ người ta không thể nhớ trước “Cầu Giẽ - Ninh Bình” và “Đường vành đai 3”, đã từng có công trình nào sớm tiến độ.
Đằng sau mấy chữ đơn giản đó là biết bao tiền của khi những ví dụ liền kề “Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên”, hay “Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng” nơi chậm tiến độ 40%, nơi phải điều chỉnh đến 4 lần, khiến chỉ một khoản vốn dành cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đã phải điều chỉnh đến 4 lần từ phê duyệt ban đầu khoảng 568 tỉ lên hơn 2.000 tỉ đồng. Chưa kể trượt giá phải bù cho các nhà thầu.
Tuyên chiến với chậm tiến độ, với sự trì trệ ở ta không dễ khi gắn với mỗi mét đường là lù lù mấy chữ “giải phóng mặt bằng”, là “tái định cư”, hậu quả của cả một thời kỳ dài hàng chục năm, hai chữ “quy hoạch” gần như bằng không. Nếu cần phải có một ví dụ, thì vẫn sờ sờ ra đó câu chuyện chậm tiến độ có thể quy thành tiền qua dự án cầu Nhật Tân.
Vì thế, để những cú "trảm" của Bộ trưởng không phải là những cú giáo đâm cối xay gió, nói thật sáo rỗng, vẫn cần trách nhiệm và sự quyết liệt của người đứng đầu các địa phương.
Cho đến giờ, những phát ngôn của ông Thăng vẫn luôn là chủ đề tranh luận bàn tán của báo chí cũng như của dư luận xã hội. Những cuộc tranh luận hoặc tạo ra sự thích thú, hoặc bị... "ném đá".
Nhưng cho đến giờ, vẫn phải nói rằng, những hành động của Bộ trưởng Thăng, nhất là những “cú trảm tiến độ”, vẫn là một làn gió mới tạo ra sự khác biệt và hiệu quả hoàn toàn không phải ai cũng làm được.



Theo LĐ
Bình luận
vtcnews.vn