• Zalo

Bí ẩn về 3 lần nhập quan của Từ Hy thái hậu

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 20/05/2012 08:43:00 +07:00Google News

Từ Hy còn được ghi vào sử sách Trung Quốc về một đám tang chẳng giống ai và thi hài 3 lần nhập quan mà vẫn chưa được an nghỉ.

Được xem là người phụ nữ nắm quyền lực cao nhất của đế quốc Trung Hoa - nơi vốn có tư tưởng kỳ thị phụ nữ nặng nề, Từ Hy Thái Hậu đã viết nên một trang sử mới cho lịch sử gần 5000 năm của đất nước rộng lớn này. Không chỉ được người đời nhớ đến khi còn sống, Từ Hy còn được ghi vào sử sách Trung Quốc về một đám tang chẳng giống ai và thi hài 3 lần nhập quan mà vẫn chưa được an nghỉ.

Những bí ẩn quanh lăng mộ Từ Hy Thái Hậu

Ngay từ khi sinh thời, Từ Hy Thái Hậu đã nổi tiếng là người sành ngọc, trang sức của bà trên người cũng phong phú và lắm bí ẩn như cuộc đời của bà. Đức Từ Hy là người rất yêu thích các loại đồ vàng ngọc, trân châu, mã não, ngọc phỉ thuý… cho nên trước khi biết mình khó có thể cãi lại mệnh trời, bà đã lên kế hoạch đem vào quan tài của mình những thứ trang sức qúy giá nhất để nếu có xuống âm phủ thì bà cũng có tiền của… để chi tiêu dần dần. Trong tài liệu lịch sử mà giới sử gia uy tín của Trung Quốc hiện còn lưu giữ được vẫn còn ghi chi tiết "kho báu" đã an táng theo Từ Hy Thái Hậu từ năm 1908.

Trong bộ sách "Ái Nguyệt Hiên" do thái giám Lý Liên Anh tự chuẩn bị và ghi chép đầy đủ về đám tang của Từ Hy đã thể hiện đủ các chủng loại, số lượng, vị trí và giá trị của các món đồ tùy táng đắt giá trong lăng mộ của Từ Hy.

Theo đó, phía dưới quan tài đặt ngọc thể của Từ Hy có lót bằng một loại gấm qúy hiếm được dệt bằng các sợi tơ vàng, tấm gấm sợi vàng này dầy đến 7 tấc, hai mặt tấm gấm có đính đến 2.604 hạt trân châu, 85 viên đá qúy các loại và 203 miếng bạch ngọc. Phủ trên bề mặt di hài của Từ Hy là một tấm chăn thêu bộ kinh Đà La Ni, tấm chăn tinh xảo này cũng được dệt bằng các sợi tơ vàng nguyên chất, trên mặt khắc 25.000 chữ kinh Phật, hai mặt tấm chăn thêu này cũng được đính khoảng 820 viên trân châu sáng lấp lánh cực qúy hiếm.
Quang cảnh đám tang của Từ Hy Thái Hậu vào năm 1908. 

Khi nhập liệm quan tài, đầu Từ Hy được đội mũ Phụng Quán, điểm đặc biệt của chiếc mũ này là phần trên chóp mũ có gắn một viên trân châu to bằng quả trứng gà, theo giá trị thời đó là 10 triệu lượng bạc trắng.

Chưa hết, trong miệng của Từ Hy được cho ngậm một viên dạ minh châu, tương truyền đấy là một loại ngọc qúy giá vô ngần, tương truyền thứ minh châu này có thể phát ra ánh hào quang rực rỡ trong đêm tối, ánh sáng của nó có thể phát xa đến 100 bước chân, và điều huyền diệu là nếu ai ngậm dạ minh châu thì có thể khiến thi thể trở nên bất hoại, dung nhan tươi mãi với thời gian, không biết huyền thoại có đúng không, chỉ biết là khi những tên đào mộ xâm nhập vào lăng tẩm Từ Hy, thứ qúy nhất mà chúng nôn nao tìm kiếm không phải là kho vàng, núi bạc bên trong mà cái chính là hì hục cậy nắp quan tài Từ Hy để cố gắng đoạt lấy viên quốc bảo này.

Tương truyền khi nắp quan tài bật mở, những tên trộm mộ hết sức kinh hãi khi nhìn thấy dung nhan xinh đẹp như người đang sống của Từ Hy Thái Hậu, có vẻ như bà đang say ngủ, chứ không phải là đã chết. Nhưng lạ thay khi cạy viên dạ minh châu trong miệng Từ Hy ra, thì qua vài giờ đồng hồ, da thịt xác chết trở nên biến dạng, để qua vài ngày thì khô quắt như xác chết lâu ngày.

