• Zalo

Bí thư Hà Nội: 'Đường đang không đủ cho xe chạy'

Thời sựThứ Ba, 27/03/2012 05:09:00 +07:00Google News

(VTC News) - "Giao thông không những không đi trước một bước, mà còn là nút thắt hạn chế sự phát triển của KT-XH, đường đang không đủ cho xe chạy”.

(VTC News) - Sau 3 tháng Hà Nội thực hiện Năm an toàn giao thông quốc gia 2012, với hàng loạt các giải pháp nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc, sáng nay (27/3) UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo kết quả thực hiện với Thường vụ Thành ủy, HĐND Thành phố về vấn đề này.

Giao thông đang cản trở sự phát triển

Đánh giá về các giải pháp giao thông, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng: “Phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, vì vậy giải pháp chính là giảm mật độ phương tiện giao thông, tăng cường hạ tầng giao thông trong đô thị lõi, tăng cường kiểm tra xử phạt, di chuyển trường học, bệnh viện ra ngoại thành và hạn chế nhập cư vào đô thị trung tâm…”

Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá: “Ai cũng biết, giải quyết vấn nạn giao thông phải lâu dài và đồng bộ nhiều yếu tố. Công tác quy hoạch giao thông phải đi tắt đòn đầu, mở đường cho kinh tế xã hội”.

Quy hoạch giao thông Hà Nội đang trở thành vận cản sự phạt triển kinh tế-xã hội. 

“Hiện nay chúng ta đang ở trong tình thế quy hoạch, giao thông không những không đi trước một bước, mà còn là nút thắt hạn chế sự phát triển của kinh tế - xã hội, đường đang không đủ cho xe chạy”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận.
Về cái “thiếu” của giao thông Hà Nội, theo ông Nghị đó là ý thức tham gia giao thông, đây đang là cái kém nhất. Lẽ ra tính tự giác ấy phải được điều chỉnh bằng chế tài thật nghiêm nhưng chúng ta thiếu cả 2 thứ.

“Chúng ta muốn hạn chế phát triển ô tô cá nhân, mà mới bắt đầu đề ra các giải pháp đã thấy nói đụng tới quyền tự do mua sắm, quyền của mỗi người phải được hài hòa trong quyền chung của xã hội. Nếu chúng ta khuyến khích cái quyền cá nhân đến mức nào đó thì người có xe cá nhân được thực hiện quyền: Không đi được”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cảnh báo.

Vì vậy, theo ông Nghị, thời gian tới cần xác định cải thiện giao thông là vấn đề lớn, trước tiên phải nâng cao ý thức người dân, quy hoạch đồng bộ, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng với đường bộ, đường sắt trên cao, cùng với đó là giảm mật độ dân số khu vực lõi đô thị…

Không thể chậm trễ hơn nữa

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá: “Tình hình ùn tắc giao thông đã giảm, nhưng còn nhiều diễn biến phức tạp; Tai nạn giao thông đã giảm ở cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng vẫn còn ở mức cao; Thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; Quy hoạch còn nhiều yếu kém, bất cập…”

Ngoài ra, theo ông Khôi, hiện nay nhiều cơ chế, chính sách chưa kịp sửa đổi, chưa có cơ chế chính sách đủ hấp dẫn nhằm khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng điểm bãi đỗ xe. Vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, chất lượng dịch vụ chưa cao.Trong khi, dân số và phương tiện cá nhân vẫn tăng chóng mặt.
Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho rằng: “Thời gian qua giao thông đã có chuyển biến tích cực. Giao thông đã an toàn và thông suốt hơn. Số vụ ùn tắc giao thông từ 30 phút trở lên giảm 40%, còn dưới 30 phút vẫn phổ biến”.

Về vấn đề giải tỏa lòng đường vỉa hè, theo Thiếu tướng Trần Thùy, đấy là nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc, tai nạn giao thông. Vì vậy, đại diện Công an Hà Nội cho rằng: “Thời gian tới cần chỉ đạo giải tỏa lòng đường, vỉa hè. Chỉ đạo quyết liệt quy hoạch các bãi đỗ xe tĩnh, sớm đưa vào hoạt động, đặc biệt một số điểm đã có kế hoạch thực hiện trong tháng 9 năm nay”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Hoạt, phó chủ tịch HĐND TP. Hà Nội đánh giá: “Các vấn đề giao thông đô thị đang là vấn đề cực nóng của thành phố chúng ta. Từ 10 năm trước chúng ta đã đề ra các Nghị quyết để thực hiện, vấn đề là tư duy đúng, nhưng hành động không đúng với định hướng”.

Ông Hoạt lấy dẫn chứng, Hà Nội đưa ra Nghị quyết 07 về cải tạo chúng cư cũ, trong đó ghi rõ là cố gắng cải tạo trên cơ sở theo định hướng tái định cư tại chỗ, nhưng trong triển khai lại theo hướng nâng tầng; Triển khai di dời các nhà máy trong nội đô thì đa số các điểm di dời đã trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ cho thuê…

“Việc này có trách nhiệm của Thành ủy, HĐND trong giám sát, UBND Thành phố trong tổ chức thực hiện”, ông Hoạt thẳng thắn thừa nhận.

“Từ tình trạng ấy yêu cầu chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa”, ông Hoạn khẳng định.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn