Sáng nay, 16/3, tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đối thoại trực tuyến với nhân dân về giá dịch vụ y tế.
Cuộc đối thoại được truyền hình trên internet, truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1- Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC.
Về lý do điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Đây là yêu cầu rất bức thiết phải làm từ lâu nhưng có nhiều khó khăn trong thực hiện. Giá dịch vụ y tế ban hành từ năm 1995, thời điểm đó chỉ tính 1 phần giá dịch vụ và một số dịch vụ được điều chỉnh giá năm 2006 cũng chỉ tính một phần. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Chinhphu.vn
Trong khi đó, lương cơ bản tới nay tăng 6,9 lần, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành y tế cũng tăng theo thị trường.
Mức thu phí dịch vụ thấp ảnh hưởng rất nhiều đến chất lương khám chữa bệnh. Khi mức thu không đủ cho chi, người bệnh phải mua thêm thuốc, ngay chi phí cho phòng khám chữa bệnh, ga trải giường... cũng rất khó khăn.
Chất lượng dịch vụ y tế thấp nên không khuyến khích người dân tham gia BHYT, người có điều kiện thì đi tìm tới dịch vụ trả tiền.
Thêm vào đó, do giá chỉ tính một phần chi phí nên Nhà nước bao cấp hết cho cả người nghèo, người giàu. Giá thấp nên người có điều kiện kinh tế tìm đến chất lượng cao cũng khó, trong khi giá dịch vụ trả tiền cũng phải có một khung trần theo quy định, dẫn đến chất lượng cũng không thật sự cao, nên nhiều người đã ra nước ngoài chữa bệnh.
Thứ ba, với các cơ sở khám chữa bệnh, rất vất vả cho cán bộ y tế, kể cả cán bộ quản lý và các y bác sĩ, không có tiền để mua sắm trang thiết bị. Một đôi găng phải tái tiệt trùng do mức chi của BHYY có hạn, không thể động viên khuyến khích cán bộ y tế, đồng thời ảnh hưởng đến thái độ nhiệt tình của cán bộ.
Thứ tư, thu BHYT có tăng vì tỷ lệ dân tham gia BHYT tăng, tỷ lệ mức thu cũng tăng so với lương, lương cũng tăng. Với phương châm người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách Nhà nước sẽ lo, còn những ai có điều kiện nên có đóng góp nhiều hơn.
Mức tăng thì trong cấu thành của giá có 7 yếu tố, lần này mới chỉ tính 3. Cụ thể, các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm…), chi phí điện nước, chi phí duy tu sửa chữa một số trang thiết bị, tức là những phần tối thiểu nhất, chưa tính tiền lương, khấu hao… Mức tăng từ 2 đến 4 lần, một số ít dịch vụ tăng tương đối nhiều (hơn 6 lần).
Thông tư 04 có hiệu lực từ 15/4, các đơn vị trực thuộc Bộ phải trình mức thu lên Bộ, các bệnh viện khác phải trình Sở Y tế, Sở Y tế trình HĐND, nơi nào làm nhanh sẽ thực hiện nhanh tùy theo phê duyệt các cấp có thẩm quyền.
Có bảo hiểm y tế: Không phải đóng thêm tiền khi khám
Cháu Nguyễn Đức Trung được nhà nước hỗ trợ rất nhiều khi điều trị bệnh nan y tại viện Huyết học và truyền máu TW. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Độc giả có email: [email protected] hỏi: "Tôi có thẻ BHYT nhưng khi đi khám bệnh ngoài 20% cùng chi trả thì phải nộp một số khoản mà theo bệnh viện giải thích là BHYT không chi trả nên bệnh nhân phải nộp như vật tư, thuốc trong phẫu thuật thủ thuật, chênh lệch giá xét nghiệm, cận lâm sàng ...Các khoản này lớn hơn rất nhiều so với khoản 20% cùng chi trả, đặc biệt ở các tuyến trung ương. Như vậy, bệnh viện thu như vậy có đúng theo quy định hay không?"
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Khi đồng chi trả 20%, nhưng phải nộp thêm một số khoản mà theo BV giải thích là BHYT không chi trả nên bệnh nhân phải dùng thì về nguyên tắc, làm như vậy không đúng quy định, nhưng về thực tiễn, bệnh viện cũng phải làm như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Mức thu giá dịch vụ quá thấp, nên có những loại bệnh, nếu theo mức chi của bảo hiểm, không thể đủ. Thời gian qua, có lúc giá vật liệu, dụng cụ thay đổi, có những phần là phải trả thêm so với mức quy định của bảo hiểm y tế bởi mức chi trả của bảo hiểm quá thấp, như phần đồng chi trả, nếu dùng thuốc đặc trị, biệt dược không có trong danh mục thì có xảy ra trường hợp phải trả thêm một khoản hơn mức 20%.
Nếu viện phí tăng lên như mức hiện nay, về nguyên tắc gần như không phải đóng nữa. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp cá biệt như có những thủ thuật trên cơ địa người đó phải dùng bởi nếu dùng thuốc trên danh mục quy định sẵn thì không phù hợp với bệnh nhân như bệnh dễ chảy máu, tan huyết…
Về việc tăng giá viện phí, nhiều độc giả đồng tình với chủ trương này, độc giả Trí Phan ([email protected]) thắc mắc về khung giá chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp nhưng chưa được BHXH chi trả không có trong thay đổi lần này.
Bà Bộ trưởng thông tin:"Về câu thứ nhất, chúng tôi đang nghiên cứu để tính tới vấn đề BHXH chi trả cho chế độ ăn của người bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp. Còn lần này chỉ điều chỉnh các phi phí trực tiếp.
Về câu hỏi thứ hai, có những trường hợp phải có chi phí vật tư trong phẫu thuật, có trường hợp gây phiền toái cho người bệnh. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã ban hành quy trình chuẩn nên số đó không nhiều.
Về vấn đề xây dựng giá theo nhóm bệnh, cần phải có thời gian và lộ trình. Hiện Bộ đang xây dựng với một số nhóm bệnh, dựa vào sự hỗ trợ quốc tế để xây dựng hình thức chi trả như trọn gói theo ca bệnh…, đây là hình thức tiên tiến nhất hiện nay.
Về câu hỏi cuối cùng, ta đã biết BHXH là sản phẩm rất văn minh và nhân đạo của nhân loại, vừa mang tính chất dự phòng lúc ốm đau, vừa mang ý nghĩa chia sẻ cho cộng đồng nữa".
Bệnh nhân chạy thận nghèo: Chỉ mất 24 ngàn đồng/tháng
Một vấn đề được các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quan tâm là liệu viện phí tăng, họ sẽ phải chịu thêm gánh nặng khám chữa bệnh? Bệnh nhân Bùi Thị Tuyết (Tiền Hải, Thái Bình) cho biết: "Đã hai năm liền tôi phải đi chạy thận nhân tạo. Năm ngoái, khi chưa được xét hộ nghèo, tôi phải chạy thận tự nguyện, mỗi tháng mất 1,5 triệu đồng. Năm nay, tôi được xét là hộ nghèo nên được cấp thẻ bảo hiểm y tế, mỗi tháng chỉ phải trả 370.000 đồng. Nếu theo mức tăng mới, không biết hàng tháng tôi phải trả thêm bao nhiêu tiền".
Chính phủ đã ban hành Quyết định 14, sẽ hỗ trợ thêm phần phải đồng chi trả với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt.
Có độc giả thắc mắc về thời điểm tăng viện phí hiện nay vào đúng thời điểm khó khăn. Lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ: Đối tượng mà chúng ta vẫn lo nhất là người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn… Với người nghèo hiện nay, Nhà nước hỗ trợ 95%, với đối tượng cận nghèo, năm nay hỗ trợ mức đóng bảo hiểm là 75%…
Ngoài ra, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 14 điều chỉnh quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo.
Đối tượng dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và nghèo mà mắc bệnh hiểm nghèo như chạy thận nhân tạo, ung thư… được hỗ trợ một phần tiền ăn, đi lại, chữa bệnh... Đây là nỗ lực lớn và sựưu việt của nhà nước ta.
Nhờ có BHYT, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân không mắc bệnh nghiêm trọng những vẫn được bác sĩ lạm dụng chỉ định các xét nghiệm không cần thiết nhằm làm lợi cho bệnh viện.Một độc giả cho biết: "Hiện nay ở một số bệnh viện có hiện tượng các bác sĩ chỉ định người bệnh đi chụp CT sọ não trong khi họ chỉ bị đau chân, đau tay. Cũng có trường hợp bác sĩ chỉ định bệnh nhân điều trị thuốc đắt gấp hàng chục lần nhưng không nằm trong danh mục thanh toán BHYT thay vì có thể sử dụng thuốc vừa tiền và có trong danh mục được thanh toán".
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: Theo tôi, với bệnh nhân BHYT, việc lạm dụng này sẽ khó hơn, vì có quy trình điều trị, danh mục vật tư, giá dịch vụ… rất chặt chẽ.
Như tôi nói, để khắc phục được vấn đề này, phải có quy trình giám sát chặt chẽ, các bệnh viện phải có bộ phận giám sát. Sắp tới, Bộ cũng sẽ tính tới việc thành lập một hội đồng giám sát độc lập về vấn đề này.
Bên cạnh đó, với một số hình thức chi trả tiên tiến, chẳng hạn chi trả trọn gói như tôi đã nói ở trên, hiện tượng này sẽ dần được hạn chế.
Bình luận