• Zalo

Bộ trưởng Luận kỳ vọng gì giáo dục 2014?

Giáo dụcThứ Sáu, 31/01/2014 12:00:00 +07:00Google News

(VTC News) -Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có những chia sẻ chân thành về hình dung đặc điểm giáo dục năm mới 2014.

Sau đây là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục nước nhà trong năm 2014.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đặt nhiều kỳ vọng về giáo dục nước nhà năm 2014

Trong năm 2014, những công việc mà chúng tôi đang triển khai sẽ được đẩy mạnh, tăng tốc.
Trong đó quan trọng nhất là 2 việc: thiết kế xây dựng chương trình - SGK  phổ thông, phải tăng tốc lên để triển khai thí điểm và cấu trúc lại các cơ sở đào tạo giáo viên.
Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã lựa chọn 6 trường sư phạm lớn của đất nước làm đầu tàu, động lực để triển khai việc này (ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm 2, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng).
Bộ cũng lưu ý về đào tạo giữa hệ chính quy và hệ phi chính quy thì ưu tiên chính quy; giữa đào tạo mới và đào tạo lại thì ưu tiên chú trọng đào tạo lại đối với lực lượng giáo viên hiện có; giữa đào tạo và bồi dưỡng thì chú trọng bồi dưỡng.
Bộ sẽ bắt đầu làm ở những trường trọng điểm, sau đó lan sang toàn hệ thống, đồng thời quy hoạch lại các cơ sở đào tạo sư phạm trên phạm vi cả nước.
Ở đây sẽ có sự cấu trúc lại tổ chức của các nhà trường sư phạm, mô hình đào tạo, thay đổi chương trình-SGK, phương pháp dạy và học.
Giáo dục luôn là lĩnh vực cực kỳ nóng
Bên cạnh đó, vấn đề lương đã được đặt ra từ Nghị quyết TƯ 2 khóa 8, đã có khẳng định tương tự như lần này, nhưng chưa làm được.
Có nhiều lý do cả khách quan và chủ quan. Tôi không có điều kiện để hiểu hết tất cả những gì của các giai đoạn trước nhưng tôi biết để giải quyết tiền lương cho giáo viên thì liên quan đến nhiều người khác, nhiều ngành khác, không thể giải quyết biệt lập cho ngành giáo dục được.
Nguồn lực kinh tế của đất nước cũng còn nhỏ bé, chưa cho phép giải quyết một cách triệt để nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tiền lương nói chung, lương giáo viên nói riêng theo ý muốn của chúng ta. Lần này Nghị quyết khẳng định một lần nữa về vấn đề này để nêu lại quyết tâm làm.
Về phía ngành giáo dục, ngoài lương chúng tôi rất quan tâm đến các vấn đề khác: phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp thâm niên, phụ cấp với cán bộ quản lý giáo dục, các chế độ dành cho giáo viên miền núi.
Các nhà giáo được nhận danh hiệu GS,PGS đến 60 tuổi có thể làm thêm, tăng thêm cơ sở vật chất làm việc cho các GS,PGS ở các nhà trường.
Cùng với đó là các hình thức tôn vinh về mặt tinh thần để động viên kịp thời đội ngũ.
 Giáo viên vùng cao hẩm hiu thưởng Tết
Tôi luôn cảm thấy một trách nhiệm nặng nề. Từ khi kế nhiệm, tôi phải tiếp tục nhiệm vụ của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân để lại, đó là chiến lược phát triển giáo dục. Vất vả, căng thẳng lắm.
Sau khi Thủ tướng phê duyệt chiến lược thì làm luật giáo dục đại học, rồi đến quốc hội giám sát chất lượng đại học, cũng là một đợt vất vả, căng thẳng nhưng bổ ích.
PISA có kết quả tốt thì Bộ cũng mừng một chút và phải làm tiếp, lo triển khai lực lượng để thực hiện đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Cán bộ của tôi ở Bộ GD-ĐT làm đến 7,8 tối, tôi phải ra lệnh nghỉ. Nhưng tôi cũng động viên anh em rằng chúng tôi là những người đến đúng lúc để được làm đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, những người đến sớm hơn muốn làm cũng không được làm, các đồng chí đến sau cũng không còn cơ hội để làm, chỉ chúng tôi mới có cơ hội, có vinh dự này.
Vì thế chúng tôi động viên nhau để vượt qua thách thức, làm tốt công việc được giao.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bình luận
vtcnews.vn