• Zalo

Bình yên nơi biên giới Lào Cai

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 28/05/2014 06:32:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhân chuyến công tác lên Lào Cai, nơi có cửa khẩu quan trọng, chúng tôi đã có chuyến đi dọc biên giới để ghi nhận tình hình.

(VTC News) - Nhân chuyến công tác lên Lào Cai, nơi có cửa khẩu quan trọng, chúng tôi đã có chuyến đi dọc biên giới để ghi nhận tình hình.

Ở Hà Nội, nghe nhiều lời đồn thổi về bất ổn nơi biên giới sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến không ít người lo lắng. Nhân chuyến công tác lên Lào Cai, nơi có cửa khẩu Hà Khẩu quan trọng, chúng tôi đã có chuyến đi dọc biên giới để ghi nhận tình hình.

Chúng tôi theo chân "người rừng" Trần Ngọc Lâm, với những biệt dược chỉ có ông mới tìm ra mà báo VTC News đã đề cập trong nhiều phóng sự về ông, vào vùng rừng giáp biên để tìm cây thuốc.

Xe chạy dọc tuyến biên giới Việt – Trung, con đường dài 130km, bắt đầu từ Hà Khẩu, vòng lên A Mú Sung, nơi con sông Hồng chảy vào nước Việt, rồi theo đường biên ngược sang Ý Tý, trèo qua những dãy núi mờ sương, án ngữ biên giới, giáp tỉnh Lai Châu, để cảm nhận không khí những ngày ngập tràn lời đồn đoán.

Hàng hóa qua Hà Khẩu thì ít, mà qua các cửa khẩu tiểu ngạch thì nhiều. Vận chuyển hàng lậu hai bên bờ sông Hồng và sông Nậm Thi thì lúc nào cũng tấp nập bất kể ngày đêm. Từng đoàn xe tải chở quặng vẫn kiên nhẫn nhúc nhích bò lên Bát Xát.

Điều dễ nhận thấy, là các đồn biên phòng dọc biên giới vắng bóng áo xanh của các chiến sĩ. Ở trụ sở, chỉ có một, hai chiến sỹ làm nhiệm vụ trực ban, còn lại thì tuần tra biên giới.

lào cai
Cuộc sống ở Y Tý vẫn bình yên 

Những ngày này, trong khi dưới xuôi nắng như đổ lửa, thì đất trời Ý Tý vẫn mát như trong… tủ lạnh. Theo ông Trần Ngọc Lâm, Ý Tý nằm trên dãy núi cao hình cánh cung phía đông, giữ mây, đón gió, nên khí hậu lúc nào cũng lạnh hơn Sapa 2-3 độ C. Chính vì thế, những ngày này, Ý Tý vẫn đón những đoàn khách du lịch, những bạn trẻ ưa mạo hiểm đi xe máy từ Hà Nội lên. Ý Tý vẫn bình yên như vốn có.

Tôi cuốc bộ lên đỉnh Nhìu Cồ San, vùng đất cao vọt hẳn trên mây, nhìn sang bên kia là lãnh thổ Trung Quốc. Từ con đường mòn lộ ra từ rừng, Ly Gờ Xa cõng trên lưng can rượu trắng.

Tôi hỏi Ly Gờ Xa vì sao lại cõng rượu từ rừng rậm đi ra, Ly chỉ tay về phía dãy núi án ngữ trước mặt bảo: “Mình mới sang nhà một người anh em, ở dãy núi kia kìa. Bên đó là đất Trung Quốc rồi. Anh em mình ở Trung Quốc nhiều lắm. Bạn bè cũng có ở bên đó nhiều. Ngày nào mình cũng sang bên đó mua bán hàng hóa, uống rượu với mọi người vui lắm. Trưa nay uống rượu say rồi, lại được tặng can rượu cõng về”.

Tôi hỏi tình hình biên giới Trung Quốc, Ly Gờ Xa xua tay bảo: “Không có chuyện gì phức tạp đâu. Người Việt Nam với người Trung Quốc vẫn đi lại bình thường, mua bán hàng hóa, quý mến nhau lắm”.

lào cai
Một góc Ý Tý 

Tôi tìm đến nhà Tráng A Lử, Chủ tịch UBND xã Y Tý, nhưng không thấy anh ở nhà. Cuốc bộ lên đỉnh núi sau nhà, thì gặp Tráng A Lử đang làm nương giúp vợ. Tôi hỏi vui: “Nghe nói đàn ông Hà Nhì chỉ biết trông con và uống rượu, sao anh Lử lại biết làm nương thế?”.

Tráng A Lử buông cuốc cười vui: “Đúng là phong tục người Hà Nhì ở đây còn nhiều hạn chế. Đàn ông thì lười biếng, để hết việc nặng nhọc cho phụ nữ làm. Nhưng giờ xã hội văn minh rồi, mình phải làm gương, phải thay đổi nếp sống lạc hậu ấy chứ”.


Bàn chuyện Biển Đông, Tráng A Lử bảo rằng, từ nhiều ngày nay, anh vẫn đều đặn xem thời sự và rất buồn vì đất nước khổng lồ ngay bên kia dãy núi Ý Tý lại có hành động không đẹp, xâm phạm vùng biển Việt Nam. Anh cho hay: “Mấy hôm nay, mình cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ hỏi tình hình biên giới. Mọi người ở bên dưới cứ lo lắng cho vùng biên phên dậu, nhưng mình khẳng định là biên giới bình yên lắm, không có gì đâu. Đồng bào Hà Nhì, Dao, Giáy ở Ý Tý vẫn giao lưu bình thường, như anh em với nước bạn thôi. Bên đó cũng toàn bạn bè, người nhà thôi mà”.

Con đường nhỏ lao xao lau lác, chạy ven sông Hồng dẫn đến Đồn biên phòng A Mú Sung, mảnh đất thiêng liêng, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Đã bắt đầu mùa mưa, nhưng sông Hồng vẫn nhỏ xíu, trơ đá, nhiều chỗ tưởng như có thể lội qua được. Ông Lâm bảo, ngày xưa, sông Hồng cuộn đỏ, dữ dằn lắm, nhưng giờ Trung Quốc xây dựng nhiều thủy điện, nên mới cạn trơ đáy như vậy.

Đồn biên phòng A Mú Sung quản lý đường biên giới dài 27 km, với 4 cột mốc, được đánh số từ 90 đến 94. Trong những ngày này, những người lính biên phòng đều nhận được chung một câu hỏi: “Tình hình biên giới ở đây thế nào các anh?”. Và, câu trả lời là: “Nhìn chung bình yên anh ạ”.

Đường biên giới đã được minh định rõ ràng. Từng viên đá, từng lạch nước, gốc cây đã được phân chia rành mạch, nhưng ai biết được dã tâm của người hàng xóm, khi đã cả ngàn năm qua, họ không bao giờ thôi ý định xâm lược. Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển họ còn vi phạm trắng trợn, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, máu thịt Tổ quốc họ còn chiếm đóng ngang nhiên, thì làm sao chúng ta có thể tin họ được.

lào cai
Cột mốc ở Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt 

Đứng bên cột mốc 92, đặt trên mẩu đất tận cùng, đúng ngã 3 sông Lũng Pô và sông Hồng, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nhìn gương mặt sông Hồng ửng đỏ trong ráng chiều, mà lòng bồi hồi khó tả. Từ đây, dòng sông Cái chảy vào nước Việt, tạo ra đồng bằng rộng lớn, nơi sinh cư của tổ tiên người Việt mấy ngàn năm nay.

Ông Trần Ngọc Lâm, người có cả chục năm làm thuê, sinh sống ở Trung Quốc, nên rất hiểu người Trung Quốc. Ông bảo: “Cứ nhìn chiến sự 1979, thì sẽ hiểu rõ người Trung Quốc. Họ tấn công, xâm lược người anh em mà không cần biết đến liêm sỉ, bất chấp dư luận quốc tế. Thế nên mới có chuyện, khi lính biên phòng hai nước mới giao lưu hôm trước, mà hôm sau đã xảy ra chiến sự.

Hồi đó, Trung Quốc kéo pháo, đưa bộ binh sang tràn ngập đất Lào Cai, mà người dân còn tưởng bộ đội mình. Sự mất cảnh giác đã để lại bài học đau đớn”.

Trong cuộc chiến đó, những người lính biên phòng A Mú Sung đã anh dũng ngã xuống bởi sự tập kích bất ngờ của đối phương. Hỏa lực bên kia biên giới bắn sang như trút lửa. Xe tăng, bộ binh địch tràn qua sông. 30 lính biên phòng A Mú Sung trong ngày 17/2 năm ấy, đã đánh đến viên đạn cuối cùng và hy sinh oanh liệt.

lào cai
Bên kia sông Hồng là Trung Quốc 

Trên tấm bia nơi mảnh đất địa đầu, vẫn khắc tên 30 người lính, trong đó có 24 người hy sinh vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, đó là ngày 17/2/1979.

Nhưng cuối tấm bia nơi Đồn biên phòng A Mú Sung, lại bổ sung thêm tên tuổi của 5 người lính biên phòng nữa, hy sinh vào ngày 17/2/1984, đúng 5 năm sau cuộc chiến tranh biên giới.

Và, có một câu chuyện buồn ở A Mú Sung, vào những ngày đất nước thanh bình, biên giới yên ả, đó là sự hy sinh của người lính trẻ, Trung úy Trần Văn Duẩn, cũng đúng vào cái ngày định mệnh 17/2/2011.

Người lính trinh sát biên phòng, thuộc Đồn biên phòng A Mú Sung ấy, đã mất mạng bởi dòng sông Hồng cuộn đỏ, đúng nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, trong đêm truy kích nhóm người Trung Quốc xâm nhập biên giới trái phép.

Cái chết anh dũng của Trung úy Trần Văn Duẩn đã làm dày thêm dòng chữ trên tấm bia tưởng niệm, nhưng thêm lần nữa khẳng định chủ quyền biên giới thiêng liêng là bất biến.

Ghi chép Dương Phạm Ngọc
Bình luận