Trong cuộc gặp mặt các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực y tế chiều 26/12, Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ về những scandal của ngành y.
3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B
Ngày 19/7, bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị tiếp nhận 3 sản phụ đến sinh. 3 thai phụ gồm Nguyễn Thị Nga (thị trấn Lao Bảo), Trần Thị Hà (thị trấn Khe Sanh), Hồ Thị Du. Sau khi sinh, 3 sản phụ và trẻ sơ sinh đều khỏe mạnh với cân nặng từ 2,8-3,4kg. Các cháu bú mẹ tốt.
Đến 8 giờ sáng ngày 20/7, các y, bác sỹ bệnh viện đã tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm gan B thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau khi tiêm 30 phút, các cháu có biểu hiện tím tái, khó thở, bác sỹ đã cấp cứu nhưng các cháu đã không qua khỏi.Một trong 3 cháu bé tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B.
3 liều vắc xin viêm gan B tiêm cho 3 trẻ sơ sinh vào sáng 20/7 thuộc lô vắc xin do Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa tiếp nhận vào ngày 18/7/2013, được sản xuất vào tháng 9/2012 (hạn sử dụng đến năm 2015) theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Về vụ việc này, bà Tiến nói: “Năm 2013, 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử ngành Y tế. Đến nay, Bộ vẫn nóng lòng chờ đợi kết luận từ phía công an”.
Cũng theo Bộ trưởng, tìm ra nguyên nhân trẻ tử vong sau tiêm là vấn đề rất khó, toàn bộ hồ sơ của vụ việc đã được chuyển sang Công an Quảng Trị điều tra.
Nhiều lần Bộ Y tế có công văn đề nghị tỉnh Quảng Trị, Bộ Công an nhanh chóng kết luận nguyên nhân cụ thể để giải đáp thắc mắc của người dân và đặc biệt là gia đình các cháu, tránh gây hoang mang dư luận.
Vào tháng 10, cơ quan điều tra bước đầu đưa ra kết luận nguyên nhân 3 trẻ tử vong là do tiêm nhầm thuốc co bóp tử cung để chung với vắc xin viêm gan B.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án hình sự “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Hàng loạt trẻ phản ứng với vắc xin Quinvaxem
Từ năm 2012 kéo dài sang năm 2013, vấn đề tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã gây nhiều tranh cãi sau khi rất nhiều trẻ phản ứng với vắc xin này.
Chỉ trong vòng sáu tháng (tính từ tháng 11/2012 đến tháng 4/2013), đã có chín trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem, gồm ba trường hợp ở Nghệ An, một ở Kiên Giang, một ở Thanh Hóa, một ở Hà Nội, hai ở Lâm Đồng và một ở Hải Dương.Vắc xin Quinvaxem cũng 'gây sóng' trong năm 2013.
Đáng chú ý, hầu hết các bé tử vong sau tiêm đều có tiền sử khỏe mạnh, tử vong đột ngột sau tiêm tại nhà và không có hồ sơ y khoa về diễn biến bệnh cảnh trước tử vong. Ngoại trừ trường hợp bé L.T. ở Hải Dương được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi tỉnh Hải Dương, hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hải Dương kết luận tử vong do sốc nhiễm khuẩn huyết.
Cụ thể, ngày 7/12/2012, Trạm Y tế xã Châu Quang tiến hành tiêm chủng cho trẻ em. Đợt tiêm mũi “5 trong 1” phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do HIB.
Cả xã có 65 cháu đến tiêm phòng, nhưng đến cuối chiều cùng ngày, 3 cháu nhỏ gồm: L.Q.T, V.H.N và V.T.K (đều 3 tháng tuổi) có biểu hiện nôn quấy, sốt, bỏ bú. Đến ngày 9/12, cháu N tử vong. Một ngày sau, cháu T. tử vong và 5 ngày sau đó, cháu K. cũng qua đời.
Sang năm 2013, nhiều cháu bé có phản ứng dữ dội với vắc xin Quinvaxem. Vì vậy, đầu tháng 5/2013, Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì có 5 trẻ tử vong sau tiêm chủng.
Bộ Y tế và các chuyên gia đã vào cuộc điều tra các trường hợp tử vong. Bộ đã lấy mẫu các lô vắc xin có nghi ngờ. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vắc xin Quinvaxem an toàn. Việc vắc xin Quinvaxem an toàn cũng được tổ chức WHO công nhận.
Đến tháng 10/2013, vắc xin Quinvaxem được tiêm trở lại nhưng đến tháng 11, bé Trần Mỹ Ngọc (5 tháng tuổi, ngụ ấp Vĩnh Tường, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, Bạc Liêu) đã tử vong sau tiêm ngừa vắc xin Quinvaxem. Theo xác định ban đầu của bệnh viện, bé tử vong do sốc phản vệ sau tiêm.Về vấn đề này, bà Tiến cho hay: Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc vừa có văn bản khẳng định vắc xin Quinvaxem an toàn. “Bộ cũng đã có chiến lược tự sản xuất vắc xin ở trong nước để thay thế dần vắc xin nhập khẩu. Tuy nhiên, không có vắc xin nào an toàn tuyệt đối, vì vẫn có một tỷ lệ trẻ bị sốc phản vệ với vắc xin”.
Vụ nhân bản xét nghiệm tại BV Hoài Đức
Vào tháng 8/2013, vụ việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức được chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa xét nghiệm, tố cáo đến báo chí.
Theo chị Nguyệt, tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức từ lâu nay đã xảy ra một nghịch lý trong khi cán bộ chính quy, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư thì chủ yếu ngồi chơi vì không có việc làm, ngược lại bộ phận ngoại trú, phụ trách máy móc tư nhân, lại làm không hết việc.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hàng nghìn bệnh nhân đã được trả kết quả xét nghiệm máu giống hệt nhau trong khi họ khác nhau về độ tuổi và bệnh lý. Xảy ra hiện tượng này là do các nhân viên không có trình độ tại đây đã in hàng loạt một kết quả xét nghiệm để trả cho những bệnh nhân khác nhau.
Kết quả vụ việc này, 10 người đã bị khởi tố trong đó có giám đốc và phó giám đốc bệnh viện.
Bộ trưởng Tiến cho rằng, vụ việc tại bệnh viện Hoài Đức thực chất là tiêu cực tham nhũng tiền của nhà nước.
Bộ này đã ra chỉ thị về đạo đức nghề nghiệp và ban hành thông tư về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp
Bác sỹ thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác
Ngày 22/10, Công an Hà Nội điều tra làm rõ việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường, ở đường Giải Phóng ném xác một nữ bệnh nhân xuống sông Hồng phi tang khi thấy bệnh nhân tử vong.
Ngày 19/10, chị Huyền đến thẩm mỹ viện này để hút mỡ bụng và nâng ngực và trở thành nạn nhân.
Đến rạng sáng hôm sau có một số điện thoại lạ gọi cho gia đình thông báo phát hiện xe máy của chị Huyền, ở khu vực Thạch Bàn, Long Biên; trên xe còn nguyên chìa khoá, tài sản...
Do không liên lạc được với chị Huyền, gia đình đã tới cơ quan công an trình báo về việc chị mất tích. Sáng 22/10, khi giặt quần áo của chị chồng chị Huyền tìm thấy một hoá đơn thanh toán viện phí tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Thay vì thông báo với cơ quan chức năng và gia đình nạn nhân, giám đốc Nguyễn Mạnh Tường đã chở xác nạn nhân lên cầu Vĩnh Tuy và vứt xuống sông Hồng. Đến nay, gia đình chị Huyền vẫn chưa tìm thấy xác.
Về vấn đề này, bà Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Bác sỹ Tường đã mất hết nhân tính. Trong nghề y, những tai biến nghề nghiệp có thể xảy ra nhưng việc ném xác phi tang thì từ khi sinh ra đến giờ tôi mới biết đến”.
Về việc xác định trách nhiệm của người liên quan đến vụ việc, bà cho biết, trong lĩnh vực quản lý hành nghề tư nhân, luật khám chữa bệnh, nghị định, thông tư 41 quy định rất rõ cả về việc rút giấy phép hoạt động. Với vụ Cát Tường, nhìn vào thông tư này sẽ thấy rõ ngay trách nhiệm thuộc về ai.
“Trách nhiệm trực tiếp nhất là cá nhân đó cố tình làm sai pháp luật. Và phải nói đây là suy thoái về nhân cách con người chứ chưa nói về y đức. Trách nhiệm cá nhân phải chịu, rồi các cấp quản lý. Nếu nói về trách nhiệm của Bộ trưởng, tôi sẵn sàng nhận một phần trách nhiệm vì sự việc xảy ra trong ngành của mình, nhưng truy vào văn bản pháp luật quy định thì sao? Sẽ xác định trách nhiệm rõ ràng của từng cấp quản lý”, Bộ trưởng Tiến bày tỏ.
Ăn bớt vắc xin tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội
Sự việc xảy ra ngày 19/4 tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội (số 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội). Theo phản ánh của anh Dương Thái Lam (SN 1984, trú tại Tích Sơn, Vĩnh Phúc) khoảng 9h ngày 19/4, anh đưa con trai là cháu Dương Kiều Phong (SN 2012) đến địa chỉ trên để tiêm vacxin Pentaxim và uống Rotateq (phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi rút) với giá 1.185.000 đồng một lần tiêm.
Quan sát quá trình làm việc của nhân viên y tế, anh Lam phát hiện thấy nhân viên y tế bóc vắc xin ra, bơm nước cất vào rồi rút thuốc ra. Lọ thuốc sau khi được rút ra không bị vứt vào xô có túi nilon màu đen đựng vỏ lọ để gần đó mà cho vào hộp catton đựng phiếu tiêm. Anh Dương Thái Lam và lọ vắc xin bị ăn bớt.
Nghi ngờ về sự việc, anh Lam thắc mắc và thu giữ được lọ vắc xin nhân viên y tế vừa rút thuốc để tiêm cho con anh và phát hiện trong lọ vẫn còn thuốc.
Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Việt Cường ngay lập tức đã có mặt, triệu tập các nhân viên y tế trong ca trực và lãnh đạo Trung tâm cùng làm việc với người phản ánh.
Tại buổi làm việc, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và phát hiện số thuốc còn thừa trong lọ vacxin cho thấy lượng thuốc thừa trong lọ vắc xin tiêm cho cháu Phong còn lại xấp xỉ 0,2ml. Tức là số thuốc bị “ăn bớt” khoảng 40% so với 0,5ml chuẩn ban đầu.
Y tá Bùi Thị Phương Hoa, người trực tiếp tiêm cho cháu Phong thừa nhận hành động tiêm thiếu thuốc của mình là sai song lý giải đó là “vô ý”. Bà Hoa sau đó đã bị cho thôi việc.
Nguyễn Tâm
Bình luận