• Zalo

Biệt dị sau mỗi cái tên ở U23 Việt Nam

Thể thao Thứ Tư, 12/06/2013 07:03:00 +07:00Google News

Sau mỗi cái tên ở U23 Việt Nam luôn là những biệt danh rất 'dị' và nó sẽ theo mỗi cầu thủ đến hết đời.

Sau mỗi cái tên ở U23 Việt Nam luôn là những biệt danh rất 'dị' và nó sẽ theo mỗi cầu thủ đến hết đời.


Với các tuyển thủ, khi đứng trước giới truyền thông hay người hâm mộ, nhiều người thường được gọi bằng những cái tên đầy đủ "họ và tên". Nhưng với các thầy, đồng đội, họ gọi nhau bằng những biệt danh rất bình dị, vốn đã đi theo từ tấm bé hoặc khi mới bắt đầu gắn bó với trái bóng.

Thế nên ở trên sân, nhiều tuyển U23 Việt Nam vẫn được gọi với cái tên rất "độc". Có thể kể ra đây như hậu vệ phải, người thi đấu nổi bật nhất của đội ở trận thắng U23 Myanmar là Lê Quang Hùng hay còn gọi là Hùng "Bất Di".

Quang Hung va Manh Dung
Hùng "Bất Di" (20) đang nổi lên là một trong những hậu vệ cánh phải đầy hứa hẹn của bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Quang Minh) 

Sở dĩ, cầu thủ người Vụ Bản (Nam Định) này được gọi với cái tên lạ hoắc như vậy là bởi khi mới gia nhập lò đào tạo Nam Định, nhiều cầu thủ biết nhà Quang Hùng ở gần trại tạm giam Bất Di nên đặt luôn cho anh cái biệt danh này, để phân biệt, tránh nhầm lẫn với 1 đồng đội của anh là cầu thủ Hoa Hùng.

Trong khi đó, một người cùng tên Hùng ở bên cánh trái của tuyển là Xuân Hùng cũng được các đồng đội phân biệt rõ ràng với biệt Hùng "chuột". Hậu vệ người Thanh Trì (Hà Nội) thi thoảng vẫn cười tươi rói khi được các đồng đội gọi vui: "chuột mà, nên leo biên nhanh lắm". Trong khi đó, đá cùng vị trí với Hùng "chuột" là hậu vệ Hữu Phúc, cầu thủ người Vĩnh Phúc đầu tiên được lên tuyển đã gắn như keo với biệt danh Phúc "nhô".

Rồi ở tuyến phía trên, dù trong đội có 2 cầu thủ cùng tên là Minh Tuấn nhưng khi gọi tiền vệ Vũ Minh Tuấn, các đồng đội của anh lại thường xuyên gọi là Tuấn "đớp". Cái biệt danh này xuất hiện từ khi Minh Tuấn mới đi học và anh không ngần ngại tiết lộ rằng, do ngày bé ăn nhiều nên bạn bè đặt luôn là Tuấn "đớp".

Manh Dung
Dũng "con", nhỏ người nhưng sáng dạ và gan dạ (Ảnh: Quang Minh)

Trong khi đó, Mạnh Dũng, người đeo băng đội trưởng của U23 Việt Nam ở trận đấu vừa qua, dù được xem là anh lớn trong đội nhưng vẫn được gọi bằng cái tên thân mật: Dũng "con". Hay như trung vệ Mạnh Hùng với thể hình cao to và lối đá quyết liệt như thế lại được gọi với biệt danh Hùng "tiu".

Đó là chưa kể đến những cầu thủ ngồi ghế dự bị hay không đăng ký thi đấu ở trận gặp U23 Myanmar do bị chấn thương như Văn Thắng đã quá nổi tiếng với tên gọi Thắng "điếc". Rồi Nguyễn Văn Quyết rất ít khi được đồng đội gọi đủ tên mà thường được ngắn gọn thành Quyết "rừng".

Trong khi đó, ở vị trí thủ môn Bửu Ngọc được biết đến là Ngọc "ngố" và Tuấn Linh xuất hiện với cái tên siêu dị: Linh "phắn". Còn Duy "khỉ" (Tiến Duy), Hoàng "bò con" (Đình Hoàng)...đã quá quen với những biệt danh mà họ thường được nhắc đến trên sân tập của tuyển.

Những biệt danh, tên gọi thân mật của tuyển thủ vẫn được các thầy, đồng đội gọi như thế. Và giữa họ luôn có sự vui vẻ, hòa đồng. Chính điều đó đã bồi đắp, tạo nên tính đoàn kết, điều cực kỳ quan trọng để "cơ thể" đội tuyển ngày càng khỏe mạnh mà trận thắng U23 Myanmar vừa qua mới chỉ là bước khởi đầu.

Theo Bongdaplus
Bình luận
vtcnews.vn