(VTC News) - Sau kỳ SEA Games 27 có quá nhiều bất cập từ công tác tổ chức lẫn trọng tài, rất nhiều người đã lên tiếng rằng sân chơi khu vực này nên được dẹp bỏ.
Sân chơi tốn kém
Khỏi phải nói cũng biết tham dự SEA Games tốn kém như thế nào. Theo số liệu thống kê không chính thức, để có được vị trí thứ nhì trên bảng tổng sắp, Việt Nam đã phải bỏ ra tổng cộng khoảng 50 tỷ đồng, bao gồm 15 tỷ tiền nộp lệ phí cho nước chủ nhà Myanmar trong những ngày dự SEA Games (50 USD - 1 triệu đồng/người/ngày), 17 tỷ tiền thưởng cho các huy chương, và 19 tỷ tiền ăn uống sinh hoạt trong nửa tháng diễn ra Đại hội.
Việt Nam tiêu tốn 50 tỷ cho chiến dịch SEA Games 27 |
Để biết được số tiền này lớn như thế nào thì có thể hình dung thế này: Nó đủ sức nuôi 1 phường thuộc loại lớn sống trong vòng 1 tháng. Nó cũng bằng lợi nhuận cả năm của Tổng công ty Tài chính Cổ phần dầu khí, và có thể giúp vài nghìn người "sống khỏe" trong vòng 1 năm.
Đổi lại bằng ấy lợi ích, 50 tỷ đồng cho SEA Games 27 chỉ "giúp" thể thao Việt Nam có 73 HCV, nghĩa là trung bình một chiếc HCV được đánh đổi bằng... 700 triệu!!! Quả là tốn kém.
Không chỉ có Việt Nam kêu trời vì mức độ "chịu chơi" của SEA Games. Thái Lan, một nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu Đông Nam Á cũng bày tỏ sự quan ngại về mức độ "lạm phát" của Đại hội thể thao diễn ra 2 năm/lần này.
Theo công bố của đất nước chùa vàng, họ đã phải móc hầu bao tới 300 triệu baht (tương đương gần 200 tỷ VNĐ) cho chiến dịch SEA Games 27. Ngày hội trên đất Myanmar kết thúc, Thái Lan giành được 107 HCV, nghĩa là 1 chiếc HCV cũng có giá tròm trèm lên tới... 1,8 tỷ đồng - cao gấp 2 lần rưỡi những gì Việt Nam bỏ ra.
Tổn hao tiền tài vật lực là thế, nhưng đổi lại, trong suốt nửa tháng diễn ra SEA Games 27, hầu như không ngày nào là không xuất hiện vụ trọng tài xử ép, những giọt nước mắt cay đắng của VĐV Việt Nam về những lần bị tước huy chương một cách cay đắng.
SEA Games là cơ hội để các nước trong khu vực giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Thể thao là công cụ tốt nhất để các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau. Nhưng "tinh thần rất Olympic" ấy chẳng mấy khi được thể hiện khi lần tổ chức SEA Games nào, nước chủ nhà cũng bị kêu ca vì nạn mua huy chương và gâp ức chế cho các nước khác.
Người ta hô hào bỏ SEA Games đi cũng là vì như thế.
Bà mẹ Như Ý quyết giành HCV để mua sữa cho con |
Lấy gì mua sữa cho con?
Tuy nhiên đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề, bởi chẳng cần phải chờ tới người hâm mộ lên tiếng, chính những VĐV luôn là những người hiểu rõ nhất các quy tắc "bất thành văn" của ngày hội vẫn được gọi là "ao làng" này. Vậy nhưng, họ vẫn tập luyện, vẫn đổ mồ hôi, thậm chí là máu trong cả 1 năm trời, chỉ để góp mặt ở SEA Games.
Điều tưởng chừng như rất vô lý ấy đã, đang và vẫn sẽ xảy ra. Bởi SEA Games là sân chơi ở tầm khu vực, là Đại hội dễ nhất để các VĐV có được 1 tấm huy chương ở cấp quốc tế, điều mà Asiad, Olympic, hay các giải vô địch thế giới, châu lục không dễ gì mang lại.
Đời VĐV vốn ngắn ngủi. Dẫu tập luyện và có tố chất tốt đến mấy cũng vẫn bị quy luật thời gian khắc nghiệt đào thải như thường. Một cái chớp mắt đã đủ hết đời VĐV, nên tấm HCV ở tầm quốc tế luôn thật sự quý giá. Như "người lính" Nguyễn Văn Lai từng chia sẻ rằng anh đã ăn tập trong suốt... 10 năm chỉ để được đứng ở bục nhận huy chương SEA Games.
Dự SEA Games cũng là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để giúp các VĐV đến gần với người hâm mộ hơn. Thử hỏi, ăn tập cả năm trời, nhưng nếu không có SEA Games thì liệu mấy người trong số những Đỗ Thị Thảo (2 HCV điền kinh SEA Games), Nguyễn Văn Lai (2 HCV điền kinh SEA Games), hay Nguyễn Minh Châu (2 HCV bắn súng SEA Games) được biết đến.
Họ vẫn phải bỏ những hạnh phúc giản đơn như xạ thủ Nguyễn Thành Đạt không được nhìn thấy con chào đời, để chiến đấu vì Tổ quốc, nhưng lại chẳng được chú ý vì "không ai nhớ mặt đặt tên".
Tiền thưởng SEA Games giúp Phạm Thị Bình nuôi em ăn học |
Danh vọng và sự nổi tiếng, suy cho cùng vẫn chỉ là thứ phù phiếm. Có một thứ nguyên nhân thật hơn, bản ngã hơn và cũng thiết thực hơn khiến chẳng một VĐV nào muốn bỏ SEA Games, ấy là vì... tiền.
Ngoại trừ các cầu thủ bóng đá nam, còn lại đa phần cuộc sống của các VĐV khá gian khó. Thi thoảng, báo chí lại lật lên một vụ VĐV này phải bươn chải mưu sinh, VĐV kia phải lăn lộn giữa dòng đời. Và vì thế, số tiền thưởng lên tới 51 triệu cho 1 chiêc HCV (6 triệu thưởng nóng + 45 triệu thưởng của Nhà nước) quả thực là quá lớn. Nó đủ sức giúp bà mẹ Như Ý môn judo có điều kiện mua sữa cho con, hay làm "nữ hoàng chân trần" Phạm Thị Bình tạm quên đi trách nhiệm phải nuôi cậu em trai học đại học trong vòng 2 năm.
Bỏ SEA Games đi, những gánh nặng cơm áo gạo tiền lúc nào cũng đè nặng lên đôi vai của các VĐV. Họ cũng là con người, và trách nhiệm với Tổ quốc chẳng thể tách rời được nghĩa vụ với gia đình.
SEA Games có thể nhàm chán, có thể đáng vứt đi, cũng có thể là cái "ao làng" trong mắt nhiều người, nhưng liệu có nên bỏ nó đi khi mà những đứa con vẫn coi đó là "nguồn sữa" chính.
Câu hỏi ấy không hề dễ trả lời!
Phan Nguyên
Bình luận