• Zalo

Bộ TN&MT đề nghị phía Trung Quốc cung cấp thông tin xả lũ phục vụ việc dự báo

Thời sựThứ Ba, 10/07/2018 11:35:00 +07:00Google News

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giao Cục Quản lý Tài nguyên nước làm việc với các tỉnh biên giới Trung Quốc cung cấp thông tin xả lũ ở các hồ chứa để phục vụ việc dự báo và ứng phó.

Bộ TN&MT vừa xây dựng và ban hành kế hoạch để các đơn vị trực thuộc chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch, chủ động, sẵn sàng triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng như phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Đáng chú ý, trong nội dung của kế hoạch, Bộ TN&MT giao Cục Quản lý tài nguyên nước chủ động phối hợp với các địa phương làm việc với các tỉnh biên giới phía Trung Quốc về việc cung cấp thông tin xả lũ ở các hồ chứa để phục vụ công tác dự báo và ứng phó.

Nội dung kế hoạch của Bộ TN&MT nêu rõ: “Chủ động phối hợp với các địa phương làm việc với các tỉnh biên giới phía Trung Quốc về việc cung cấp thông tin xả lũ các hồ chứa phục vụ công tác dự báo, cảnh báo nhằm ứng phó với hiện tượng lũ bất ngờ từ thượng nguồn các sông xuyên biên giới.

Đẩy nhanh việc triển khai, hoàn thành dự án Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn I, để có số liệu cung cấp, trao đổi với Trung Quốc và phục vụ dự báo”.

Bộ TN&MT cũng giao Cục Quản lý Tài nguyên nước phải tăng cường kiểm tra đột xuất, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các trường hợp không tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa.

Đồng thời, Cục Quản lý Tài nguyên nước phải tăng cường theo dõi, giám sát việc vận hành của các hồ thông qua việc áp dụng công nghệ giám sát vận hành trực tuyến nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy trình, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết giảm lũ, cấp nước cho hạ du.

Ngoài ra, nhằm chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ TN&MT phân công cụ thể trách nhiệm và sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ.

Cụ thể, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn được giao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra toàn bộ phương tiện, máy móc, trang thiết bị, thông tin liên lạc đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống, hoàn thiện các phương án, công cụ dự báo khí tượng thuỷ văn.

Đơn vị này phải tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, giám sát các hiện tượng khí tượng thuỷ văn nguy hiểm, cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin về thiên tai cho các cơ quan theo quy định, phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn phải nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là nâng thời hạn dự báo, cảnh báo sớm bão đến 5 ngày, áp thấp nhiệt đới đến 3 ngày và cảnh báo mưa lớn, lũ lớn trước 1-2 ngày.

Đơn vị này cần chú trọng việc dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng và chi tiết hoa các cấp độ rủi ro thiên tai phục vụ công tác phòng chống.

Tổng cục Môi trường được giao nhiệm vụ phối hợp với Tổng cục khí tượng Thuỷ văn triển khai các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường do thiên tai, sự cố gây ra, theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực xảy ra thiên tai.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần xử lý kịp thời những sự cố xảy ra trên biển, tăng cường quan trắc và truyền số liệu mực nước biển phục vụ công tác cảnh báo sóng thần, số liệu liên quan trắc sóng và dòng chảy bằng rada biển phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai hải văn...

Công tác dự báo thiên tai phải chủ động, thường xuyên và liên tục

Theo Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 của Bộ TN&MT vừa ban hành, hiện tượng ENSO (khái niệm để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương) nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ khoảng tháng 6 và duy trì cho đến hết năm 2018.

Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2018 tương đương so với trung bình nhiều năm. Cụ thể sẽ có khoảng 12 - 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.

Thời kỳ đầu mùa, bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực phía Bắc Biển Đông và xu hướng sẽ dịch dần về phía Nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018.

Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ. Các hiện tượng thiên tai khí tượng thủy văn khác vẫn có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường.

Vì vậy, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cần phải bảo đảm thường xuyên, liên tục, theo sát diễn biến của thiên tai, tăng cường việc cảnh báo sớm, cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn