• Zalo

Bỏ 2 năm sự nghiệp, học thạc sĩ để mong 'nhảy cóc' mức lương

Giới trẻThứ Tư, 12/10/2022 18:12:57 +07:00Google News

Nhiều người đang có xu hướng theo học thạc sĩ từ sớm, đánh đổi tiền bạc, thời gian và nhiều chi phí cơ hội khác.

Tốt nghiệp cử nhân đại học cùng với kinh nghiệm làm việc từ khi là sinh viên năm thứ 2, Quỳnh Như (24 tuổi) có công việc với mức lương ổn định trong ngành truyền thông. Hiện tại, cô làm trợ lý sản xuất ở một công ty về kỹ xảo điện ảnh.

Trước đây, khi nói về chuyện học thạc sĩ, Quỳnh Như lắc đầu. Cô nhận định ngành truyền thông chỉ cần kinh nghiệm làm việc và "học thạc sĩ không quá quan trọng".

Thế nhưng, mọi suy nghĩ của Như đã thay đổi từ sau khi nghe lời tư vấn của một giảng viên: "Trong ngành truyền thông, bằng cử nhân đại học không quan trọng nên bằng thạc sĩ sẽ có giá trị nhiều hơn".

Các chuyên gia nhận định độ tuổi học thạc sĩ đang có xu hướng trẻ hóa và ngày càng nhiều người cân nhắc theo học thạc sĩ, nhưng khuyến cáo rằng người học nên xác định rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp, cũng như cân nhắc điều kiện của bản thân.

Bỏ 2 năm sự nghiệp, học thạc sĩ để mong 'nhảy cóc' mức lương - 1

Xu hướng học thạc sĩ đang trẻ hóa. (Ảnh: Sdsclub).

Mong muốn có tiếng nói hơn trong công việc

Đi làm trong ngành truyền thông từ sớm, Quỳnh Như nhận thấy những sinh viên được đào tạo ở đại học đôi khi không đủ sức cạnh tranh với các ứng viên tay ngang đã có kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, theo Như, nếu sở hữu tấm bằng thạc sĩ, sức cạnh tranh của bản thân sẽ tăng hơn nhiều trong thị trường lao động.

Đối với Quỳnh Như, việc sở hữu tấm bằng thạc sĩ (ở nước ngoài) giúp bản thân có tiếng nói hơn trong công việc. Cô cho rằng bằng cử nhân đại học khó có thể giúp cô thuyết phục mọi người khi muốn đưa ra lời khuyên và định hướng.

Quỳnh Như thích làm phim và muốn tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật truyền thông. Cô hy vọng kiến thức được học tại chương trình thạc sĩ sẽ giúp bản thân thay đổi về tư duy làm phim. Vì vậy, Như chọn theo học chương trình đào tạo thạc sĩ Nghệ thuật truyền thông ở ĐH Bangkok (Thái Lan) vào tháng 5 năm sau. Cuối năm nay, Như sẽ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS để hoàn tất hồ sơ đăng ký học.

Khác với Quỳnh Như, ý định học thạc sĩ của Trần Nguyễn Quỳnh Giang (22 tuổi) lại sớm hơn - từ khi còn là sinh viên năm thứ 4. Theo Giang, học thạc sĩ là cột mốc quan trọng để cô chứng minh năng lực bản thân với gia đình và xã hội sau khi đã có tấm bằng cử nhân.

Quỳnh Giang đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông cho một trường đại học ở TP.HCM. Sắp tới, cô sẽ theo học chương trình đào tạo thạc sĩ Báo chí tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

"Tôi là cử nhân ngành Báo chí. Công việc hiện tại của tôi cũng liên quan viết lách, lấy tin, biên tập... Vì vậy, tôi nghĩ học lên thạc sĩ sẽ giúp mình có kiến thức chuyên sâu hơn để hỗ trợ cho công việc. Khi học thạc sĩ, tôi còn có thể gặp gỡ nhiều người để xây dựng mối quan hệ", Quỳnh Giang nói.

Bỏ 2 năm sự nghiệp, học thạc sĩ để mong 'nhảy cóc' mức lương - 2

Thúy An vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM. (Ảnh: NVCC).

Đầu tư thời gian, tiền bạc

Để chuẩn bị cho quá trình học chương trình đào tạo thạc sĩ Nghệ thuật truyền thông ở ĐH Bangkok (Thái Lan) vào năm sau, Quỳnh Như xác định từ bỏ công việc trợ lý sản xuất ở công ty về kỹ xảo điện ảnh.

Công việc này đang mang về cho cô mức thu nhập ổn định là hơn 22 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Quỳnh Như còn phải đối diện với việc mất đi cơ hội thăng tiến khi đi học thạc sĩ ở nước ngoài.

Trước quyết định của Như, gia đình và bạn bè xung quanh khuyên cô cân nhắc vì học thạc sĩ sẽ tốn nhiều thời gian. Bố mẹ cũng phải hỗ trợ một phần kinh phí học tập khi cô không thể duy trì công việc hiện tại. Quỳnh Như dự đoán bản thân sẽ phải chi khoảng 400 triệu đồng (bao gồm cả học phí và chi phí sinh hoạt) cho 2 năm học thạc sĩ ở ĐH Bangkok.

"Tôi biết, hoàn thành 2 năm học, trở về nước phải bắt đầu lại. Tôi sợ lúc đó mình sẽ 'ngán'. Tuy nhiên, tôi vẫn chấp nhận đánh đổi 2 năm học thạc sĩ để quay về và bắt đầu ở vị trí cao hơn trong công việc. Vì vậy, tôi đã thuyết phục gia đình đồng ý quyết định này hơn một năm qua", Quỳnh Như nói.

May mắn hơn Quỳnh Như, Lê Nguyễn Thúy An (22 tuổi) được gia đình ủng hộ việc học chương trình đào tạo thạc sĩ, ngay sau khi cô tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh doanh quốc tế ở ĐH Kinh tế TP.HCM.

Gia đình hỗ trợ về học phí, vì vậy, Thúy An không quá đắn đo khi quyết định theo học chương trình đào tạo thạc sĩ Tài chính hướng ứng dụng ở ĐH Kinh tế TP.HCM vào năm sau. Cô quan tâm nhiều hơn đến việc tập trung đầu tư thời gian và công sức để học tập hiệu quả.

Thúy An mong muốn chương trình học thạc sĩ giúp bản thân củng cố, hiểu rõ hơn về kiến thức tài chính và các kiến thức liên quan đến quản trị, marketing, xuất nhập khẩu. Cô dự định chuyển hướng làm chuyên viên - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ứng dụng; sau đó, nghiêm túc suy nghĩ đến việc mở công ty và kinh doanh.

Tương tự Thúy An, Quỳnh Như, Quỳnh Giang, hiện nay, không ít người chấp nhận bỏ thời gian, tiền bạc, thậm chí từ bỏ công việc tốt để học lên thạc sĩ. Chia sẻ với Zing, TS Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP.HCM - đánh giá những học viên cao học đều xác định rõ động cơ học tập phù hợp với nhu cầu của bản thân. Họ muốn nâng cao trình độ và bằng cấp để giúp công việc tốt hơn hoặc tăng cơ hội thăng tiến.

"Trước đây, nhiều bạn chọn học thạc sĩ sau khi đã đi làm một thời gian để có tài chính đầu tư cho việc học. Ngày nay, gia đình của các bạn đã hỗ trợ về học phí, họ cũng không quá khó khăn để lo cho các bạn học tiếp", ông Quốc Anh nói thêm.

Theo quan sát của TS Nguyễn Quốc Anh, việc học thạc sĩ đang dễ tiếp cận hơn. Điều này thể hiện ở số lượng học viên có nhu cầu đăng ký chương trình đào tạo thạc sĩ ngày càng tăng. Độ tuổi học viên cũng có xu hướng trẻ hóa trong vài năm trở lại đây.

Tuy nhiên, ông nhận định chương trình đào tạo thạc sĩ đòi hỏi người học nỗ lực nhiều để nghiên cứu chuyên sâu, vì vậy, học viên cần sắp xếp thời gian, công việc, sinh hoạt cá nhân và hoàn cảnh gia đình nếu muốn tham gia học tập.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn