• Zalo

Bi kịch cựu tuyển thủ Việt mất nghiệp, nợ bạc tỷ

Thể thaoThứ Sáu, 08/02/2013 06:00:00 +07:00Google News

Châu Phong Hòa đã từng là một thành viên ưu tú của đội tuyển quốc gia. Giờ anh là con nợ bạc tỷ còn sự nghiệp bóng đá xem như cũng đi tong.

Châu Phong Hòa đã từng là một thành viên ưu tú của đội tuyển quốc gia. Nhưng mọi thứ thay đổi như chong chóng. Giờ anh là con nợ bạc tỷ còn sự nghiệp bóng đá xem như cũng đi tong.


1. Ngày đó, Hòa bảo với người viết: “Có cách nào để xóa sạch quá khứ không, anh nhỉ? Em đã trở về “mo” rồi, số không hơi méo một tí cũng được, nhưng thực tình em muốn gây dựng lại sự nghiệp, làm lại cuộc đời. Nhưng, đi đến đâu cũng có điều tiếng này nọ, khó xin việc quá”.

Tôi chỉ cười và rằng: “Thế thì cứ nói thẳng ra, một lần và mãi mãi. Sẽ không ai nhắc lại nữa, nếu em thật sự muốn tu chí”. Và bài phỏng vắn ngắn với Hòa về những góc khuất của đời cầu thủ được thành hình theo cách đó.

Châu Phong Hòa ngày còn phong độ đỉnh cao

Phải nói luôn rằng có rất nhiều thông tin về Phong Hòa được đăng tải trên mặt báo suốt thời gian dài qua và phần lớn đều là những lời đồn thổi bất lợi. Nghĩ cũng đúng, bởi sau bao nhiêu chuyện như thế thì Phong Hòa làm sao có thể buộc người ta phải viết tốt về mình?!

Ví như có bận, Hòa về quê rủ đám bạn ăn chơi đi đánh bả chó của hàng xóm, bị tóm, rồi bị đánh tưởng đến chết. Cho đến khi Hoà phải buột miệng kêu lên: “Đừng đánh nữa, em cầu thủ Châu Phong Hòa đây”, người ta mới tha cho.

Chuyện Hòa thiếu nợ ở Đồng Tháp đến cả tỷ đồng cũng không ít người biết. Giờ chỉ cần thấy Hòa vác mặt về quê là bị “chụp” ngay. Chưa hết, dù đã ăn chực nằm chờ ở cái khu Tân Phú-Bình Tân (2 quận giáp ranh thuộc TP.HCM), nhưng một bận, Hòa đã bạo gan rủ bạn về phòng (tại nhà một người quen) để “chơi tới bến” và lập tức bị chủ nhà tống cổ ngay ra đường khi phát hiện được.

2. Trước khi về gia nhập đội bóng xóm chúng tôi, Phong Hòa đã phải cắm nợ cả tư trang, quần áo và giầy đá bóng ở Trung tâm Thành Long, vì không có tiền trả phòng khách sạn cho những ngày lưu trú ở đây để thử việc. Và rồi Hòa đã phải cầu cạnh hết người này đến người khác bảo lãnh. Cuối cùng, tài sản chuộc về là mấy đôi giầy cũ, cùng vài bộ quần áo cũng cũ.

Nói chung, những chuyện về Châu Phong Hòa có thể viết thành chuyện dài được, kể từ lúc Hoà đá cho Đồng Tháp, lên ĐTQG, chuyển về B.BD và cuối cùng là cập bến V.NB. Tổng giá trị chuyển nhượng cũng ngót nghét 3,5 tỷ đồng chứ đâu có đùa!

Đấy là chưa tính lương, thưởng cũng như các phụ cấp kèm theo với một cầu thủ thuộc hàng sao số. Nhưng Hòa đã phá hết, phá sạch và hiện còn âm cả tỷ đồng.


HLV Alfred Riedl đánh giá rất cao khả năng của Hòa

Sau bài báo như thể tự sự ấy, Hòa được người quen bảo lãnh  giới thiệu về đội hạng Nhì Tây Ninh. Trước ngày lên đường, anh em đội bóng xóm tôi tổ chức cho Hòa một bữa tiệc khá hoành tráng, kèm theo đó, Hòa không quên nói những điều tâm can và cả những lời hứa.

Nhưng, thoắt đi chừng độ một tuần, chúng tôi lại thấy Hoà thẫn thờ trở về gác trọ, về cái sân bóng phong trào của xóm vốn đã cưu mang Hoà suốt thời gian dài qua.

Gặng hỏi mãi, Hòa mới nói: “Người ta (lãnh đạo Tây Ninh-PV) bảo đủ người rồi”. “Sao họ không nói với em ngay từ ngày đầu lên tập trung nhỉ? Em tập tốt, đá cũng tốt, cứ tưởng được giữ lại, cho đến khi nhận được cái khoát tay”, Hòa nói tiếp.


Tối hôm đó, như mọi khi, Hòa lại say bí tỉ. Nhưng câu nói của hắn trước khi say, mới thật khiến chúng tôi ái ngại. “Em không có lựa chọn khác. Nếu không đá bóng, em sẵn sàng làm liều để có tiền. Phải có thật nhiều tiền mới giải quyết được vấn đề”.

Không biết “vấn đề” mà Hòa đề cập ở đây là gì, nhưng chắc không phải chuyện nợ nần, vì số nợ ấy (rất nhiều nguồn) đã được khoanh vùng thành nợ xấu rồi và Hòa gần như không có khả năng chi trả. Vậy Hòa cần nhiều tiền để làm gì?

3. Lúc trà dư tửu hậu, chúng tôi vẫn nói vui rằng “ngay lúc này thằng Hòa vẫn có thu nhập đến cả 20 triệu/tháng chứ không đùa”. Này nhé, một ngày Hòa đá khoảng 3 trận “phủi”, với trung bình 300.000 đồng kiếm được từ các ông bầu, vị chi là 9 triệu đồng/tháng.

Đấy là chưa nói đến những ông bầu hào phóng, những đàn anh thi thoảng vẫn đưa cho Hòa 5 trăm, 7 trăm, thậm chí cả tiền triệu để Hoà tiêu. Chưa kể hết, Hòa còn được ở nhờ, lại có cả phòng riêng, máy lạnh và truyền hình cáp. Sáng ra, hắn được anh em trong đội bóng xóm lo cho bữa ăn sáng, kèm theo ly café đá, quy ra “thóc”, cũng khoảng 200.000 đồng/ngày nữa.

Mà các đội bóng phong trào thì khi đá xong nào có chịu về nhà ngay, tất cả lại kéo nhau ra quán, trong đó có Hòa. Tại đó, Hoà được uống bia Heineken Pháp (loại chai nhỏ và khá đắt tiền), thêm chừng 7 chai/bữa nhậu, cũng có giá 200.000 đồng/ngày… Hỏi những người yêu thích các con số, tổng thu nhập của Hòa có phải đến 20 triệu đồng/tháng không?! Vậy còn mơ ước gì nữa?!

Bao nhiêu cầu thủ Việt sắp sửa lụn nghiệp?

Nhưng, Hòa vẫn cứ mơ. Hoà mơ được tiếp tục đá bóng đỉnh cao, được sống bằng tiền công đá bóng của mình, chứ không phải ăn nhờ ở đậu. Đúng là Hòa vẫn yêu nghề lắm. Và nữa, Hòa cũng muốn phục thiện, muốn sửa sai và muốn làm lại cuộc đời, như đã nhắc.

Nhưng vấn đề là ai cho Hòa cơ hội làm lại? Ai cho Hòa phục thiện? Những câu hỏi ấy cứ bủa vây lấy Hoà, khiến hắn quẫn và sẵn sàng “làm liều để có tiền”. Có thể Hòa cần phải có tiền để chí ít có thể tự nuôi sống chính mình. Chẳng phải Châu Phong Hòa đã từng là ngôi sao một thời sao?!

“Chuyên môn của hắn thì không cần bàn cãi. Thậm chí ngay bây giờ, nếu tập luyện nghiêm túc, hắn vẫn đủ sức khoác áo ĐTQG. Nhưng vấn đề là ở chỗ Hòa và những người như Hòa có chịu thay đổi hay không”, đấy là lời HLV trưởng một CLB mà Phong Hòa từng gõ cửa xin thử việc.

Quả là quá chua chát! Người duy tâm bảo, nghề nào cũng có ông tổ cả và nếu phản lại ông tổ nghề thì dễ thân tàn ma dại lắm.

Muốn sống tiếp thì chỉ còn cách chuyển hướng làm ăn. Mà phàm đã là cầu thủ sao số, từng có vài tỷ bỏ túi, họ có chịu được khổ không? Đấy mới là mâu thuẫn lớn, thậm chí là rất lớn. Không muốn ăn mày dĩ vãng, nhưng ngay lúc này, bảo số cầu thủ nọ đổi nghề thì cũng khó như bắt cá leo lên bờ mà sống vậy.

4. Trở lại với chuyện cái Tết của Hòa. Từ nhiều ngày nay, chúng tôi không gặp Hòa nữa. Không ai biết Hoà đi đâu, làm gì. Và Hòa, Tết này có lén về quê thăm con được ít bữa, hay ăn Tết trong nhà nghỉ, khách sạn, hoặc nữa có biệt xứ, cũng chẳng ảnh hưởng gì tới ai.

Nghĩ là nghĩ thế thôi, chứ cứ nhắc đến Hoà, cứ nhìn Hoà ngấu nghiến đĩa cơm sườn, rồi uống cốc bia vội đến vã cả mồ hôi hột, lại thương. Chí ít thì Hoà cũng cùng một đội, dù là đội bóng xóm, nghĩa tình đâu phải nét bút chì mà muốn xóa thì xóa đâu.

Có người vẫn thi thoảng đưa cho Hoà ít tiền tiêu vặt để sống qua ngày, cho hắn ở nhờ hoặc thuê cả phòng khách sạn (loại rẻ tiền) cho Hoà sống…, như đã nhắc ở trên; nhưng người thương Hoà thật thì quăng cho Hoà cái cần câu cơm, để chí ít Hoà còn cảm giác sống được bằng nghề, chí ít vẫn còn cảm thấy mình có ích, còn thấy chút niềm vui trên sân cỏ.

Chỉ là sau tất cả những gì đã xảy ra, với rất nhiều những lời giới thiệu, đảm bảo và thậm chí là bảo lãnh cho Hòa, nhưng bất thành…, cứu cánh duy nhất cho Hòa lúc này vẫn là những trận bóng “phủi”. Có điều, giờ Tết nhất đến nơi rồi, cơ quan đoàn thể gọi nhau tổ chức tất niên, rồi ai về nhà nấy và đến cả tháng sau mới tụ tập để đá bóng trở lại, thì Hòa tìm đâu ra những trận bóng “phủi” để kiếm cơm đây?

Phong Hòa không thể đắp chiếu ngủ đông được, bởi Hòa đâu phải là gấu? À, mà có khi Hoà là gấu thật. Trên bả vai Hoà và ở một vài điểm khác của cơ thể, hắn vẫn xăm cả họa tiết, kèm theo dòng chữ: “Gấu yêu Mèo”. Gấu là Hòa, còn Mèo chắc là cô người yêu bé nhỏ nào đấy. Nghe Hoà kể, cô gái quê tận Đà Lạt và vẫn thường hay giận dỗi mỗi lúc Hòa không gọi điện hỏi thăm hoặc khi Hòa ghen bóng, ghen gió. Nhưng đấy là chuyện riêng của Hòa. Cuộc sống, ai chẳng có những góc khuất, ai chẳng có góc riêng tư.

Hỏi, góc khuất của Châu Phong Hòa có giống đại bộ phận các góc khuất của những cầu thủ bạc tỷ hiện đang cùng cảnh ngộ không?! Đấy mới là điều nhức nhối của cả nền bóng đá chứ chẳng còn là vấn đề riêng của cựu tuyển thủ ĐTQG này nữa.


Theo TTVH

Bình luận
vtcnews.vn