Từ trên đỉnh núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) nhìn xuống sẽ thấy Ma Thiên Lãnh như một lòng chảo khổng lồ với những cánh rừng nguyên sinh bất tận ăn thông với nước bạn Campuchia.
Vùng đất không dành cho những người yếu bóng vía
Rạp mình trên “con ngựa sắt” đã được “độ” để chuyên chinh phục cung đường uốn lượn, hiểm trở, ông Phụng, một người có máu điền dã trong vùng tình nguyện đưa khách lên đỉnh Thiên Sơn để tìm hiểu loài bò sát máu lạnh khổng lồ.
Chẳng rõ ông Phụng có quá lời hay không nhưng khi rời con ngựa sắt leo núi, cắt rừng lần lên đỉnh cao giữa cây cối um tùm và mùi rừng ngai ngái, nhiều đoạn cây rừng phủ tối cả khoảng không, muỗi con nào con nấy bự cành cành như ruồi bén mùi người ào ào xông tới hút máu, mà hãi. Để không khí bớt căng thẳng, vừa đi trước dùng rựa trước phạt lối, sau báo động cho rắn rít biết đường mà tránh, ông Phụng vừa trò chuyện.
Theo lời ông, quần thể núi Bà Đen gồm 3 ngọn núi, núi Heo, núi Phụng, núi Bà hợp nhau mà thành. “Ma Thiên Lãnh không phải là núi. Nó là cánh rừng nằm giữa 3 ngọn núi kia. Gia đình tui là dân cựu trào ở đất này nhưng hổng rõ đâu là căn nguyên chính xác của cụm từ Ma Thiên Lãnh”, ông Phụng, gợi chuyện.
Hang đá nơi ông Phụng từng gặp con mãng xà khổng lồ |
Lại có bậc cao niên giải thích căn nguyên của tên gọi là do rừng thẳm nơi đây nằm giữa núi cao, khung cảnh u mịch, nhiều thú dữ và muôn vàn hiểm nguy rình rập nên chẳng ai dám đặt chân đến. Các cụ nói Ma Thiên Lãnh có nghĩa lãnh địa thiêng ai vào cũng trở thành hồn ma”, vừa phát đường đi, ông Phụng vừa giảng giải.
Dừng lại nghỉ lấy sức, ông Phụng thở hển hển nói: “Lãnh điạ của ma quỷ gì đó tui chỉ nghe đồn. Chứ nói Ma Thiên Lãnh là lãnh địa của rắn độc, rắn khổng lồ thì hổng có gì phải bàn. Vùng này rắn dữ thần lắm, con nào con nấy bự cành cành.
Ngày trước tui đi rừng lỡ dẫm lên con hổ chúa khiến nó tức mình ngóc đầu phình mang với phần thân nhô lên khỏi mặt đất gần 2m. Lúc đó dù sợ tái mình nhưng tôi cũng kịp trấn tĩnh nghĩ nếu mình bỏ chạy thì không thể nào nhanh bằng nó nên đành cố gắng đứng bất động, không dám thở mạnh.
Kinh nghiệm nhiều năm đi rừng cho tui biết vào ban ngày rắn không thấy đường. Khi bị đe doạ, chúng tấn công đối phương thông qua chuyển động của họ. Nếu mình đứng yên nó sẽ nghĩ mình vô hại nên thường sẽ không manh động tấn công. Nhờ chiêu đối phó ấy mà trận đụng độ đó tôi tai qua nạn khỏi”.
Bà Lắm đang kể chuyện rắn vào nhà rượt gà |
Đụng độ như trong phim
Trước khi được ông Phụng dẫn vào Ma Thiên Lãnh, chúng tôi đến thăm chốt giữ rừng Tà Nốt ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát ở huyện Tân Biên (Tây Ninh). Tại đây chúng tôi được các nhân viên giữ rừng khoản đãi nhiều chuyện về rắn khổng lồ.
Trong câu chuyện về các loài bò sát máu lạnh hôm ấy, anh Lê Văn Sang, chốt trưởng chốt giữ rừng Tà Nốt cho biết cùng với Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, khu vực rừng Ma Thiên Lãnh cũng được xem là “thủ phủ rắn”.
Nơi đây do được bảo vệ nghiêm ngặt, mỗi năm lại được lực lượng kiểm lâm tổ chức từ 4- 5 đợt thả rắn về rừng trong những chiếc dịch thu gom từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép nên rắn nhiều vô kể. Từ tâm tình của những người bảo vệ rừng nên chúng tôi biết chuyện kể giáp mặt rắn khổng lồ của ông Phụng không phải là chuyện bịa.
Sau gần 2h xuyên rừng rậm vượt các mỏm đá chênh vênh, chúng tôi bước ra khoảng không. Tại đây có vài nóc nhà. Sau những thăm hỏi, khi đề cập chuyện rắn, những cư dân chốn rừng sâu ai nấy đều tỏ ra e dè.
Anh Châu tường trình sự việc ngồi trên con nưa khổng lồ |
Dứt lời, bà Lắm tả: “Ở đây rắn con nào con nấy bự tổ chảng, đến chó thấy còn cụp đuôi chạy có cờ. Rắn nhiều dữ lắm, rắn trú trong các hốc đá, rắn đánh đu trên thân cây, rắn lởn vởn quanh các nóc nhà, rắn trườn xào xạc trên cành lá hoai mục, rắn bò lúc nhúc ven triền con suối Vàng, rắn làm càn tấn công cả chuồng nuôi gia cầm của các hộ dân vào đêm tối”.
Anh Phùng Văn Tám, 34 tuổi, làm rẫy trên đỉnh Ma Thiên Lãnh được 14 năm nên rất am tường chuyện rắn. Anh cho biết từng năm lần bảy lượt giáp mặt những con rắn dài xấp xỉ hoặc trên 3m.
“Có bận khoảng 1 giờ đêm trời tháng chạp trăng sáng như ban ngày, đang nằm ngủ tui bỗng nghe trên mái tôn kêu ầm ầm dù rằng trời chẳng mưa gió gì. Lồm cồm xách đèn pin bước ra ngoài rọi xem có chuyện gì, tui điếng hồn khi thấy tấm thân của một con mãng xà tinh vắt dài như chiếc võng trên thân 2 nhánh cây xoài đung đưa quất qua quất lại.
Khu vực nơi nhiều người bắt gặp rắn khổng lồ… chuyền cành |
Anh Năm Bình ở gần đấy sang chơi, kể chuyện thoát chết sau khi bị rắn tấn công mà liên tục rùng mình: “Tui lên đây sống được khoảng 2 năm. Khoảng tháng 10 năm ngoái, thi thoảng tôi rọi đèn soi dơi về nấu cháo đậu xanh.
Hôm đó tôi đang men theo con suối thì ánh đèn đội đầu soi trúng con rắn hổ khè thân to cỡ cùm chân người lớn lúc nó đang ngóc đầu chuẩn bị lao tới chụp một con cù lần (culi).
Bị ánh đèn bất ngờ soi thẳng, chừng như bực tức nên con rắn điên tiết phóng như tên bắn cắm miệng vào chiếc đèn. Lực phóng của nó khiến tôi té bật ngửa, cả người cùng rắn đổ nhào xuống đất. Trong cơn hoảng loạn, tôi vùng dậy chạy như điên về lán, mặt trắng bệnh không còn giọt máu. Từ đó đến nay tôi không dám đi soi nữa”.
Ngoài rắn hổ khè, Ma Thiên Lãnh còn có giống rắn hổ rừng to bự như trăn. Ông Sính, chồng bà Lắm cho biết giống rắn hổ này rất hiếu chiến, không chỉ sẵn sàng lao vào tấn công trực diện đối phương, khi cảm nhận sự nguy hiểm nó còn có chiêu phun nọc độc.
Bị hổ rừng phun nọc độc trúng mắt thì ai đó nắm chắc vé bị mùa lòa. Còn bị nó cắn thì sau 24 giờ da dẻ bị nứt rồi chảy nước vàng, sau đó thì thịt bị thối dẫn đến hoại tử vô phương cứu chữa.
Ông Sính kể chuyện: “Cách đây 3 tháng, có thằng Mưu lúc nhổ cỏ chẳng may bị con hổ khè đớp trúng ngón giữa của bàn tay phải. Sợ chạy nọc, nó liền dùng dao chặt đứt ngón tay ngay tại chỗ”.
Ở rừng Ma Thiên Lãnh còn có giống bò sát máu lạnh gọi là con nưa. Con này rất giống trăn nhưng trăn chỉ có 2 hốc mũi, còn nưa có đến 9 lỗ mũi. Đây là giống trăn rừng cực kỳ hung dữ, còn gọi là trăn móc dấu vì đặc tính khi di chuyển để lại vết tích có 2 lằn đất trên đường dịch chuyển.
“Tôi đã từng gặp con nưa nặng gần 80kg, nó bự đến độ chỉ sống một chỗ, chờ con thú hoang đi qua là siết rã xương rồi nuốt trọn.
Một cư dân Ma Thiên Lãnh với con rắn vừa bắt được |
Những người sống ở Ma Thiên Lãnh mà chúng tôi tiếp xúc, từ các hộ dân làm rẫy trên núi đến các cán bộ kiểm lâm ai nấy đều khẳng định Ma Thiên Lãnh là thủ phủ của các loài mãng xà khổng lồ sở hữu nọc độc chết người. Có một điều lạ là tuy nhiều như lá rụng vào thu nhưng các hung thần máu lạnh chưa từng chủ động tấn công ai bao giờ.
“Sống ở rừng nên bà con ai nấy đều tuân thủ luật rừng, không dám kinh động hay tỏ ý coi thường mấy ổng, nhờ vậy nên mấy ổng cũng để cho mình yên ổn làm ăn. Mấy ổng chỉ phun nọc độc khi cảm nhận bị đe dọa mà thôi”, lúc đưa chúng tôi ra khỏi rừng, ông Phụng và nhiều người tâm tình như thế.
Điều ấy giúp chúng tôi nhận ra rằng trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, con người và thú dữ vẫn có thể sống hòa bình với nhau nếu như người ta tôn trọng quyền được sống của chúng.
Theo Báo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận