Thật thú vị khi biết rằng, những bức tường dày đặc thông in quảng cáo như “khoan cắt bê tông”, “thông tắc bể phốt” trên các đường phố, ngõ ngách Hà Nội lại khiến không ít du khách phương Tây mê mẩn. Họ coi đó như những “tác phẩm nghệ thuật đường phố” có màu sắc và phong cách độc đáo. Một số người Pháp thì xúc động bởi chúng gợi cho họ nhớ về hình ảnh một Paris xa xưa, ở những khu lao động nghèo từng thịnh hành lối quảng cáo trên tường.
Ảnh minh họa - Internet |
Thế nhưng nếu thạo tiếng Việt, chắc hẳn mấy ông Tây này sẽ phải đỏ mặt khi đọc được thông điệp được lặp lại khá nhiều lần trên các bức tường dọc phố: “Cấm đái bậy”. Ở thế kỷ 21, cái hành vi bị cấm đó, lạ thay, vẫn tái hiện thường xuyên trong mắt người qua đường, như một thứ “đặc sản” trái khoáy của Hà Nội thanh lịch. Những người sống ở Hà Nội chắc chẳng có ai chưa từng chứng kiến cảnh đó. Thủ đô mà còn như vậy, huống chi các địa phương khác.
Con trai tôi từng kêu toáng lên thán phục trong một buổi chiều hè ra phố: “Bố mẹ ơi, chú kia siêu thế!”. Háo hức nhìn theo tay con, tôi giật mình khi thấy một thanh niên đang thư thái đứng “giải quyết nỗi buồn” trên bờ kè hồ Tây. Đang chưa hiểu thằng bé khen “siêu” cái nỗi gì thì nó thỏ thẻ: “Ở trường, bọn con đi nhà vệ sinh hay thi xem đứa nào tè được cao hơn, nhưng chẳng có đứa nào cao vút được như chú kia. Trông mặt chú ấy phê thật đấy, chắc tại gió mát”. Tôi phải cắt ngang sự hào hứng của thằng bé , vốn phát khởi từ dáng điệu hưởng thụ không hề vội vã hay ngượng ngùng của kẻ “mắc bệnh tiểu đường” kia, để giải thích cho nó rằng đó là hành vi không được làm ở nơi công cộng.
Kể từ lần đầu tiên đó, con trai tôi hễ nhìn thấy ai tè bậy ngoài đường là xấu hổ quay mặt đi. Thế là nó cũng đã tham gia vào một nghịch lý của người Việt chúng ta: Kẻ có hành vi hớ hênh hay thô bỉ thì thản nhiên như không, trong khi người bị làm phiền bởi hành vi đó lại ngượng chín người. Tiểu đường, nhổ nước bọt ngay trên nền đá hoa, mặc đồ ngủ ra đường, hay vô tư phô ba phần tư cặp mông bị chiếc quần cạp trễ đẩy ra trước bàn dân thiên hạ… là chuyện có thể gặp ở bất cứ đâu. Trong khi một đứa trẻ mẫu giáo cũng biết đỏ mặt khi thấy cảnh chướng mắt thì những người trưởng thành lại không có khả năng này ngay cả khi đang phơi bày những gì riêng tư nhất trước hàng trăm con mắt. Không thể không tự hỏi: “Lòng tự trọng của họ để đâu rồi?”.
Ấy vậy mà lòng tự trọng của những con người “hồn nhiên, thoải mái” đó nhiều khi lại cao dễ sợ, và độ nhạy cảm của lòng tự ái cũng ở mức kinh hồn. Họ miễn dịch với cả những ánh mắt nhiều ngụ ý nhất khi đứng “tè đường”, nhưng trong hoàn cảnh khác lại thấy nhột ngay lập tức với một ánh mắt vô tình nào đó. Sự nhạy cảm khiến họ không thể chịu nổi ánh nhìn kia, và phản ứng cực mạnh: “Thằng kia mày nhìn cái gì, hả?”. Đã có không biết bao nhiêu vụ án mạng hoặc gây thương tích chỉ bắt nguồn từ một cái “nhìn đểu” trên phố, trong làng như vậy. Một cậu thanh niên trọ gần nhà tôi từng bị đánh toạc đầu, phải khâu mấy mũi cũng chỉ vì: “Em xếp hàng mua vé xe, dịp lễ nên đông người, phải xếp hàng rất lâu. Gần đến lượt em thì có một thằng ở đâu đến xồng xộc chen ngang, đẩy bật cả cô gái trước mặt em ra. Em bức xúc nhưng thấy nó đầu gấu nên chẳng dám nói gì, chỉ nhìn nó lâu lâu một chút, thế mà lúc em mua vé xong ra ngoài thì bị nó với một thằng đi cùng chặn đánh vì tội nhìn đểu nó”.
Trần Tùng, học viên một trường trung cấp nghề ở Hưng Yên, có lần đánh bạn cùng trường đến nỗi phải đi bác sĩ vì anh chàng không quen biết này cứ nhìn chằm chằm bạn gái Tùng khi họ ở trong quán nước. Lúc đầu, thấy khó chịu, Tùng hỏi anh bạn kia: “Này, ông quen cô ấy hả? Quen thì chào chứ nhìn gì lắm thế?”. Cậu kia quay đi, nhưng thỉnh thoảng lại nhìn trộm, có lúc quên cả uống nước. Tùng sửng cồ lên gây sự. Thấy Tùng làm dữ, cậu kia thanh minh là tại thấy giống một người quen nên mới nhìn, nhưng cơn giận đã bốc lên, Tùng xông vào đánh. Khi mọi người lôi được Tùng ra để đưa nạn nhân đi băng bó, chàng ta vẫn hung hăng: “Nó dám nhìn như thế là nó khinh tao, nếu không cho nó biết tao là ai thì còn gì là danh dự của thằng này nữa”. Thế mà ngày thường, mấy chủ quán quanh trường đến đòi nợ và mắng ra rả, chả thấy Tùng "lăn tăn" đến danh dự bao giờ.
Anh Lê Văn Khôi, chủ một công ty TNHH tại Hà Nội, đã bao phen đau đầu vì cậu quý tử. Cậu này đẹp trai, rất biết ăn mặc và ăn nói, nhưng không thích học hành, chỉ đua đòi các ngón chơi. Sau mỗi lần muối mặt đến gặp giáo viên vì “thành tích” học tập be bét và thói bỏ học đi chơi của con, hay vác tiền đi chuộc xe máy, laptop, điện thoại… bị con trai cắm nợ, anh Khôi lại lôi quý tử ra mắng té tát, nhưng cu cậu lỳ mặt ra chịu trận, rồi sau đó đâu lại vào đấy, đến nỗi anh phải rít lên: “Làm thằng con trai chừng ấy tuổi đầu mà sao mày không có chút tự trọng, tự ái nào thế hả con?”.
Bởi vậy, anh Khôi mới sửng sốt đến nhảy dựng lên khi có lần cậu con trai bị nhà trường kỷ luật về tội đánh bạn, và cậu giải thích: “Vì nó xúc phạm đến danh dự đàn ông của con”. Khi hỏi kỹ danh dự bị xúc phạm thế nào, cậu ấm cho biết: “Cái thằng đó nó dám cưa bạn gái con, ngang nhiên tặng hoa, đưa thư tỏ tình, mặc dù nó biết thừa cô ấy là hoa đã có chủ. Con mà để yên thì còn mặt mũi nào nữa, chúng nó sẽ khinh cho”. Anh Khôi vừa buồn cười vừa tức: “Thế mày học dốt, vô tích sự, bị bêu danh không biết mấy chục lần, sao không sợ ai khinh?”.
Có thể ai đó sẽ nói: Hành vi của những cậu thanh niên ở trên cũng xuất phát từ lòng tự trọng đấy chứ, cũng là tự nguyện vọng không muốn ai khinh khi, "bỉ mặt" mình, rằng tính cách, quan điểm, trình độ giữa mọi người khác nhau nên biểu hiện của lòng tự trọng cũng khác nhau. Nhưng có lẽ, không nên quên một điều: lòng tự trọng thực sự bao giờ cũng chỉ hướng con người ta đến những hành động tốt đẹp mà thôi.
Theo Đất Việt
Bình luận