Trở lại các món đồ tùy táng, trên cổ Từ Hy có đeo 3 xâu chuỗi, trong đó có 2 xâu chuỗi bằng trân châu và 1 xâu chuỗi làm bằng hồng bảo thạch. Thân mình Từ Hy mặc lễ phục dệt bằng sợi tơ vàng, một tay cầm một nhánh hoa sen được tạo tác từ một phiến ngọc nguyên khối. Ngoài ra hai bên di hài còn có chèn thêm cơ man nào là các pho tượng Phật bằng ngọc hoặc vàng, vô số các loại san hô và đá quý.

Và để cho "kho báu" này có thể an toàn vĩnh cửu trong lăng mộ của mình mà không bị bọn trộm mộ ngó tới, trong lúc sinh thời, Từ Hy Thái Hậu đã đôn đốc quan phụ trách xây dựng lăng mộ cho mình phải chuẩn bị đủ khí tài và vật lực để xây dựng nên một khu lăng mộ cực kỳ quy mô mang tên "Kim - Mộc - Thạch tam tuyệt", có nghĩa là lăng mộ được dựng từ 3 loại vật liệu là kim loại, gỗ và đá, mà vật liệu được tuyển lựa hết sức công phu.

Theo đánh giá của giới sử gia và các chuyên gia mộ học ở thời điểm đó thì khu lăng mộ của Từ Hy Thái Hậu có thể được xem là "bất khả xâm phạm". Theo ghi chép của "Thanh Sử" (Các sự kiện lịch sử xảy ra trong triều đại Thanh) thì chỉ riêng số vàng lá dùng để đắp 3 đại diện trong lăng mộ của Từ Hy đã lên đến 4.592 lượng vàng! Các nghệ nhân lành nghề đã đúc thành công tổng cộng 2.400 con rồng bằng vàng và 64 hàng cột được chạm trổ hình rồng và dơi, tất cả các hàng cột đều được sơn son thếp vàng vô cùng lộng lẫy.

Bí ẩn 3 lần nhập quan của Từ Hy Thái Hậu

Với vô số châu báu và trang sức được chôn theo bên mình, thực sự lăng mộ của Từ Hy Thái Hậu chỉ được yên ổn trong vòng 20 năm đầu tiên và mọi sự chỉ thực sự trở nên rối ren từ những ngày tháng sau này. Vào một ngày trong tháng 10 năm 1928, Tôn Điện Anh khi đó là quân đoàn trưởng quân đoàn 12 của chính quyền Quốc Dân Đảng, đã dùng pháo binh mở đường nhằm tiến hành khai quật lăng mộ của Từ Hy Thái Hậu. Dưới sức công phá mạnh mẽ của đạn pháo, lăng mộ từng một thời được xem là "bất khả xâm phạm" thì cửa vào đã bị quật te tua, những kẻ phá hoại đã vào thẳng trong toà lăng mộ, một cuộc hôi của "không tiền khoáng hậu" bắt đầu.

Quan tài của Từ Hy bị phá hủy, bản thân Tôn Điện Anh đã bí mật đánh cắp viên dạ minh châu trong miệng của xác chết, xác của vị Thái Hậu bị quẳng ra bên ngoài. Rất nhiều người từng có người thân đã bị Từ Hy khi còn sống cho giết chết thì nay bỗng bừng bừng đòi đập xác của bà thành tro bụi. Nhưng Tôn Điện Anh đã kịp thời ngăn lại. Bọn phá hoại đã lấy sạch sành sanh những gì được xem là quý giá nhất trong khu lăng mộ.

Theo sử sách Trung Hoa còn ghi lại, trong đợt báng bổ lăng mộ Từ Hy khi đó, những kẻ phá hoại đã hạ nhục xác chết của Từ Hy một cách không thương tiếc, thay vì đập tan cái xác này, họ đã lột và đánh cướp sạch tất cả y phục bằng vàng của bà, chỉ để lại trên người Từ Hy…đúng một chiếc quần lót!
Xác của Từ Hy vào năm 1983. 

Ly kỳ hơn, khi quân lính của Tôn Điện Anh dùng dao cố gắng nạy nắp quan tài của Từ Hy Thái Hậu thì đã có một hiện tượng thần bí mang tính siêu thực diễn ra: "Lúc đó, có một thứ ánh sáng chói loà phát ra rực rỡ từ trong quan tài, những binh sĩ không ai bảo ai đều cầm đèn pin lao đến sát quan tài, nhìn xuống và thảy đều sững người kinh ngạc hết sức. Bên trong quan tài, diện mạo của Tây Thái hậu vẫn tươi nhuận như khi còn sống, kỳ quái hơn ở ngón tay của bà còn nhìn thấy một sợi lông trắng mọc dài cả tấc… Châu báu đầy trong quan tài.

Một cuộc hôi của diễn ra tấp nập, cấp chỉ huy thì lấy đồ bảo ngọc, cấp binh sĩ thì lấy đồ vàng bạc, mạnh ai lấy gì thì lấy, chẳng hề có trật tự gì cả, ai cũng cố gắng ních cho thật chặt số của cải "trời cho" về mình. Tôn Điện Anh hạ lệnh lột sạch long bào của Từ Hy và dùng tay lấy sạch tất cả trân châu, bảo ngọc trên đó". Tin tức về Tôn Điện Anh ăn trộm bảo vật ở Đông Lăng mà đích đến là lăng Từ Hy đã nhanh chóng lan nhanh ra toàn cõi Trung Quốc.
Quan tài của Từ Hy tại lăng"Kim-Mộc-Thạch tam tuyệt"của riêng bà. 

Các đoàn thể xã hội giận tím mặt vì hành động phá hoại trơ trẽn, đã liên tiếp gửi điện tín đến chính phủ Quốc Dân Đảng yêu cầu cấp tốc điều tra và nghiêm trị thật nặng những kẻ chủ mưu phá hoại và ăn trộm lăng. Dù chẳng mặn mà gì lắm với công tác điều tra, song dưới sức ép của công luận mọi giới, Tưởng Giới Thạch đã hạ lệnh nhanh chóng đưa xác Từ Hy trở lại quan tài và để lại những bảo vật vốn trước đó nằm bên trong cỗ quan tài này.

Vào năm 1983, chính phủ Trung Quốc thành lập một tổ công tác gồm 13 người, nhiệm vụ chính của họ là tu bổ lại di hài cũng như khu lăng mộ của Từ Hy Thái Hậu.

Lần mở quan tài này cũng giống như lần đầu tiên, sử gia Trung Quốc Ninh Ngọc Phúc, người đứng đầu tổ công tác, cho biết: "Lịch sử đã một lần nữa lặp lại, một sức mạnh vô hình, huyền bí nào đó đã xảy ra. Chúng tôi cùng lúc nhìn thấy một thứ ánh sáng chói loà phát ra từ quan tài, hết thảy các nhà khoa học hiện diện tại đó đều tròn xoe mắt ngỡ ngàng. Thật kỳ lạ là di thể của Từ Hy Thái Hậu dù bị xâm phạm nặng nề nhưng vẫn còn nguyên vẹn, dù nước da không còn tươi nữa".

Cũng theo ông Ninh Ngọc Phúc, sau khi các nhà khoa học tận mắt nhìn thấy hiện trạng, tổ công tác đã nhanh chóng cấp báo lên cho Bộ văn hoá và lịch sử Trung Quốc biết tình hình. Ngay tức khắc, bộ này đã ra thông báo: "Đậy nắp quan tài của Từ Hy và giữ nguyên hiện trạng".

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lưu giữ xác Từ Hy Thái Hậu một cách trọn vẹn nhất, tháng 4 năm 1984, một lần nữa tổ công tác của ông Ninh Ngọc Phúc lại tiến hành mở nắp quan tài của vị Thái hậu. Trong đợt kiểm tra lần này, không còn nhìn thấy thứ ánh sáng chói loà kỳ diệu như 2 lần trước đó nữa, mặc dù vậy, tổ công tác sau một hồi lần mò đã tìm thấy trong tay phải của Từ Hy có giấu một chiếc túi nhỏ, bên trong chiếc túi này, người ta tìm thấy 1 chiếc răng và 2 chiếc móng tay của bà.

Những vật phẩm nhỏ bé này chính là thứ mà trong đợt xâm hại lăng mộ Từ Hy vào năm 1928, Tôn Điện Anh và những kẻ hôi của đã không màng tới, do đó chúng còn lại hầu như nguyên vẹn. Sau khi phun chất sát trùng để tẩy uế, các nhà khoa học Trung Quốc đã tu bổ lại di thể của Từ Hy Thái Hậu bằng những vật dụng chuyên môn nhằm giữ cho xác ướp vốn đã nguyên vẹn của bà. Được biết, mặc dù trên cơ thể của Từ Hy đã bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt, tuy nhiên da của bà vẫn dính chặt vào xương, vì vậy tổ công tác đã không cần phải đụng chạm đến dây đặc dụng để "buộc" cơ thể.

Cuối cùng, mọi công tác "trang điểm" đã hoàn thành chỉ sau 1 ngày. Di thể cuối cùng của Từ Hy Thái Hậu được đưa liệm trở lại vào quan tài có chiều cao 1m60, tất cả các trang sức quý như áo choàng vàng, trân châu… lấy lại từ vụ xâm hại lăng mộ vào năm 1928 vẫn để y nguyên trong khu lăng tẩm, nơi an giấc ngàn thu của vị Thái hậu quyền lực tột đỉnh trong lịch sử Trung Hoa.


Văn Chương - CAND

Bình luận
vtcnews.vn